Điều gì khiến giá dầu cuối tuần qua bật tăng dữ dội?

Sau khi phá đáy 13 năm vào hôm 20/1, chỉ còn dưới 27 USD/thùng, trong hai phiên cuối tuần, giá dầu đã tăng như lò xo bung. Nguyên nhân đằng sau là gì?

Đóng cửa phiên thứ Sáu (22/1), giá dầu nhọt nhẹ Mỹ (dầu WTI) giao tháng 3 tăng 9%, là mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ 27/8/2015, đạt 32,19 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 8/1/2016. Cùng thời gian, giá dầu Brent Biển Bắc (dầu Brent) giao tháng 3 tăng 10%, đạt 32,18 USD/thùng.

Trước đó, đóng cửa hôm 20/1, cũng là ngày giao dịch cuối cùng của dầu WTI giao tháng 2, giá dầu WTI giao tháng 2 giảm 1,91 USD/thùng, tương đương 6,71%, xuống 26,55 USD/thùng, tăng nhẹ so với mức đáy trong ngày là 26,19 USD/thùng, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003.

Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 91 xu, còn 27,87 USD/thùng, cũng tăng nhẹ so với mức đáy trong ngày là 27,1 USD/thùng.

Như vậy, với 2 phiên tăng liên tiếp vào ngày 21 và 22/1, tổng cộng trong tuần, giá dầu WTI tăng 5,9% và dầu Brent tăng 9%. Đây là điều khá bất ngờ bởi trong phiên ngày 20/1, thế giới đã chứng kiến việc giá dầu rớt thảm. Đâu là nguyên nhân?

Theo hãng tin Reuters (Anh), giá dầu bật tăng trở lại trước hết là do bờ Đông của nước Mỹ và khu vực châu Âu đại lục bị băng tuyết tấn công, khiến nhu cầu dầu để sưởi ấm tăng lên.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư đã tận dụng cơ hội giá dầu giảm xuống mức đáy của gần 13 năm bung tiền mua dầu nhằm trả nợ cho phần đã vay trước đó để bán khống.

Một nguyên nhân khác là việc Công ty Baker Hughes công bố số liệu cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 22/1, số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 5 giàn, chỉ còn 510 giàn, không bằng 1/3 tổng số giàn khoan dầu của Mỹ hoạt động trong thời kỳ đỉnh cao (tháng 10/2014 với 1.609 giàn), là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2010.

Trước đó vào hôm 21/1, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng trong năm 2016 này ECB có thể tung ra gói nới lỏng định lượng (QE) mới để kích thích kinh tế.

Theo ông Mario Draghi, tăng trưởng kinh tế đang bị đe dọa bởi rủi ro địa chính trị và những nhân tố không xác định toàn cầu, rủi ro tăng trưởng đi xuống tiếp tục tăng, vì thế, lập trường chính sách của ECB cần phải xem xét lại trong cuộc họp vào tháng 3 tới.

Ông Mario Draghi còn tiết lộ lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện nay hoặc thấp hơn trong thời gian tương đối dài, thậm chí có thể dài hơn so với dự tính trước đây, nhưng ECB có năng lực, quyết tâm và ý nguyện hành động cũng như có đủ công cụ để sử dụng.

Có nhà phân tích cho rằng giá dầu giảm gia tăng áp lực khiến lạm phát của châu Âu không thể tăng được như mục tiêu đề ra, buộc ECB phải tăng cường thực hiện biện pháp nới lỏng định lượng hơn nữa trong năm 2016 và điều này đã truyền cảm hứng cho thị trường dầu mỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại