NATO tiếp tục “khiêu khích” Nga

Đức Dũng |

Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xem xét các phương án tăng cường sự hiện diện quân sự ở các khu vực gần biên giới nước Nga khi định cử khoảng gần 4.000 quân đến khu vực này.

Thông tin trên được tờ The Wall Street Journal trích dẫn từ các nguồn tin ngoại giao và quân sự cao cấp trong NATO. Theo đó, NATO đang xây dựng 2 kế hoạch để triển khai quân áp sát biên giới nước Nga.

Theo kế hoạch thứ nhất, NATO dự định đưa 4 tiểu đoàn với quân số mỗi một tiểu đoàn là từ 800-1.000 người đến Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva. Phương án thứ hai là bố trí thêm một tiểu đoàn ở khu vực này.

Sáng kiến này hiện vẫn đang gây tranh cãi trong NATO. Mỹ là đối tác khởi xướng ý tưởng này nhưng Đức, quốc gia gần đây đã có nhiều động thái ủng hộ Nga, lại phải đối ý tưởng của Mỹ.

Đức tuyên bố không muốn coi Nga là đối thủ thường trực và không muốn “lập hàng rào” cô lập Nga. Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, Đức có thể vẫn đồng ý với việc bố trí một số lượng quân không nhiều ở Ba Lan và các nước Baltic.

Hiện kế hoạch tăng cường lực lượng ở Đông Âu của Mỹ mới đang ở giai đoạn thảo luận ban đầu. Hiện không ít thành viên NATO tin tưởng rằng cần phải áp dụng biện pháp nào đó đối với Nga.

Tuy nhiên, họ cũng nhận thức được rằng việc tăng cường số lượng quân ở Ba Lan và các nước Baltic trước thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2016 là ít có khả năng được thực hiện.

Giải thích cho kế hoạch do mình đề xướng, nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Chúng tôi không có ý định khiêu khích bất kỳ ai. Nhưng chúng tôi muốn chứng minh sự đoàn kết giữa các thành viên trong khối và sẽ bảo vệ họ trong trường hợp cần thiết”.

Theo NATO, việc tăng cường quân ở các nước trên không trái với tinh thần thỏa thuận đã ký với Nga vào năm 1994 vì số lượng binh lính không vượt quá quân số của một lữ đoàn và số quân này sẽ được thường xuyên điều chuyển.

Ngoài Mỹ, kế hoạch này còn nhận được sự ủng hộ của Ba Lan, Anh, Latvia, Litva và Estonia.

Trước đó, ngày 25/10, Mỹ đã cử một thê đội gồm các loại vũ khí hạng nặng đến Estonia như các loại xe tăng, đại bác và xe bọc thép. Số vũ khí hạng nặng này sẽ được biên chế cho lực lượng của Mỹ trong quá trình thực hiện điều chuyển quân của NATO trong một vài ngày tới.

Mỹ cũng đã gửi 10 máy bay cường kích A-10 đến căn cứ quân sự Amari ở Estonia. Chính quyền các nước khu vực này cho rằng cần phải tăng cường các nỗ lực để có thể đối phó với “các hành động hung hăng và khó dự báo” của Nga.

Bộ Quốc phòng Estonia trước đó cũng thông báo rằng Quân đội nước này sẽ được cung cấp 40 thiết bị kỹ thuật hạng nặng của Mỹ, trong đó có 4 xe tăng M1A2 Abrams, 10 xe tác chiến bộ binh Bradley và 3 tổ hợp pháo tự hành Paladin.

Trong tuần tới, nước này sẽ nhận được 2 xe tăng đào hầm và các kỹ thuật yểm trợ.

Bình luận về những nỗ lực tăng cường sự hiện diện quân đội NATO ở Ba Lan và các nước Baltic, Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov cho rằng NATO đang cố ngụy tạo ra một ảo tưởng về mối đe dọa xuất phát từ Nga.

Bất cứ hành động nào đưa quân gần đến biên giới nước Nga đều bị coi là hành vi khiêu khích và Nga sẽ có những hành động đáp trả một cách tương xứng.

NATO dự định đưa 4 tiểu đoàn với quân số mỗi một tiểu đoàn là từ 800-1.000 người đến Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva.
NATO dự định đưa 4 tiểu đoàn với quân số mỗi một tiểu đoàn là từ 800-1.000 người đến Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva.

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây NATO đã liên tục có các động thái được giới phân tích nhìn nhận là mang tính “khiêu khích” Nga.

Giữa tháng 10/2015, đại diện NATO đã đưa ra tuyên bố về một cuộc tập trận mở ở biển Địa Trung Hải, cuộc tập trận được coi là lớn nhất trong 10 năm trở lại đây.

Theo thông tin của Tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Âu, tướng Philip Breeedlove, cuộc tập trận này mang tên “Trident Juncture”.

Lễ khai mạc cuộc tập trận này đã được tổ chức ở căn cứ quân sự tại miền Nam Italia. Mục đích chính của cuộc tập trận này là “đẩy lùi các cuộc tấn công  của kẻ xâm lược giả định”.

Theo ông Philip Breedlove, đây là cuộc tập trận quy mô lớn khi có đến 36.000 binh lính, 230 đơn vị, 140 phương tiện kỹ thuật không quân và hơn 60 tàu chiến tham gia.

Tập trận lần này gồm có 2 giai đoạn. Giai đoạn chỉ huy-tham mưu đã diễn ra từ ngày 3 đến ngày 16/10/2015 và giai đoạn tập tác chiến trên thực địa diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 6/11.

Giới phân tích Nga cho rằng, việc công bố kế hoạch tăng cường quân gần biên giới với Nga vào thời điểm cuộc tập trận lớn nhất kể trên vẫn chưa kết thúc có thể coi là động thái “khiêu khích” của NATO đối với Nga.

Nhiều khả năng Nga sẽ có những hành động cụ thể để đáp lại sự “khiêu khích” này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại