Tránh được "vỏ dưa" IS, "vỏ dừa" nào đang chờ đón Anbar?

Đức Huy |

Gần một tháng sau khi được giải phóng khỏi tay Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Anbar (Iraq) đang đứng trước giai đoạn chuyển giao quyền lực với nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Sau khi thành phố cứ điểm trọng yếu Ramadi được giải phóng vào ngày 28/12 năm ngoái, lực lượng an ninh Iraq cùng binh sĩ nhóm Dân quân PMU (Popular Mobilization Units) đã tiến tới truy quét mạng lưới IS còn sót lại ở các thành phố thuộc tỉnh Anbar, governorate lớn nhất Iraq.

Nay, tin vui là Anbar gần như đã sạch bóng khủng bố, nhưng cùng với đó, một nỗi lo khác lại dấy lên, rằng một cuộc nội chiến chính trị và sắc tộc sẽ bùng phát do hệ quả của những xung đột gay gắt giữa nhiều phe phái trực thuộc tỉnh này.

Điều này cũng đã được nhiều tổ chức chính trị cảnh báo từ trước, rằng giải phóng được các thành phố khỏi tay IS đã đành, nhưng cái quan trọng là phải thiết lập một kế hoạch hiệu quả cho thời kì hậu chiến.

Hiện nay tại Anbar, rất nhiều vấn đề nhức nhối vẫn tồn tại, mà giải pháp cho chúng lại đòi hòi những thỏa hiệp chính trị giữa các phe phái, điều không dễ có thể đạt được.

Số phận những tay súng tình nguyện đến từ các bộ lạc, các biện pháp tái thiết cơ sở hạ tầng, và mở đường chào đón người tị nạn trở về quê hương, tất cả sẽ không thể được giải quyết khi xung đột nội bộ vẫn tồn tại.


Thành phố Ramadi giờ chỉ còn là một đống đổ nát. Ảnh: Reuters

Thành phố Ramadi giờ chỉ còn là một đống đổ nát. Ảnh: Reuters

Tranh cãi chính trị

Ví dụ điển hình của nội tình rối ren hiện nay tại Anbar có thể thấy qua những tranh cãi chính trị gần đây. Trả lời phỏng vấn al-Monitor, Mezher al-Mulla, một quan chức chính quyền tỉnh Anbar, cho biết:

"Một vài phe cánh đang tranh thủ 'đục nước béo cò' với việc đòi hỏi giải tán hội đồng cấp tỉnh Anbar, cũng như hủy bỏ bầu cử lập nên hội đồng mới, để qua đó dùng vũ lực giành lấy các vị trí họ muốn mà không thể giành được trong các cuộc bầu cử trước đây".

Cùng lúc đó, các đại biểu quốc hội Iraq đại diện cho tỉnh Anbar cũng khẳng định hội đồng cấp tỉnh không đủ khả năng điều phối các công tác tái thiết và mở đường cho sự trở lại của người di cư, đồng thời tiếp tục gây sức ép lên Thủ tướng Haider al-Abadi hòng giải tán hội đồng.

Tuy nhiên, ông Mulla nhấn mạnh, chính phủ ông Abadi "không đủ thẩm quyền pháp lý để giải tán hội đồng cấp tỉnh Anbar".

"Việc thiếu đi cả sự điều phối của hội đồng cấp tỉnh lẫn một ngân sách tài khóa khiến mọi giải pháp trở nên phi thực tế. Anbar thời hậu IS đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn mà chúng ta phải ưu tiên giải quyết" - ông Mulla phát biểu.

Theo thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương, Anbar hiện nay chỉ có 20% là còn "lành lặn". Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới việc người di cư hồi hương. Đó là chưa kể sự hiện diện của nhiều nhóm vũ trang cực đoan có thể gây hại cho người di cư hồi hương vì khác biệt giáo phái.

Theo ông Mulla, chính quyền Anbar đã hoàn tất kế hoạch tái thiết toàn bộ cơ sở hạ tầng tỉnh, và hiện đang chờ chính phủ và các nhà tại trợ hỗ trợ về mặt tài chính.

Một bộ mặt mới cho Anbar

Trước tình hình hiện nay, nghị sĩ Hamid al-Mutlaq, đại biểu quốc hội đại diện Anbar, kêu gọi tổ chức bầu cử sớm tại Anbar để tạo dựng "một chính quyền mới, ngăn cản các cá nhân tham nhũng lên nắm quyền".

Trả lời phỏng vấn al-Monitor qua điện thoại, ông Mutlaq cho biết: "Rất nhiều phe phái, nhất là chính quyền địa phương trước đây, phải chịu trách nhiệm trong việc Anbar thất thủ về tay IS năm ngoái".


Anbar rơi vào tay IS hồi tháng 5/2015, trước khi được giải phóng 7 tháng sau đó. Ảnh: al-Arabiya

Anbar rơi vào tay IS hồi tháng 5/2015, trước khi được giải phóng 7 tháng sau đó. Ảnh: al-Arabiya

Từ năm 2003, Anbar đã có nhiều chia rẽ phe phái, bên thì ủng hộ và hợp tác cùng chính phủ, bên lại giữ thái độ thù địch với các chính sách của Thủ tướng Abadi.

Thêm vào đó, các phe phái còn cáo buộc lẫn nhau hậu thuẫn các phần tử cực đoan, hay thậm chí tham gia chiến đấu cùng IS và al-Qaeda để chống lại quân chính phủ Iraq. Một ví dụ điển hình là vụ thảm sát 500 thành viên bộ tộc Albu Nimr hồi tháng 11/2014.

Trả lời phỏng vấn al-Monitor, hội trưởng hội đồng các bộ lạc tại Anbar, Sheikh Rafi al-Fahdawi, cho biết: "Đa số các bộ lạc đều nhất trí cho phép tiêu diệt các bộ lạc thuộc về IS; nhưng mọi hình thức trả thù với lý do khác đều phải bị lên án.

Tỉnh Anbar hiện nay chưa cần các biện pháp hòa giải, nhưng chúng tôi cũng lo ngại nguy cơ xung đột chính trị khi các phe phái ăn thua với nhau để giành vinh quang cũng như một phần miếng bánh của Anbar".

Đảm bảo an ninh

Theo ông Fahdawi, vấn đề lớn nhất thời hậu chiến là việc làm thế nào để đảm bảo an ninh cho Anbar, một tỉnh có diện tích lớn và vị trí "nhạy cảm" dọc biên giới phía tây Iraq.

"Lực lượng Dân quân các Bộ lạc (TMF) cần được giữ nguyên, dù trên danh nghĩa là một phần của lực lượng PMU hay chuyển riêng họ thành một lực lượng bảo vệ Anbar" - ông đề xuất.

Ông Fahdawi cũng lo ngại những gì đã xảy ra với phong trào Sahwa sẽ tái diễn, khi các binh sĩ thiện chiến của phong trào này... thất nghiệp vì phải nhường chỗ cho các lực lượng do phương Tây huấn luyện.

"Chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác của quốc tế trong việc đảm bảo an ninh cho Anbar, nhưng mọi hợp tác trên chỉ nên là nhất thời, vì về lâu về dài, không ai có thể bảo vệ Anbar tốt hơn chính những người dân địa phương tại đây" - ông nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại