Tài liệu Panama, với hơn 4,8 triệu email, 3 triệu file dữ liệu và 2,1 triệu file PDF - tổng dung lượng lên tới 2,6 T - là vụ rỏ rỉ tài liệu lớn nhất lịch sử thế giới, tính tới thời điểm hiện tại.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) Gerarda Ryle khẳng định, những gì mà họ giữ trong tay lớn gấp khoảng 2.000 lần số dữ liệu bị rỏ rỉ trong vụ WikiLeaks, trong đó gồm nhiều tài liệu của Mossack Fonseca suốt 40 năm hoạt động.
Bê bối lộ mật này, bản thân nó đã là một câu chuyện đầy ly kì và chưa từng có trong tiền lệ.
Làm cách nào mà một người tố giác nặc danh có thể lấy được số lượng tài liệu khổng lồ rồi bí mật gửi cho các nhà báo, để rồi hơn 400 nhà báo đã lặng lẽ phân tích chúng trước khi cùng nhau công bố chúng ngày 3.4?.
"Hôm nay trời nắng chứ?” - "Mặt trăng đang đổ mưa"
Mọi chuyện bắt đầu bằng một thông điệp gửi qua ứng dụng nhắn tin được mã hóa (encrypted chat) tới nhật báo Đức Suddeutsche Zeitung từ thời điểm cuối 2014 – đầu 2015:
“Xin chào. John Doe đây. Có quan tâm đến các tài liệu không?”. (John Doe là cái tên mang tính biểu tượng, thường được dùng ở phương Tây trong các trường hợp muốn giấu hoặc không rõ tên thật)
“Rất quan tâm” - Suddeutsche Zeitung hồi đáp.
"Chúng ta đang nói về bao nhiêu dữ liệu?", Obermayer hỏi.
"Nhiều hơn những gì anh đã từng thấy", nguồn tin trả lời.
Theo lời của nhà báo Đức Obermayer, nguồn tin chủ động đề nghị cung cấp một số dữ liệu về “các hành vi phạm tội”, với lý do muốn đưa chúng ra ánh sáng, “chúng cần phải được ngăn chặn”.
Anh ta không đòi hỏi bất cứ một khoản tiền nào cho những thông tin mình sẽ cung cấp mà chỉ ra điều kiện cho việc trao đổi thông tin: “Cuộc sống của tôi đang bị đe doạ. Chúng ta sẽ chỉ trò chuyện với nhau bằng các tập tin mã hoá. Không gặp gỡ”.
Obermayer kể lại, mình và nguồn tin thường xuyên thay đổi các kênh mã hóa để liên lạc với nhau, mỗi lần liên lạc đều xóa toàn bộ lịch sử trò chuyện trước đó.
Một khi đã thiết lập được một kênh liên lạc nào đó, họ thường sử dụng các câu hỏi và câu trả lời để làm ám hiệu.
"Tôi sẽ nói "Hôm nay trời nắng chứ? Còn bạn sẽ nói "Mặt trăng đang đổ mưa", hoặc bất cứ thứ gì đó vô nghĩa. Và khi cả 2 chúng tôi đều có thể xác nhận đúng người mình cần gặp".
Obermayer từ chối giải thích lý do vì sao nguồn tin của ông ta lại chọn Suddeutsche Zeitung để gửi hàng trăm gigabyte, thậm chí là lên tới tetabyte dữ liệu cùng một lúc.
Tất nhiên, từng đó dữ liệu là quá nhiều để có thể gửi được qua email, song lại rất dễ dàng để gửi đi một cách nặc danh dưới dạng các ổ cứng được mã hoá.
"Tôi đã tìm hiểu rất nhiều về cách gửi các tập tin dung lượng lớn làm sao cho an toàn".
Các phóng viên trước cửa trụ sở chính của Mossack Fonseca sau khi hàng triệu file dữ liệu của hãng này bị rò rỉ.
“An toàn vẫn tốt hơn là sau lại phải hối tiếc”
Sau khi tiếp cận được một phần các tài liệu, Suddeutsche Zeitung quyết định liên lạc với ICIJ. Nhân viên của Hiệp hội này nhanh chóng bay tới Munich, trực tiếp gặp gỡ và phối hợp với nhật báo Đức.
ICIJ đã từng có kinh nghiệm thu thập thông tin rò rỉ về "thiên đường trốn thuế", bao gồm một phân tích năm 2013 về các dữ liệu liên quan tới các "thiên đường trốn thuế" ở nước ngoài và một cuộc điều tra rò rỉ thông tin khác liên quan tới các tài sản được ngân hàng Thụy Sĩ HSBC "che chắn".
Trong khi đó, hàng lô dữ liệu của Tài liệu Panama vẫn được lần lượt được chuyển tới.
"Càng ngày chúng tôi càng nhận được nhiều hơn, cho tới khi đã có đủ 11,5 triệu tài liệu", Gerarda Ryle nói.
ICIJ sau đó đã xây dựng công cụ tìm kiếm riêng dành cho các tài liệu bị rỏ rỉ, được bảo vệ bằng mã xác thực 2 yếu tố (Two-factor authentication - 2FA), chia sẻ một URL qua email mã hóa cho hàng loạt các hãng tin tức, bao gồm BBC, The Guardian, Fusion...
ICIJ cũng thiết lập hệ thống trò chuyện thời gian thực, cho phép các nhà báo trao đổi kinh nghiệm và tìm bản dịch cho các tài liệu được viết bằng các ngôn ngữ mà họ không biết.
"Nếu bạn muốn xem các tài liệu bằng tiếng Brazil, bạn có thể tìm một nhà báo người Brazil.
Bạn có thể nhìn thấy những người còn thức và làm việc, trao đổi với họ một cách thoải mái. Chúng tôi khuyến khích mọi người nói về việc mà họ đang làm", ông Ryle giải thích.
Sau đó, họ tổ chức các cuộc họp, gặp mặt trực tiếp giữa những hãng truyền thông ở Washington, Munich, London, Johannesburg và Lillhammer.
Nhà báo người Đức Obermayer tiết lộ, số lượng các thông tin được công bố chỉ là 1 phần nhỏ trong tổng số dữ liệu mà họ nắm trong tay.
Ông Ryle khẳng định, các hãng truyền thông vốn không có kế hoạch công bố toàn bộ dữ liệu theo kiểu WikiLeaks, bởi nó sẽ làm lộ ra những thông tin nhạy cảm của các cá nhân vô tội cùng các nhân vật nổi tiếng.
"Chúng tôi không phải là WikiLeaks. Chúng tôi chỉ cố gắng chứng tỏ rằng truyền thông làm việc có trách nhiệm".
Vài tuần trước khi liên lạc với các đối tượng trong cuộc điều tra này, bao gồm cả Mossack Fonseca, Obermayer đã quyết định phải "phòng xa": Ông phá hỏng điện thoại và ổ cứng của chiếc máy tính từng được sử dụng để trao đổi với nguồn tin.
"Điều này có vẻ như hơi thái quá. Nhưng an toàn vẫn tốt hơn là sau lại phải hối tiếc".
Obermayer thú nhận, cho tới giờ, ông vẫn không biết nguồn tin của mình thực sự là ai.
"Tôi không biết tên hay danh tính của người đó. Nhưng tôi có thể nói tôi hiểu người đó. Trong một khoảng thời gian, tôi nói chuyện với người đó còn nhiều hơn là nói chuyện với vợ tôi".