Nga là cái cớ giúp NATO thống trị châu Âu

Hàn Giang |

Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích kết quả Hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO ở Brussels, tuyên bố rằng liên minh quân sự này đang thông qua kế hoạch tăng cường quân sự ở biên giới Nga để đạt được mục tiêu NATO thống trị châu Âu.

Trong cuộc họp kéo dài hai ngày của bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO và người đồng cấp Ukraine, các bên đã thảo luận biện pháp chống lại “cuộc xâm lược của Nga”.

Cụ thể, NATO sẽ thúc đẩy kế hoạch mở rộng lực lượng phản ứng nhanh của liên minh lên đến 40.000 quân từ con số hiện tại là 13.000 quân và điều động thêm nhiều trang thiết bị, bao gồm các xe tăng đến biên giới Nga.

Sự tích tụ quân sự trong các khu vực giáp biên với Nga là một “hành động nguy hiểm cho các cơ sở hạ tầng của NATO”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.

Và khẳng định rằng liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đang tiếp tục xu hướng được nêu ra lần đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh  Wales vào năm ngoái, qua đó giúp NATO thống trị châu Âu.

Kế hoạch mở rộng về phía đông của NATO đang được thực hiện dựa trên những lý do sai lầm, khi cho rằng Nga có những “hành vi hung hăng”.

Sự tích tụ quân sự, Bộ cho biết, đi kèm với các “tuyên bố thách thức và không thân thiện”.

Một kế hoạch như vậy là “phản tác dụng” về mặt quân sự, đồng thời tạo ra gánh nặng tài chính cho các nước thành viên.

Ngoài ra, chính sách chống lại Nga của NATO khiến liên minh này không thể tập trung vào mối đe dọa khác, như hoạt động khủng bố hay buôn bán ma túy, một quan chức bộ ngoại giao nhận định.

“Hơn nữa, Mỹ và đồng minh châu Âu đang cho thấy sự trở lại rõ ràng của Chiến tranh Lạnh, với khả năng leo thang căng thẳng và khuyến khích một cuộc chạy đua vũ trang giữa các bên.

Những hành động như vậy có thể tác động xấu đến tình hình ở châu Âu trong thời gian dài. Qua đó giúp NATO hay cụ thể là Mỹ thực hiện kế hoạch thống trị châu Âu”, báo chí địa phương dẫn lời.

Bình luận về việc mở rộng trang thiết bị hạng nặng của NATO tại sáu quốc gia Đông Âu, cựu Phó đô đốc Ba Lan Marek Toczek thừa nhận đây là một sự leo thang nguy hiểm và có thể gây ra những hậu quả thảm khốc.

“Sự hiện diện của quân đội NATO là những dấu hiệu cảnh báo cho một vài sự kiện có thể ảnh hưởng đến người dân Đông Âu và Trung Âu, và không chỉ họ, điều đó cũng có khả năng là một thảm họa cực đoan chưa bao giờ được biết đến cho nhân loại.

Ở Ba Lan, nhiều người bắt đầu bày tỏ thái độ chống lại các quyết định chính trị,” ông Toczek nói với Sputnik.

Đô đốc Mullen nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết những căng thẳng xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine thông qua biện pháp ngoại giao.

Tuy nhiên, ông cho rằng giới lãnh đạo Ba Lan đã nhất trí tăng sự hiện diện của quân đội NATO và các thiết bị quân sự trước cuộc bầu cử quốc hội sắp diễn ra vào mùa thu năm nay.

Điện Kremlin liên tục phủ nhận quân đội Nga đang tham gia vào các sự kiện tại Ukraine hay có hành vi đe dọa các nước thành viên NATO.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, mặc dù Nga đã tỏ ra nhân nhượng trong thời gian qua, nhưng nếu NATO tiếp tục đe dọa lãnh thổ đất nước, Moscow sẽ đáp trả thỏa đáng mọi kế hoạch của liên minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại