Tổng thống Ukraine bất lực dẹp loạn trong nước

Minh Thu |

Tổng thống Petro Poroshenko đang tỏ ra bất lực trong việc tìm hướng giải quyết cuộc chiến tại miền đông Ukraine với phe ly khai cũng như những bất đồng trên chính trường hiện nay dẫn tới nạn bạo động trên đường phố.

Hồi tuần trước, thủ đô Kiev của Ukraine đã phải chứng kiến cảnh tượng bạo loạn tồi tệ nhất kể từ sau làn sóng biểu tình ở quảng trường Maidan nhằm lật độ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych hồi năm 2013.

Cụ thể, hôm 31/8, phe đối lập đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko phản bội khi Quốc hội Ukraine thông qua dự luật cấp "quyền tự trị lớn hơn" cho vùng chiến sự Donbass hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai miền đông.

Những người biểu tình đã ném gạch đá và cả lựu đạn vào lực lượng an ninh bảo vệ bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Hậu quả, cuộc bạo loạn đã khiến 3 nhân viên an ninh Ukraine thiệt mạng và hơn 130 người bị thương.

Giới quan sát đặt ra câu hỏi vậy kế hoạch phân thêm quyền tự trị cho khu vực miền đông Ukraine của Tổng thống Poroshenko nhận được bao nhiêu phần trăm ủng hộ từ phe ly khai và liệu sự phản đối này có đủ lớn để lật đổ chính quyền Kiev đương nhiệm?

Trong bài viết đăng trên tờ The Moscow Times, nhà báo Maksim Vikhrov, người từng làm việc tại vùng Donbass nhấn mạnh lập luận trọng tâm trong chiến lược phân quyền của Tổng thống Poroshenko là việc Kiev tôn trọng những điều khoản quy định thuộc thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 để tránh đẩy Ukraine rơi vào một cuộc chiến tổng lực với Nga.

Đây cũng chính là lý do mà nhà lãnh đạo Ukraine ủng hộ chính sách trao thêm quyền tự trị và quyền tự do ngôn ngữ cho hai khu vực miền đông là Donetsk và Luhansk.

Kế hoạch của Tổng thống Poroshenko đã nhận được sự ủng hộ từ phía các đồng minh phương Tây, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk và đa phần nghị sĩ trong Quốc hội nước này.

Điều chắc chắn là ông Poroshenko có đủ thẩm quyền để thông qua dự luật vốn được Quốc hội Ukraine trình lên nhằm trao thêm quyền tự trị cho khu vực miền đông.

Trước đó, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn dự luật ân xá cho những binh sĩ chiến đấu trong giai đoạn mùa xuân năm 2014 cũng như dự luật trao quyền tự trị cho vùng chiến sự Donbass mà Tổng thống Poroshenko đề xuất.

Trong khi đó, phe đối lập tại Ukraine cáo buộc chính quyền Kiev đang gây áp lực và vi phạm các thủ tục trong quá trình bỏ phiếu nhằm đạt được mục đích chính trị.

Nói cách khác, theo phe đối lập, chính phủ của ông Poroshenko đang "giẫm vào vết xe đổ" như thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovych.

Thực tế, chính trường Ukraine giờ còn xuất hiện một liên minh "phản đối thỏa thuận ngừng bắn Minsk" với sự góp mặt của đảng Samopomich (Tự lực), Batkivshchina (Tổ quốc) và đảng cực hữu của ông Oleg Lyashko.

Cựu Thủ tướng Ukraine kiêm người đứng đầu đảng Batkivshchina,  Yulia Tymoshenko cho rằng: "thỏa thuận Minsk chỉ là một chiến thuật mà điện Kremlin sử dụng để kéo dài thêm thời gian".

Đồng thuận với ý kiến trên, ông Oleg Lyashko miêu tả Minsk chỉ như một "quả bom hẹn giờ".

Ngay cả một số chính quyền cấp khu vực như ở tỉnh Ivano-Frankivsk, làn sóng phản đối thỏa thuận Minsk cũng ngày càng phổ biến.

Rõ ràng, chính quyền Kiev đương nhiệm đang mất dần sự ủng hộ từ dân chúng còn các đảng cực hữu lại giành thêm được sự ủng hộ trong các cuộc bầu cử địa phương sắp tới.

Mặc dù các cuộc bầu cử địa phương sẽ không thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong Quốc hội Ukraine nhưng nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Tổng thống.

Bởi người tiền nhiệm của Tổng thống Poroshenko cũng từng phải chịu tổn thất từ sự phản đối của chính quyền các địa phương.

Song hiện nay, các cuộc biểu tình đường phố mới là mối đe dọa nguy hiểm lớn nhất đối với an ninh Ukraine.

Gần đây, các thành viên nhóm cựu hữu Right Sector đã nhiều lần đốt lốp ô tô trên đường phố Kiev, và yêu cầu chính quyền Kiev từ bỏ thỏa thuận ngừng bắn Minsk để nối lại hoạt động quân sự ở vùng Donbass.

Đỉnh điểm của làn sóng phản đối chính là cuộc bạo loạn bên ngoài tòa nhà Quốc hội Ukraine hôm 31/8.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov, một tay súng ở chiến trường miền đông chính là thủ phạm ném quả lựu đạn vào lực lượng an ninh hôm 31/8.

Mặc dù kẻ ném lựu đạn và nhiều người biểu tình đã nhanh chóng bị bắt giữ nhưng không ai có thể dám chắc rằng, sự việc tương tự sẽ không tái diễn nhất là khi chính trường Ukraine đang bị chia rẽ sâu sắc.

Cách đây một năm, khoảng 30% người dân Ukraine ủng hộ chính quyền Kiev triển khai quân đội để giải phóng những khu vực bị chiếm đóng.

Tuy nhiên, số thanh niên sẵn sàng lên đường nhập ngũ lại rất ít. Trong 6 lần tổng động viên, vùng Ternopil mới chỉ tuyển được 41% quân số.

Tỷ lệ này ở Lvov và Ivano-Frankivsk lần lượt là 47% và 44%. Tính trên cả nước, Ukraine mới chỉ chiêu mộ được 60% binh sĩ. Để bù đắp số quân nhân thiếu hụt, Bộ Tổng Tham mưu Ukraine đang có ý định tuyển thêm lính đánh thuê.

Hiện nay, phần lớn người dân Ukraine (57%) vẫn hy vọng tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở nước này.

Song 36% người dân Ukraine tin rằng Kiev đã nỗ lực quá ít trong tiến trình đàm phán để giải quyết xung đột ở Donbass.

Thậm chí, 33% cho rằng chính phủ Ukraine đã không có bất cứ động thái gì để tìm hướng tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Điều này được thể hiện rõ qua kết quả khảo sát dư luận khi mà tỷ lệ phản đối với Tổng thống Poroshenko là 67% và 84% cho Thủ tướng Yatsenyuk cùng Quốc hội Ukraine.

Gần một nửa dân số Ukraine cho rằng tiếng Nga có thể trở thành ngôn ngữ chính thức nếu như Moscow giúp chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Còn 33% người dân Ukraine đã chấp nhận thực tế bán đảo Crimea thuộc về Nga. Tỷ lệ tương tự đồng thuận với ý kiến Ukraine không sáp nhập vào châu Âu và vẫn có thể tồn tại mà không cần gia nhập NATO.

Ngoài ra, 19% người dân Ukraine đã công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng. Trong khi, 26% ủng hộ quyền tự trị ngay bên trong lãnh thổ Ukraine.

Kết quả của cuộc điều tra dư luận cho thấy thời gian không còn ủng hộ chính phủ Ukraine đương nhiệm.

Nói cách khác, khi mà khu vực Donbass vẫn còn trong tình trạng "chưa giành được hòa bình hay vẫn đang trong chiến tranh", tỷ lệ phản đối từ dư luận và cả giới chính trị gia với chính quyền Kiev vẫn sẽ gia tăng nhanh chóng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại