Điều đáng nói: đấy là dịp hối lộ mùa trung thu ở Trung Quốc.
Ai sẽ mua bánh trung thu “giá trên trời”?
Tân Hoa Xã cho biết kể từ khi đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) quyết chống 4 tác phong không tốt (hình thức, quan liêu, hưởng thụ, hoang phí) bằng cách ban hành 8 quy định đạo đức-kỷ luật đối với cán bộ đảng viên, thì thị trường bánh trung thu “giá trên trời” từng một thời huy hoàng đã cơ bản bị dẹp bỏ.
Tuy nhiên, công tác chống 4 tác phong ấy sau nhiều năm thực hiện đã có phần lơi lỏng, bánh trung thu cao cấp với bao bì và giá cả “toát lên vẻ sang trọng” lại được chào bán tại một số siêu thị hoặc khách sạn 5 sao, vào dịp mùa trung thu ở Trung Quốc.
Tại siêu thị Ole thuộc trung tâm thương mại The Mixc (Thẩm Quyến) có hẳn một gian chuyên bán bánh trung thu nhập từ Hồng Kông và Đài Loan. Một hộp “The Peninsula Hong Kong” 10 bánh có giá 980 nhân dân tệ (NDT), bao bì cũng rất “lộng lẫy”.
Theo tiết lộ của nhân viên bán hàng, “The Peninsula Hong Kong” là phiên bản hạn chế, chỉ bán 1.000 hộp, tính đến nay đã bán được 300 hộp, “hầu hết người mua đều lấy danh nghĩa công ty mua để tặng khách hàng”.
Ngoài ra, một hộp bánh trung thu không chỉ có bánh, mà còn có cả rượu hoặc một số thực phẩm nhập khẩu đi cùng. Như vậy, hộp bánh 1.000 NDT đã có thể “đội giá” lên tới 10.000 hoặc thậm chí 100.000 NDT.
Phóng viên Tân Hoa xã còn phát hiện tại TP.Trịnh Châu (tỉnh Hồ Nam), bánh trung thu cao cấp còn được chào bán tại các khách sạn sang trọng dưới hình thức “quà tặng”, với giá từ 239 NDT đến 2.999 NDT/hộp.
Trong số các loại bánh trung thu cao cấp bán tại khách sạn phải kể đến “Ngự phẩm thưởng trăng”. Ngoài bánh trung thu, một hộp loại này còn có 1 chai dầu ô liu cao cấp của Ý, 2 gói trà, 1 bộ uống trà cao cấp và 1 bộ dao nĩa.
Nhân viên bán hàng còn cho biết bao bì của “Ngự phẩm thưởng trăng” được làm từ... da cá sấu. Năm nay “Ngự phẩm thưởng trăng” chỉ bán 100 hộp và toàn bộ đã được đặt trước từ sớm.
Vậy, ai sẽ mua những hộp bánh trung thu đắt đỏ này?
Theo nhà bình luận kỳ cựu Tào Lâm, đặc trưng của bánh trung thu là “tự thưởng thức”, không thể dùng để khoe mẽ nên những người giàu có sẽ không mua, còn người chủ gia đình luôn có thói quen tiêu xài tiết kiệm nên càng không mua.
Mua bánh trung thu cao cấp chỉ có thể là cấp dưới mua biếu cấp trên, người có tiền mua tặng người có quyền có chức.
Ông Phàn Minh, giáo sư ĐH Kinh tế tài chính Hà Nam cho biết thêm, có cầu mới có cung.
Từ trước đến nay, ở một số địa phương vẫn quen kiểu cách muốn mọi việc được trôi chảy thì phải mời ăn cơm, tặng quà biếu, càng đắt càng tốt. Vì vậy thị trường bánh trung thu cao cấp vẫn còn tồn tại để phục vụ nhu cầu này.
Đối tượng mua bánh trung thu cao cấp còn là những kẻ xem lệnh cấm tặng và nhận quà biếu mà Trung ương ban hành chỉ là “cơn gió thoáng qua”.
Phóng viên Tân Hoa xã cho biết tại một ngân hàng nhà nước ở TP.Quảng Châu, các nhân viên và lãnh đạo đang “tất bật” tặng bánh trung thu cho nhau và cho cấp trên để “thắt chặt tình anh em”.
Một nhân viên của ngân hàng này nói “đây chỉ là thể hiện chút tâm ý với nhau, đâu có tính là vi phạm kỷ luật”.
“Điều đáng nói ở đây là, sau khi mua bánh trung thu, người mua còn có thể yêu cầu nơi bán xuất hóa đơn dưới danh nghĩa “ăn ở, đi lại trong chuyến công tác”, “mua đồ công vụ”,… để lấy lại tiền từ công quỹ”, giáo sư Phàn Minh cho biết thêm
Phiếu bán bánh trung thu điện tử
Thị trường bán bánh trung thu trên mạng cũng đang rất sôi động. Truy cập vào trang web của một công ty bán bánh trung thu có tiếng, có thể tìm thấy “phiếu bán bánh trung thu điện tử” với đủ mức giá, cao nhất có thể lên tới vài ngàn NDT.
