Đầu tuần qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cuộc gặp quan trọng, với khủng hoảng Ukraine là chủ đề thảo luận chính yếu nhất.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã phát đi tuyên bố cho thấy sự thống nhất cao về mặt quan điểm đối với xung động ở Ukraine.
“Can dự của Nga ở Ukraine chỉ làm tăng thêm sự đoàn kết giữa Mỹ, Đức với các đồng mình châu Âu”, ông Obama nói.
Sự thực có thể không phải như vậy.
Bất đồng trong đối sách với Ukraine cùng với những tranh cãi về giải pháp nào để “kiềm chế” Nga đã tạo ra những căng thẳng trầm trọng trong liên minh xuyên Đại Tây Dương - một thực tế rất khó chối bỏ.
Trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich, Mỹ và châu Âu cũng đã cố tìm cách xóa mờ bất đồng giữa hai bên.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bình luận, sự khác biệt Mỹ và EU có chỉ là những “vấn đề chiến thuật”, chứ không phải là chiến lược.
Hai bên đồng thuận Nga phải thoái lui can dự ở Ukraine, trao trả Crimea và chấm dứt trợ giúp vũ khí đối với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông - Nam; tôn trọng chủ quyền Ukraine và quyền của Kiev gia nhập các tổ chức ở châu Âu.
Thế nhưng, không cho thấy tín hiệu nào Nga sẽ lùi bước và các “vấn đề chiến thuật” kia đã lại trở thành cả một trận chiến lớn. Làm sao tác động để Moskva thay đổi quan điểm - đó là điểm tồn tại mấu chốt giữa Mỹ và châu Âu.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là: có nên cung cấp vũ khí cho Ukraine?
Chính quyền Obama và các đồng minh như Anh, Canada đang xem xét vấn đề này. Quốc hội Mỹ đang xem xét thông qua dự luật viện trợ vũ khí sát thương trị giá 1 tỉ USD cho Kiev.
Trong khi đó, Đức - nước đầu tàu trong EU, lại là nước phản đối mạnh nhất ý tưởng trên.
Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier bình luận, vũ trang cho Ukraine là quyết định “nguy hiểm, phản tác dụng’. Sự đối lập này làm phát lộ mâu thuẫn ở tầng nấc sâu hơn, đó là lợi ích của các bên.
Điểm mấu chốt nhất trong cách tiếp cận của Mỹ là họ hành động không phải để bảo vệ Ukraine, mà là nhằm trừng phạt Nga.
Washington có thể dễ dàng bỏ qua những tác động kinh tế tiêu cực trong trường hợp đóng băng quan hệ với Moskva.
Đơn giản là bởi, Nga chỉ là đối tác thương mại hàng thứ 23 của Mỹ, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch ngoại thương của Mỹ. Thế nhưng, Nga lại là thị trường chiếm đến 10% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của EU.
Khi mà còn nhiều nước châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga, cùng với sợi dây liên kết chặt chẽ về thương mại, đầu tư, thì trừng phạt Nga cũng là cách mà EU tự trừng phạt mình.
Vì vậy mà Washington và Brussels dường như đang theo đuổi những kế hoạch riêng biệt và đó là tin xấu với cả hai.
Khi Mỹ và châu Âu gia tăng khác biệt thì ai sẽ là người hưởng lợi. Đó không phải là Nga.
“Một Ukraine tan vỡ” cũng đồng nghĩa với sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Moskva với phương Tây mà hệ quả song hành là mối nguy về sự sụp đổ kinh tế Nga.
Trung Quốc chắc chắn sẽ là người thu lợi.
Bắc Kinh luôn kiên định phản đối quan điểm bao quát nhất của phương Tây: Kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra những phản ứng mạnh mẽ nhằm vào Moskva.
Khi Nga hướng Đông, Trung Quốc sẽ có điều kiện để mặc cả trong các quan hệ thương mại song phương; đồng thời tìm cách để các quan hệ với Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục được mở rộng.
Chiến thuật “hàng hai” sẽ được Bắc Kinh thực hiện hiệu quả. Và nếu quan hệ xuyên Đại Tây Dương tiếp tục bị chia cắt, đương nhiên các quan hệ với Trung Quốc sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.