Theo nhà báo Cockburn, nguyên trưởng đại diện văn phòng tạp chí Financial Times tại Trung Đông, vấn đề khiến cuộc chiến tại Syria kéo dài dai dẳng như hiện nay là do có quá nhiều các thế lực "quá mạnh để chịu thua thiệt, nhưng không đủ mạnh để thắng hoàn toàn".
Bên cạnh hai phe trực tiếp liên quan tới nội chiến là chính phủ Bashar al-Assad và các lực lượng nổi dậy, có rất nhiều các thế lực khác đang tham chiến và cương quyết không từ bỏ những lợi ích quốc gia của riêng mình Syria.
Trong khi Iran và Hezbollah quyết giữ ghế cho chính phủ Assad, thì Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đầu tư quá nhiều vào Syria và khó lòng công khai thừa nhận rằng họ sẽ không thể đạt được mục đích lật đổ vị Tổng thống đương nhiệm này.
Vòng đàm phán Geneva III dự kiến khai mạc hôm nay (25/1), nhưng theo ông Cockburn, nhiều khả năng tiến trình lập lại hòa bình cho Syria sẽ không có tiến triển nào đáng kể. Tuy vậy, ông cho rằng, những bên thắng cuộc và thua cuộc tại quốc gia Trung Đông này sẽ dần lộ diện.
Trong đó, chuyên gia này chỉ ra rằng, bên thua "to" nhất sẽ chính là Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nhà báo Cockburn, năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng có những điều kiện cực tốt để mở rộng tầm ảnh hưởng tại Trung Đông.
Hình ảnh một quốc gia với nền kinh tế phát triển, một thể chế chính trị vừa dân chủ vừa giữ được tính Hồi giáo, khiến Ankara trở thành nơi nương tựa hàng đầu cho rất nhiều phe phái Arab bất bình muốn lật đổ chính phủ độc tài tại nước mình.
Nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại phá hỏng hình ảnh ấy, với việc khẳng định ông ủng hộ việc người Arab theo dòng Sunni chiếm hoàn toàn quyền kiểm soát Trung Đông, đồng thời kêu gọi bài Shia, bài người Kurd, và bài người theo chủ nghĩa vô thần.
Ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành "kẻ thù" trong mắt các phe phái thiểu số nói trên. Chưa dừng lại ở đó, ông Erdogan còn ủng hộ lực lượng Anh em Hồi giáo, sau đó hậu thuẫn Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) buôn lậu dầu, và làm ngơ trước al-Nusra và các lực lượng cực đoan khác.
"Đây là một tính toán sai lầm nghiêm trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Với giấc mộng tái thiết một nhà nước Ottoman thời hiện đại và nâng tầm quyền lực của Ankara tại Trung Đông, tất cả những gì ông Erdogan đem về cho Thổ Nhĩ Kỳ là điều ngược lại" - ông Cockburn viết.
Ông Erdogan đã phá hỏng hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ với những tính toán sai lầm của mình - nhà báo Cockburn nhận xét. Ảnh: al-Arabiya
Hiện nay, Tổng thống Erdogan chỉ còn hai lựa chọn: hoặc chấp nhận mất đi hoàn toàn ảnh hưởng tại phía bắc Syria, hoặc "chơi cú chót" và đem quân tới xâm lược Syria.
Với tính khí của ông Erdogan, lựa chọn thứ nhất khó có thể xảy ra.
Còn với lựa chọn thứ hai, thì theo ông Cockburn, một số nhà phân tích địa chính trị Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng ông Erdogan đã muốn xâm lược Syria từ năm ngoái, nhưng đã bị các tướng lĩnh cấp cao của nước này ngăn cản.
Nhưng với tình hình hiện nay, một chiến dịch quân sự tổng lực tại Syria cũng không còn là một lựa chọn tối ưu cho Ankara, vì Assad đã có sự hậu thuẫn của quân đội Nga. Đó là chưa kể sự phản đối từ Mỹ và NATO, tổ chức mà chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên.
Nói tóm lại, tuy vẫn còn nhiều yếu tố có thể thay đổi tình hình Syria hiện nay, nhưng một điều gần như chắc chắn là chừng nào ông Erdogan còn trung thành với mộng "xưng bá Ottoman" của mình, chừng đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn là phe "thua to" nhất tại Trung Đông.