Sau Siêu Thứ Ba, gần như chắc chắn tỉ phú Donald Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.
Thắng lợi này của Trump là do đảng Cộng hòa không có khả năng áp đảo ông ta một cách hiệu quả, bởi chính vấn đề đã tồn tại rất lâu trong đảng này, theo nhận định của cây viết người Mỹ Matthew Yglesias.
Ba điểm yếu rất rõ ràng đó là:
- Trump là một kẻ phân biệt chủng tộc.
- Hồ sơ hoạt động kinh doanh của Trump không ấn tượng và nhiều mánh khóe.
- Các ý tưởng chính sách của Trump rất khủng khiếp.
"Đơn giản, chẳng có lý do gì để tin rằng đó là những điều mà người Mỹ đang tìm kiếm".
Ông Yglesias chỉ ra, vấn đề là những điểm yếu này không phải là thứ mà một chính trị gia Cộng hòa có thể nói rõ ràng, hiệu quả với cử tri đảng mình trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ.
Có 3 lý do:
- Cử tri đảng Cộng hòa nghĩ rằng việc người da trắng cảm thấy xấu hổ vì bị phân biệt chủng tộc là vấn đề lớn hơn so với việc người da trắng gây ra hành vi phân biệt chủng tộc.
- Về mặt ý thức hệ, tầng lớp trung lưu trong đảng Cộng hòa cam kết bảo vệ sự giàu có mà mình được thừa hưởng và phản đối các quy định đối với doanh nghiệp theo hướng có lợi cho cộng đồng.
- Tầng lớp trung lưu trong đảng Cộng hòa, về cơ bản, đều có chung quan điểm với chính sách của Trump - cắt giảm nhiều thuế cho người giàu - và vì vậy, họ không chỉ trích nó.
Do đó, họ buộc phải sử dụng một "mớ hổ lốn" những lập luận "đạo đức giả", tận dụng những cơ hội "rẻ tiền", không thể làm được điều mà nhẽ ra cần phải làm nhất: thuyết phục cử tri không bỏ phiếu cho Trump.
"Đó là lý do vì sao chỉ có một đối thủ từ đảng Dân chủ - trên thực tế, khả năng cao sẽ là Hillary Clinton - mới có khả năng ngáng đường Trump".
Trump có những điểm yếu lớn và rất rõ ràng. Nhưng các đối thủ đảng Cộng hòa của ông ta không thể tận dụng những điểm yếu này để "quật" lại ông ta, bởi chính họ, những người mang tư tưởng bảo thủ, cũng không có khả năng chỉ trích chúng. Những đảng viên bình thường trong đảng Cộng hoà, nhìn chung, lại không có chung quan điểm với phần đông người Mỹ.
Trump vẫn đang nói và làm những điều phân biệt chủng tộc
Sự do dự của Donald Trump khi chỉ trích David Duke, một người theo thuyết "người da trắng thượng đẳng" và nhóm KKK của ông ta vào đúng thời điểm đảng Cộng hòa đang cuống cuồng vì "hội chứng nghiện Trump" cho thấy, họ không phải không có lý.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ, đa phần thành viên đảng Cộng hòa - vốn sẵn mang quan điểm bảo thủ và tư tưởng phân biệt chủng tộc với người da den - đều không cho rằng tình trạng phân biệt chủng tộc đối với người da trắng là vấn đề lớn.
Trái lại, nó là vấn đề đối với đa phần người Mỹ. Theo họ, người da trắng cũng bị phân biệt chủng tộc không kém gì người da đen và da màu.
Số liệu từ cuộc Khảo sát Các giá trị Mỹ năm 2015 của Viện Nghiên cứu Tôn giáo Mỹ PRRI cho thấy, có tới 55% người Mỹ và 77% thành viên đảng Dân chủ đồng quan điểm này.
Clinton có thể, và có khả năng sẽ dùng chính những phát ngôn và hành động của Trump cùng đảng của ông ta để "quật lại" đối thủ.
Trump sinh ra đã giàu
Trump rất giàu, nhưng không hoàn toàn đúng khi nói ông ta là một doanh nhân thành công. Ông ta thừa kế rất nhiều tiền từ cha mình, cộng với khoản lợi nhuận từ hoạt động đầu tư kinh doanh.
Có những lý do cho thấy Clinton sẽ không ngần ngại nêu lên vấn đề này, trong khi đảng Cộng hoà, về mặt thể chế, không thể làm được điều đó.
Xét cho cùng, đảng Cộng hòa nghiêng về quan điểm rằng những người thừa kế gia tài triệu đô đang là giai cấp bị áp bức. Họ nhẽ ra nên phải được thừa hưởng nó mà không phải đóng thuế, giới siêu giàu nhìn chung cũng nên chỉ phải trả mức thuế thấp thu nhập thấp hơn.
Trong bối cảnh đó, người cha giàu có của Trump chỉ có thể trở thành đối tượng bị đảng Cộng hòa mỉa mai, chứ không thể bị lôi vào những phê phán đối với tư tưởng của ông ta.
Tương tự như vậy, Rubio có thể gọi Đại học Trump là trò lừa bịp, công ty thế chấp của Trump là trò lừa bịp và nhìn chung, thì Trump là một kẻ nhiều mánh khóe bất lương.
Nhưng ông ta không thể để những thông tin đó xuất hiện hiệu quả trong một chiến dịch chặt chẽ, nhất quán. Bởi bản thân ông ta, về mặt tư tưởng, cũng là người phản đối các quy tắc hữu ích trong kinh doanh.
Trong tay đảng Dân chủ, tất cả những điều này sẽ trở thành "bản cáo trạng đối với một hệ thống lừa đảo" mà ở đó, những người có tiền ngày càng có nhiều quyền lực, về cả chính trị và kinh tế.
Chính sách "nực cười"
Người ta nói rằng trọng tâm cuộc bầu cử sơ bộ năm nay của đảng Cộng hòa không phải là chính sách - điều đó đúng, một phần bởi các đối thủ của Trump đã chọn cách không thách thức ông ta về vấn đề này.
Ngược lại, trong giai đoạn vận động bầu cử, các ứng viên chắc chắn sẽ tranh luận về các chính sách - một trong số đó là chính sách thuế.
Trump đang vận động cắt giảm 11 tỉ USD thuế lũy thoái, đồng nghĩa với việc mang lại lợi nhuận "khủng" cho một nhóm nhỏ siêu giàu. Trong khi đó, điều các cử tri mong muốn là tái phân phối tài sản của người giàu thông qua mức thuế cao.
Rõ ràng là không có đối thủ nào của Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ sẽ sử dụng điều này để "tấn công" ông ta, bởi họ đều đề xuất cắt giảm mức thuế cao đối với người giàu.
Hillary Clinton không gặp vấn đề như vậy. Nữ ứng cử viên này đang đề xuất buộc người giàu phải đóng thuế nhiều hơn.
Một vấn đề khác cũng được Trump nêu ra là chính sách với người nhập cư. Trump muốn trục xuất người nhập cư trái phép khỏi Mỹ - quan điểm chỉ có 1/3 người Mỹ ủng hộ, song lại là quan điểm phổ biến trong cử tri đảng Cộng hoà.
Trong khi đó, theo ông Yglesias, hầu hết cử tri phổ thông đều đồng tình với Hillary Clinton rằng, mở đường cho họ được cấp thẻ xanh, thậm chí là quốc tịch Mỹ sẽ tốt hơn.
Không có gì đảm bảo Trump sẽ thua trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ông ta khôn ngoan và thông thuộc truyền thông. Clinton cũng có những điểm yếu. Và như bất cứ cuộc bầu cử nào, bất ngờ đều có thể xảy ra.
Dù thế, đừng ai nhầm lẫn rằng chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa phát lộ "thiên tài" chính trị chưa từng có tiền lệ, cũng đừng nhầm lẫn rằng sự thất bại của các đối thủ đảng Cộng hòa cho thấy Trump không phải ôm đau thương.