Ông Lavrov cáo buộc ông Obama đang coi Nga là mối nguy hiểm còn hơn cả nhóm khủng bố cực đoan tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo ông Lavrov, Tổng thống Obama đã thất bại trong việc truyền đạt thông điệp "phấn đấu cho hòa bình" tại Đại hội đồng LHQ vào hôm thứ Tư (ám chỉ bài phát biểu của ông Obama) khi ông giữ nguyên quan điểm cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine và đặt Nga ở vị trí thứ hai trong danh sách các mối đe dọa toàn cầu.
"Bài phát biểu (của ông Obama) nói về kiến tạo hòa bình có vẻ không được thuyết phục, theo ý kiến của tôi, nếu chúng ta so sánh nó với các sự kiện diễn ra trên thực tế", Ngoại trưởng Nga nói với các phóng viên bên lề phiên họp thứ 69 của Đại hội đồng LHQ.
"Chúng tôi đã được ông Obama xếp thứ hai trong danh sách các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Vị trí đầu tiên (trong danh sách các mối đe dọa của ông Obama) là dịch virus Ebola, còn thứ hai được Tổng thống Obama gọi là "sự xâm lược của Nga ở châu Âu" và thứ ba mới tới phong trào Nhà nước Hồi giáo, al-Qaeda và những kẻ khủng bố khác đang ở khu vực Trung Đông mà chúng ta đang đề cập, đặc biệt là ở các quốc gia mà Mỹ đã can thiệp quân sự bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế", ông Lavrov nói.
"Đáng lẽ, chúng ta cần quan tâm việc dập tắt những ngọn lửa xung đột trên toàn thế giới thông qua đối thoại công bằng dựa trên quyền bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau chứ không phải thông qua những cáo buộc đơn phương và đổ trách nhiệm cho người khác", Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng trước đó, ông Obama đã yêu cầu thế giới đoàn kết chống lại IS, đồng thời tiếp tục cáo buộc Nga viện trợ quân sự cho phe ly khai ở miền đông Ukraine và "thôn tính" Crimea bất hợp pháp. Tuy nhiên, Mỹ lại cho rằng mình có lý khi không kích trên lãnh thổ Syria dù không được chính quyền Damas hay LHQ chấp thuận với lý do "tự vệ".
Về các chỉ trích của Mỹ với Nga về vấn đề Ukraine, Moscow đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc mà họ nói là vô căn cứ. Đồng thời, Nga cho rằng họ đã đóng một vai trò quan trọng và tích cực trong việc giảm leo thang khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất một kế hoạch hòa bình 7 điểm để giải quyết cuộc xung đột vào hồi đầu tháng 9 tạo nền móng cho 2 phe ở Ukraine đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 5.9 tại Minsk.