Mỹ-Nhật tái khởi động "phương án chống Trung Quốc xâm lược 2012"

Hải Võ |

Quân đội Mỹ và Nhật Bản đã tái khởi động một phương án tác chiến chung, được phác thảo từ năm 2012 nhưng chưa hoàn thành, nhằm chống lại "sự xâm lược của Trung Quốc"

Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Quốc) ngày 25/1 dẫn nguồn truyền thông Nhật Bản cho hay, nhiều quan chức Bộ quốc phòng Nhật tiết lộ Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cùng quân đội Mỹ từng nghiên cứu phương án tác chiến chung trong trường hợp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư xảy ra xung đột.

Phương án này được thiết lập từ năm 2012, khi Thủ tướng Yoshihiko Noda đứng đầu Nội các Nhật Bản.

Theo các quan chức trên, phương án trên đến nay đã trở thành dự thảo kế hoạch tác chiến chung giữa Mỹ và Nhật Bản mà song phương xây dựng dựa trên Phương châm hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật mới được ký kết tháng 4/2015.

Tờ Asahi Shimbun của Nhật hôm 24/1 đưa tin, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí tại cuộc hội đàm vào tháng 9/2012, rằng giả thiết "Senkaku/Điếu Ngư xảy ra vấn đề" là đối tượng phù hợp để áp dụng "Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ-Nhật".

Kế hoạch tác chiến chung ban đầu được lập ra trên cơ sở Phương châm hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật 1997. Các quan chức cấp cao quân đội hai nước đã ký tên, sau đó báo cáo lên Bộ trưởng quốc phòng, Ngoại trưởng và Thủ tướng Nhật.

Bên cạnh phương án tác chiến, tình báo liên quan đến hoạt động liên kết chiến đấu giữa quân đội Mỹ-Nhật cũng được xếp vào loại thông tin "cơ mật tối cao", chưa từng được chính phủ Nhật Bản công khai.


Một cuộc huấn luyện trên biển chung giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: Huanqiu

Một cuộc huấn luyện trên biển chung giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: Huanqiu

Phương án giả định "Trung Quốc chiếm đảo Senkaku/Điếu Ngư"

Theo Asahi, Mỹ-Nhật đặt giả thiết xuất hiện "lực lượng vũ trang giả dạng thành ngư dân" đổ bộ và chiếm lĩnh đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hội đồng tham mưu quân đội Nhật Bản và Bộ tư lệnh quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản trong khi lên kế hoạch đã không trực tiếp sử dụng các danh xưng "Trung Quốc" hay "Senkaku", thay vào đó là các ký hiệu thông dụng giữa 2 bên.

Asahi cho hay, phương án tác chiến giả định gồm 4 giai đoạn.

Thứ nhất, (Mỹ-Nhật) điều tàu chiến và máy bay bao vây, tăng cường phòng thủ, ngăn chặn "lực lượng vũ trang bên ngoài" đổ bộ lên đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Thứ hai, sau khi bộ phận nhỏ "lực lượng vũ trang ngoài" đổ bộ, Mỹ-nhật sẽ ngăn chặn quân tiếp viện của địch tiếp cận và cắt đứt tuyến tiếp tế.

Thứ ba, sử dụng pháo và máy bay không kích... để tấn công kẻ địch trên đảo.

Thứ tư, liên quân Mỹ-Nhật đổ bộ chiếm lại đảo.

Theo Phương châm hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật, tiền đề của phương án là lấy quân đội Nhật Bản làm lực lượng hành động chính, quân đội Mỹ đóng vai trò hỗ trợ.

Asahi nhận xét, bối cảnh phương án tác chiến chung ra đời năm 2012 là khi Tokyo quan ngại trước sự bành trướng của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông.

Sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa đảo Senkaku/Điếu Ngư, quan hệ Trung-Nhật đã thêm phần căng thẳng.

Tuy nhiên, do chính phủ của Thủ tướng Noda đồng loạt từ chức vào tháng 12/2012, kế hoạch tác chiến Mỹ-Nhật vẫn chưa được định hình, mà chỉ xác định "phương án nghiên cứu có lợi cho kế hoạch tác chiến chung".

Tháng 11/2015, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani đã tổ chức hội đàm, bắt đầu xây dựng kế hoạch tác chiến chung trên nền tảng sẵn có từ 2012.

Ngoài ra, song phương bổ sung các nội dung mới liên quan tới các vấn đề có khả năng trở thành gánh nặng đối với quân đội Nhật Bản, sau khi Quốc hội nước này thông qua Luật an ninh mới, mở đường cho quân đội tham chiến ở nước ngoài.

Asahi dẫn lời quan chức Bộ quốc phòng Nhật nói, mục đích của kế hoạch tác chiến chung là nhằm "đối phó Trung Quốc tiến hành xâm lược quy mô lớn", với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là "đấu trường chính".

Tờ báo Nhật Bản nhận định, cùng với hành động ngày càng mạnh tay của Bắc Kinh ở cả biển Hoa Đông và biển Đông, thái độ cũng như chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc cũng trở nên cứng rắn.

Một kế hoạch tác chiến chung Mỹ-Nhật, kết hợp cùng chính sách của Washington, có mục tiêu rõ ràng là tăng cường sức mạnh chế ngự, kiểm soát đối với Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại