LTS: Những cuộc xung đột, khủng bố liên miên ở Trung Đông và Bắc Phi đã buộc hàng trăm nghìn người đánh cược mạng sống của mình để trốn tới châu Âu, phủ bóng đen khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai lên khắp châu Âu.
Đại tá Lê Thế Mẫu, chuyên gia nghiên cứu từ trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế đã đưa ra những nhận định về nguồn gốc của cuộc khủng hoảng này.
Theo quan điểm của ông, Mỹ đã lợi dụng "Mùa Xuân A-Rập", thực hiện một chiến lược dài hơi nhằm kích động bất ổn, bảo toàn quyền lực và vị thế thống trị thế giới của mình.
Dưới đây là toàn văn những phân tích của Đại tá Lê Thế Mẫu. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Khởi nguồn “cuộc thập tự chinh thời hiện đại”
Vào cao điểm các biến động chính trị-xã hội mang tên “Mùa Xuân A-rập” ở Libya, sáng 17/3/2011, với 10 phiếu thuận, 5 phiếu trắng (gồm Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Đức), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 1973 về “thiết lập vùng cấm bay ở Libya”.
Nghị quyết buộc Tổng thống Libya khi đó là Muammar Gaddafi phải ngừng bắn ngay lập tức, nhằm “ngăn chặn Chính quyền Libya sử dụng máy bay tấn công người dân”.
Nhận định về Nghị quyết này, trong cuộc trả lời các công nhân khi tới một nhà máy công nghiệp, V.Putin (vào thời điểm điểm đó giữ cương vị Thủ tướng Nga) đã đưa ra nhận định rằng, đây là biểu hiện về một cuộc ”thập tự chinh thời hiện đại”.
Dự báo của ông Putin quả không sai.
Ngay sau khi Nghị quyết 1973 vừa được thông qua, tối ngày 18/3/2011, mượn cớ thực hiện Nghị quyết này về “thiết lập vùng cấm bay ở Libya”, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ chỉ huy đã mở cuộc tấn công ồ ạt vào các mục tiêu trên toàn lãnh thổ Libya với kết cục là tiêu diệt ông Muammar Gaddafi và chính thể của Libya.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là nhà lãnh đạo Libya dám cả gan tuyên bố rằng ”Đề án Trung Đông Lớn” của Mỹ là một kiểu chiến tranh xâm lược châu Phi.
Một điều trớ trêu là, khi khói lửa cuộc chiến tranh xâm lược Libya chưa kịp tàn, một số chính khách phương Tây tuyên bố ”kịch bản Libya” sẽ lặp lại ở Syria, “Mùa Xuân A-rập” sẽ lan sang Iran, tới các nước trong không gian hậu Xô-Viết và gõ cửa nước Nga, Trung Quốc (!?).
Tuyên bố này dựa trên cơ sở mục tiêu của chiến lược toàn cầu mang tên ”Đề án Trung Đông Lớn” được Tổng thống Mỹ G.Bush công khai tuyên bố vào tháng 5/2003, sau khi kết thúc chiến tranh xâm lược Iraq với kết cục tiêu diệt nhà lãnh đạo quốc gia này là Saddam Hussein, nhằm tạo ra một ”vòng cung bất ổn có kiểm soát” kéo dài từ châu Phi, qua Trung Đông, tới Trung Á và Nam Á.
Để thực hiện đề án đầy tham vọng này, Mỹ sử dụng một lực lượng nòng cốt mà họ gọi là ”lực lượng Hồi giáo ôn hòa”.
Chính vì thế, sau khi cơn bão mang tên “Mùa Xuân A-rập” quét phăng chính thể của nhiều nước Bắc Phi - Trung Đông, các lực lượng ”Hồi giáo ôn hòa” lên nắm quyền lãnh đạo ở những quốc gia này.
Nhưng thế nào là ”Hồi giáo ôn hòa” hay ”Hồi giáo cực đoan” thì không ai giải thích rõ.
Chính vì xuất phát từ sự ”nhập nhằng lẫn lộn trắng đen” này mà các tổ chức khủng bố với mọi biến thể, dưới mọi hình thức và mức độ nguy hiểm đã nổi lên đồng loạt ở nhiều nước, trước hết là ở các nước vừa trải quan “Mùa Xuân A-rập”, trong đó đặc biệt nguy hiểm là tổ chức khủng bố mang tên ”Nhà nước Hồi giáo” (IS).
Đáng chú ý là, tiền thân của IS là tổ chức khủng bố mang tên ”Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL), từng tham gia trong hàng ngũ các lực lượng đối lập ở Syria để tiến hành cuộc chiến tranh khủng bố tàn bạo nhất từ năm 2011 tới năm 2014 lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, đã từng được các nước trong và ngoài khu vực ”vinh danh” là ”những chiến sỹ đấu tranh vì tự do” (!?).
Libya đã trở thành ”thiên đường” của các tổ chức khủng bố khét tiếng tàn bạo như al-Qaeda, hay IS.
Lời cảnh báo của Muammar Gaddafi
Ngay sau khi NATO tiến hành chiến tranh xâm lược Libya, trong tình thế hiểm nguy “ngàn cân treo sợi tóc”, ông Muammar Gaddafi, đã ra tuyên bố, trong đó nhấn mạnh:
“Hỡi những kẻ đến từ NATO! Các người đang ném bom tàn phá một bức tường ngăn chặn dòng người di cư từ châu Phi tới châu Âu, một bức tường ngăn chặn các chiến binh khủng bố al-Qaeda. Bức tường đó là Libya.
Các người đang phá hủy bức tường này. Với hành động mở đường đó cho hàng ngàn người di cư và do sự ủng hộ dành cho tổ chức khủng bố al-Qaeda, các người sẽ bị thiêu cháy trong địa ngục. Tương lai đó sẽ chờ đợi các người.
Tôi chưa bao giờ nói dối và lúc này tôi cũng đang nói lên sự thật”.
Năm 2015, lời cảnh báo của Muammar Gaddafi đã trở thành hiện thực.
Trong làn sóng di cư ồ ạt từ Bắc Phi - Trung Đông sang châu Âu hiện nay chiếm đa số là người Libya. Họ buộc phải ngậm đắng nuốt cay rời bỏ đất nước.
Để tạo ra thảm họa thực sự, các tổ chức khủng bố, đứng đầu là IS, ra sức tiếp tục tiến hành các vụ khủng bố tàn bạo nhất, tạo ra tình trạng hoảng loạn và kích động hàng triệu người dân Bắc Phi - Trung Đông phải rời bỏ quê hương.
Đặc biệt nghiêm trọng là, chúng đưa hàng ngàn chiến binh khủng bố trà trộn vào làn sóng di cư ồ ạt này để tới châu Âu nhằm ”xuất khẩu Mùa Xuân A-rập” sang châu lục này.
Người Libya bị bắt khi tìm đường sang châu Âu
Làn sóng di cư ồ ạt nhằm mục đích gì?
Làn sóng di cư ồ ạt và bất hợp pháp từ các nước Bắc Phi - Trung Đông sang châu Âu nằm trong kịch bản chiến lược “gây bất ổn có kiểm soát” nhằm nhiều mục đích địa - chính trị.
Một là, gây bất ổn trong nội bộ các nước châu Âu, nhằm phá hoại chủ trương của các nước trên châu lục này cùng với Nga xây dựng không gian kinh tế và nhân đạo thống nhất từ Brussel tới Vladivostock.
Hai là, làm suy yếu các nước châu Âu, buộc họ phải chấp nhận các quy tắc của Hiệp định đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương TTIP do Mỹ áp đặt luật chơi.
Ba là, các tổ chức khủng bố lãnh thổ các nước châu Âu như những “căn cứ địa” để tiền hành các hoạt động khủng bố chống lại Nga - kẻ thù số 1 của Mỹ.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, đã từng nói về một “sáng kiến chiến lược” là tuyển dụng các chiến binh thuộc lực lượng Hồi giáo cực đoan, trong đó có không ít các phần tử IS, trà trộn vào dòng người di cư từ Bắc Phi - Trung Đông.
Theo đó, chúng sẽ thành lập nên các đội quân đánh thuê để tiến hành cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố” nhằm tiêu diệt người dân Ukraine nói tiếng Nga ở Donetsk và Lugansk.
Theo ông Richard N. Haass, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quan hệ quốc tế những năm 2001-2003, Trưởng Ban hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, để cứu vãn sự suy giảm sức mạnh của Mỹ và trật tự thế giới đơn cực đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, nếu Washington không tìm ra lựa chọn sáng suốt hơn, mà chọn cách thức tạo ra sự “bất ổn có kiểm soát”, thì tình hình rối ren trên thế giới lúc này có thể sẽ dẫn tới một thảm họa trong tương lai.
Do đó, giải pháp cơ bản, lâu dài mang tính nhân đạo nhất của các nước châu Âu, nhằm hóa giải vấn nạn người nhập cư không phải là phân bổ “quo-ta người di cư” cho các nước ở châu lục này mà là chấm dứt ngay các cuộc chiến tranh xâm lược, can thiệp quân sự vào các quốc gia có chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Trước hết là chấm dứt ngay “cuộc chiến tranh qua tay người khác” ở Syria kéo dài đã hơn 4 năm nay mà thực chất là cuộc chiến tranh khủng bố tàn bạo nhất, đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới.
Đồng thời, thành lập Liên minh quốc tế chống IS dưới ngọn cờ của Liên Hợp Quốc, khẩn cấp giúp các nước vừa trải qua cái gọi là “Mùa Xuân A-rập” khôi phục hệ thống chính trị, hạ tầng cơ sở và phát triển kinh tế để không một người dân nào buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở để tới “miền đất hứa” trong cảnh li tán vợ chồng con cái một người một phương mà không biết tương lai sẽ ra sao.