3 cách để cứu vãn liên minh Mỹ - Ukraine đang đuối dần

Đức Huy |

Trong thời khắc quyết định tương lai của các bên liên quan là Ukraine, Mỹ, và EU, quan hệ giữa Mỹ và Ukraine lại thiếu đi cả những bước đi chiến lược cũng như sự hợp tác.

Đó là nhận định của chuyên gia Matt Rojansky, giám đốc Viện nghiên cứu Kennan (Mỹ), và Thomas Graham, cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về các vấn đề Nga, trong một bài góc nhìn đăng trên Reuters hôm 12/6 vừa qua.

Theo hai chuyên gia này, sự thiếu hiệu quả của liên minh Mỹ - Ukraine đã trở nên quá rõ ràng sau những cuộc gặp mặt mới đây giữa họ với lãnh đạo bộ máy chính trị, các nhà báo, học giả, và nhà hoạt động xã hội Ukraine.

Họ đã được tận mắt chứng kiến một Ukraine đang trong vòng vây. Những lời kêu gọi Mỹ trợ giúp đến mức tuyệt vọng của người dân Ukraine đang ngày một gia tăng trong bối cảnh giao tranh xuất hiện trở lại ở Donetsk tuần trước.

"Cả Washington lẫn Kiev đều đã đi đến giới hạn về hiệu quả của những tuyên bố chỉ mang tính chính trị, tính biểu tượng" - ông Rojansky và ông Graham khẳng định.

Theo họ, đây là lúc chính phủ hai nước cần sớm xác định rõ những lợi ích quốc gia sống còn để từ đó xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai gần.

Nếu không làm được điều đó, Mỹ và Ukraine sẽ đối mặt với nguy cơ kéo dài một mối quan hệ đầy hi vọng nhưng cũng không thiếu thất vọng giữa đôi bên.

Có thay đổi, nhưng chưa đủ

Hai chuyên gia đều cho rằng Ukraine đã có những thay đổi quan trọng kể từ cách mạng Maidan 2014, với các đường lối chính sách tách ra khỏi lý thuyết thời Liên Xô.

Tuy nhiên, con đường đưa Ukraine đi tới liên minh với các nước Tây Âu, điều Mỹ mong muốn, vẫn chưa được mở ra hoàn toàn.

"Tương lai của Ukraine sẽ nằm trong tay những nhà lãnh đạo cải cách và một xã hội đã thức tỉnh. Nhưng nó cũng sẽ chịu ảnh hưởng của những chính trị gia tư tưởng độc tài và nạn tham nhũng vẫn hiện hữu" - ông Rojansky và ông Graham phân tích.

Hiện tại, quá trình cải cách vẫn tiếp diễn một cách chật vật, trước sự bất bình của rất nhiều người, trong đó có liên minh đảng cầm quyền.

Mỗi ý tưởng cải cách lại dẫn tới nhu cầu chỉnh sửa một số chi tiết trong phương thức quản lý, hệ thống chính trị, hay nền kinh tế. Do đó, các hiệu ứng tích cực từ cải cách vẫn đến rất chậm, khiến dân chúng mất kiên nhẫn.

Việc Nga sáp nhập Crimea cũng như giao tranh tại Donbass đã thay đổi cán cân quyền lực giữa những chính trị gia có thế lực tại Ukraine. Ngoài ra, Hai chuyên gia này cũng chỉ ra một thực trạng đáng báo động về lòng dân nước này.

"Một phần người dân đã quá mệt mỏi và bức xúc trước những tiếng súng nổ liên miên, mặt khác đã bắt đầu có dấu hiệu mẫn cảm với chiến tranh" - họ cho biết.

Người dân Ukraine ra đường biểu tình. Ảnh : AP

Người dân Ukraine ra đường biểu tình. Ảnh: AP

Rất nhiều người Ukraine khi nói chuyện với ông Rojansky và ông Graham cho biết họ không thật sự đặt nhiều niềm tin vào những lời hứa mà lãnh đạo nước này đã từng nói, trong cả vấn đề đối nội lẫn đối ngoại.

Hơn 25 năm qua, Mỹ đã ủng hộ Ukraine dựa trên chia sẻ những giá trị và lợi ích chung. Nhưng giờ đây, theo hai chuyên gia này, Washington dường như đã "ngủ quên trong chiến thắng" sau thành công của chính phủ Kiev thành lập sau cuộc bầu cử năm 2014.

Nhiều quan chức cấp cao Mỹ đã hết lời khen ngợi các thành viên chính phủ Ukraine "can đảm" và "truyền cảm hứng". Do đó, nay khi cần gây sức ép để thúc đẩy Ukraine đẩy mạnh cải cách, Washington lại không có được cái "uy" để làm như vậy.

Điều này cũng khiến chính phủ Ukraine có dấu hiệu ỷ lại, phụ thuộc vào Mỹ như một người "bảo kê" đáng tin cậy, và đây rõ ràng không phải điều người dân hai nước mong muốn.

Làm sao để cải thiện?

Hai chuyên gia Rojansky và Graham cho rằng để cải thiện tình hình, có 3 việc Washington cần làm ngay bây giờ.

Thứ nhất, họ kêu gọi Washington cần để tâm hơn tới quan điểm của người dân Ukraine trước khi lên tiếng ủng hộ các chính sách của lãnh đạo Kiev.

Thay vì nghĩ rằng cứ can thiệp sâu vào từng đường đi nước bước của chính trường Ukraine là có thể tạo ra đột biến, Mỹ cần tập trung xử lý những vấn đề cốt lõi gây ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai của Ukraine, những vấn đề mà chỉ một mình Kiev không thể giải quyết.

Tiếp theo, họ cho rằng Washington cần làm việc với Kiev để có thể đi đến một bộ khung các mục tiêu đối tác song phương. Bộ khung này cần dựa trên những lợi ích và giá trị đôi bên cùng chia sẻ, cũng như những dự định thiết thực trong tương lai.

Ngoài ra, Washington cũng phải tìm kiếm những đối tác với những dự án có lợi cho cả Mỹ và Ukraine, thay vì ưu tiên một vài đối tác nhất định trong bộ máy chính trị Kiev.

Mỹ cần bỏ ngay việc cố gắng thuyết phục người Ukraine đi trên con đường thân phương Tây chỉ để "phá" Nga. Thay vào đó, Washington cần xây dựng một nền tảng hợp tác trong đó tập trung vào lợi ích toàn thể của Ukraine chứ không phải chỉ để chống lại Nga.

Washington cần xây dựng một nền tảng hợp tác trong đó tập trung vào lợi ích toàn thể của Ukraine chứ không phải chỉ để chống lại Nga.

"Washington cần xây dựng một nền tảng hợp tác trong đó tập trung vào lợi ích toàn thể của Ukraine chứ không phải chỉ để chống lại Nga."

Cuối cùng, hai chuyên gia này cho rằng Washington cần phải kiên nhẫn. Ukraine nhiều khả năng sẽ cải cách với tiến độ chậm hơn những gì giới chức Mỹ mong muốn.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả trong mối quan hệ song phương giữa hai nước là việc chia sẻ những giá trị và lợi ích chung một cách lâu dài, còn tiến độ đạt được điều đó không phải là ưu tiên hàng đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại