Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn truyền thông khu vực cho biết, phát biểu với báo giới sau cuộc họp ngày 3/3 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về cuộc khủng hoảng Yemen, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin bày tỏ quan ngại nguy cơ các cuộc đàm phán hòa bình liên quan đến xung đột Yemen rơi vào bế tắc.
Ông cho biết đã nhận được thông tin rằng "Chính phủ Yemen sẽ không tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn cho đến khi các bên hoàn toàn nhất trí về các điều khoản". Điều này sẽ khiến cuộc xung đột kéo dài hơn và dẫn tới những hậu quả thảm khốc hơn.
Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp kín của HĐBA LHQ hồi tháng 2, Đặc phái viên LHQ về vấn đề Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed cho biết các cuộc đàm phán hòa bình về Yemen có thể được nối lại trong tháng 3 sau vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ở Thụy Sỹ hồi tháng 1 vừa qua.
Tuy nhiên, ông Cheikh Ahmed không thông báo thời gian cụ thể của vòng đàm phán mới.
Trong khi đó, Đại sứ Yemen tại LHQ Khaled Alyemany cho biết chính phủ nước này sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.
Tuy nhiên, ông cáo buộc lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Shi'ite Houthi đã không thực hiện cam kết phóng thích các tù nhân, như một phần trong các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên cũng như chặn các đoàn xe cứu trợ và cướp hàng viện trợ.
Theo các nguồn tin ngoại giao, Đặc phái viên LHQ về Yemen Cheikh Ahmed dự kiến sẽ tới Saudi Arabia trong ngày 4/3 để thảo luận thêm với giới chức nước chủ nhà về thỏa thuận ngừng bắn và các biện pháp xây dựng lòng tin.
Yemen rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa vào tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam vào tháng 3/2015 và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansour Hadi phải lưu vong tại Saudi Arabia.
Lực lượng liên minh khu vực chống Houthi do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích từ tháng 3/2015 và các chiến dịch trên bộ từ tháng 7/2015.
Theo thống kê, kể từ khi nổ ra xung đột, hơn 6.000 người đã thiệt mạng, trong đó một nửa là dân thường, khiến 2,5 triệu người phải đi lánh nạn và khoảng 80% dân số đang cần cứu trợ khẩn cấp về lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.