Hiện nay, bánh trung thu cao cấp không phải chỉ được bày bán tại các khách sạn hay trung tâm thương mại hạng sang, mà còn được thông qua thương mại điện tử để mua bán dưới hình thức “phiếu bán bánh trung thu điện tử”.
Hình thức này không chỉ tiện lợi cho khách hàng phổ thông, nó còn đánh trúng tâm lý của những người “muốn tặng, muốn nhận nhưng không muốn cho người khác biết”.
Người mua sau khi lên mạng mua phiếu và chuyển khoản đầy đủ, thì mã số phiếu và mật mã sẽ được gửi tới người nhận thông quan tin nhắn điện thoại, email hay các phương tiện liên lạc khác.
Sau đó, người nhận chỉ cần đăng nhập bằng mã số phiếu và mật mã được gửi, dùng “phiếu bán bánh trung thu” để thanh toán.
Toàn bộ quá trình mua bán đều thực hiện thông qua internet và mạng di động, các bên mua bán đều không gặp mặt nhau, thậm chí không tiếp xúc với “vật chứng” (bánh trung thu), thao tác đơn giản, khả năng che giấu cao.
Tặng quà dịp lễ là cách người ta bày tỏ tình cảm với nhau, xưa nay đã vậy rồi, là chuyện rất đỗi bình thường. Tết trung thu, người tặng phiếu bánh trung thu vịn vào lý do đó để che mắt công chúng.
Thị trường bán “phiếu bánh trung thu điện tử” phổ biến như vậy đã cho thấy công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều sơ hở.
Dù các cơ quan quản lý đã đề ra “các biện pháp quản lý các loại thẻ trả trước trực tuyến chuyên dụng” và “ý kiến về quy định tiêu chuẩn quản lý thẻ trả trước trực tuyến”, thậm chí còn đưa ra yêu cầu buộc người dùng sử dụng tên thật khi đăng ký thẻ, nhưng các loại thẻ quà tặng điện tử như “phiếu bán bánh trung thu” có nằm trong “thẻ trả trước trực tuyến” hay không và làm sao để quản lý thẻ quà tặng điện tử thì vẫn chưa được các cơ quan chức năng quy định cụ thể.
Trên thực tế, các loại thẻ quà tặng đều không có lưu tên người mua, đều tồn tại dưới dạng thẻ ảo trên mạng, các thông tin về số lượng mua bán, bình phẩm của khách hàng, người mua thẻ là loại người nào... đều bị các công ty bán thẻ che giấu, không thể tra tìm ra được.
Ngoài ra, khách hàng sau khi mua “phiếu bán bánh trung thu” có thể yêu cầu các công ty xuất hóa đơn theo yêu cầu của mình, có thể mang danh nghĩa “mua đồ công vụ” hay “mua đồ bảo hộ lao động” để dễ dàng “lách luật”.
Tăng cường quản lý, hoàn thiện các quy định cấm tặng nhận quà
Với việc thị trường bánh trung thu “giá trên trời” vẫn còn tồn tại, cộng thêm sự xuất hiện của “phiếu bán bánh trung thu”, các cơ quan chống tham nhũng TQ đã phải đưa ra các biện pháp phòng chống mới.
Tháng 9.2014, Hoàng Thụ Hiền, Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng TQ, kiêm Phó Bí thư CCDI đã tiết lộ sẽ đưa các dịch vụ tặng quà trên mạng vào danh sách các đối tượng điều tra tham nhũng.
Trên thực tế, việc truy ra người mua và nhận các thẻ quà tặng này không phải là không làm được.
Một chuyên gia mạng đã chỉ ra có thể truy theo địa chỉ IP, lịch sử duyệt web và lịch sử thanh toán thẻ ATM để tra ra thông tin của người mua và người nhận, thậm chí lịch sử giao dịch trên mạng có bị xóa đi thì vẫn có thể dùng các biện pháp kỹ thuật phục hồi lại.
Vì vậy, các cơ quan điều tra tham nhũng có thể hợp tác với các công ty tài chính và những công ty vận chuyển để tìm ra các giao dịch khả nghi.
Bước vào mùa trung thu - “mùa hối lộ” cao điểm, các cơ quan chống tham nhũng đang cố gắng đưa ra các biện pháp mạnh tay hơn như bắt buộc khách hàng dùng tên thật để đăng ký mua các thẻ quà tặng, nếu mua trên 1.000 NDT phải thực hiện giao dịch qua ngân hàng, không được dùng hiện kim, hơn nữa trong thực hiện giao dịch qua ngân hàng phải khai rõ ràng số tiền giao dịch, tên người chuyển, người nhận...
Các cơ quan chống tham nhũng cũng siết chặt quản lý việc xuất hóa đơn, yêu cầu các công ty trong hóa đơn phải ghi càng chi tiết càng tốt.
Đối với hóa đơn mua thẻ quà tặng, phải khai rõ nhãn hiệu của món quà tương ứng với thẻ, loại quà gì, kích thước quà. Nếu phát hiện các trường hợp xuất hóa đơn giả sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.