Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ Nga lấy làm tiếc khi nhận thấy rằng việc thiếu tiến triển trong hoạt động giải trừ hạt nhân là kết quả của đường lối phá hoại và thậm chí là "công khai thù địch" của Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với Nga.
Theo bà Zakharova, hoạt động tăng cường quân sự của Mỹ gần biên giới Nga, trong đó có việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu, đã cản trở tiến trình thúc đẩy giải trừ hạt nhân.
Bà Zakharova cũng nhấn mạnh chính quyền đương nhiệm của Mỹ đã phát động kế hoạch hiện đại hóa kho hạt nhân tham vọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, với chi phí ước tính khoảng 350 tỷ USD trong 10 năm tới, chứng tỏ Washington "ám ảnh với việc lên kế hoạch và xây dựng quân sự nhằm vào Nga."
Ngoài ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cũng viện dẫn các dẫn chứng như Washington trì hoãn việc thông qua Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện, hay tiến hành các sứ mệnh hạt nhân chung với các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, bà Zakharova cho biết Nga sẵn sàng tiếp tục thảo luận các vấn đề chiến lược với Mỹ nếu Washington tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau về lợi ích và an ninh đối với các quốc gia khác.
Theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) do Mỹ và Nga ký và được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2010, số đầu đạn hạt nhân của Mỹ sẽ được giảm từ 1.900 xuống còn 1.550 đơn vị.
Tuy nhiên, trong những năm qua, chính quyền Obama lại tìm cách tăng ngân sách hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, từ 20 tỷ USD lên 34,8 tỷ USD mỗi năm./.