Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về quan điểm của mình đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Jeb Bush nói rằng trước đây anh trai ông, George Bush, đã từng "nhìn thấu tâm gan" người đứng đầu điện Kremlin.
"Ông ta [Putin] là một kẻ bắt nạt" - ông Jeb phát biểu.
Vậy nếu George Bush thực sự hiểu được Putin đến vậy, tại sao ông Obama cũng như lãnh đạo các nước phương Tây hiện nay vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp cho "bài toán" đối phó với Tổng thống Nga?
"Đơn giản vì Putin đã thay đổi rất nhiều trong nhiều năm trở lại đây" - ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ giải thích.
"Chính sách của Putin đã có những biến chuyển. Sự thay đổi này ngày càng được thể hiện rõ ràng hơn do nhận thức của Nga rằng Mỹ đang nhún nhường. Con người cũng có thể thay đổi, và Putin là một ví dụ" - ông Jeb phát biểu.
Thậm chí, mối quan hệ George Bush - Vladimir Putin cũng có những thay đổi đáng kể trong 8 năm ông Bush là người đứng đầu Nhà Trắng.
Theo Jeb Bush, quan hệ giữa lãnh đạo hai cường quốc này khi ấy đã xấu đi đến mức gần như tất cả các nghị sĩ đảng Cộng hòa bấy giờ đều chung quan điểm rằng Tổng thống Nga là một thế lực, một mối đe dọa cần phải được chế ngự.
Cũng trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn, tuy không đi vào chi tiết, nhưng ông Jeb đã tiết lộ một số chính sách ông sẽ áp dụng để "khống chế" Putin nếu như nhà Bush tiếp tục có chỗ trong Nhà Trắng vào năm 2016 tới đây.
Trong đó, ông cho rằng ưu tiên hàng đầu của Mỹ sẽ là tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu để ủng hộ những đồng minh như Ba Lan.
"Chúng ta cần phải mạnh mẽ hơn, chúng ta cần phải khuyến khích các đồng minh NATO ở châu Âu đầu tư mạnh hơn vào quốc phòng.
Với chính nước Mỹ, chúng ta cũng phải nhất quán trong cả chính sách lẫn hành động, trong trường hợp phía Nga tiếp tục hung hăng" - Jeb Bush phát biểu.
Jeb Bush (trái) trò chuyện cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu. Ảnh: Reuters
Về vấn đề khủng hoảng Ukraine, trong bối cảnh Kiev đang "nài nỉ" phương Tây tăng cường hỗ trợ, ông Jeb không ngần ngại nói rằng Mỹ cần hỗ trợ thêm về mặt quân sự cho chính phủ ông Poroshenko.
"Chúng ta cần giúp họ phát triển năng lực quốc phòng. Thật khó để có thể tập trung cải cách hệ thống và phát triển kinh tế trong khi chiến sự vẫn diễn ra" - ông Jeb khẳng định.
Chuyến thăm Đức, Ba Lan và Estonia của ông Jeb được đánh giá là bước đệm trước khi em trai cựu Tổng thống George Bush chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống hôm 15/6 tới đây.
Ông Jeb cho biết mục đích của chuyến đi lần này là để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh sự hiện diện của Mỹ tại Đông Âu, điều mà theo ông chính phủ Tổng thống đương nhiệm Barack Obama chưa thực hiện một cách thực sự hiệu quả.
Nhưng cụ thể ông Jeb sẽ đề ra những chính sách nào để làm được điều đó nếu được bổ nhiệm Tổng thống thì vẫn chưa rõ.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Jeb không nói rõ việc các nước thuộc Liên Xô trước đây như Ukraine có nên được gia nhập NATO hay không, thay vào đó ông cho biết sẽ đẩy quyết định này cho phía có trách nhiệm trực tiếp.
Ngoài ra, ông Jeb cũng không quên tận dụng chuyến đi này để chỉ trích đối thủ nặng kí Hillary Clinton của đảng Dân chủ vì thất bại của chính sách "tái thiết quan hệ" với Nga do bà khởi xướng.
Thay vào đó, Jeb Bush khẳng định, để đối đầu với Putin thì "phải dùng sức".
"Mềm mỏng với Putin cũng như thể 'vẽ đường cho hươu chạy' " - ông nhận xét.
"Ý của tôi không phải là Mỹ sẽ trở nên hiếu chiến và đối đầu trực tiếp với Nga. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh cho Putin thấy những hậu quả mà chính sách hung hăng của ông ta đem lại, và điều đó sẽ ngăn cản được Putin cũng như giúp Mỹ tránh được một kết quả bất lợi".