Một mũi tên trúng hai đích

Nguyễn Tuyến |

Cuộc cải tổ nội các Nhật Bản lần này được đánh giá là một đợt tái bổ nhiệm vì sự lưu nhiệm của một loạt nhân vật then chốt, qua đó khẳng định uy tín của nội các cũ.

Ngay sau hai chiến thắng quan trọng trên chính trường: tái đắc cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền và Quốc hội thông qua dự luật an ninh mới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành cải tổ nội các.

Mục tiêu của động thái này là nhằm xốc lại bộ máy để xúc tiến ngay các chương trình hành động mà ông đã hoạch định trong kế hoạch “Abenomics” giai đoạn hai gồm chấn hưng kinh tế và cải thiện hệ thống an sinh xã hội.

Cuộc cải tổ nội các lần này được đánh giá là một đợt tái bổ nhiệm vì sự lưu nhiệm của một loạt nhân vật then chốt, qua đó khẳng định uy tín cũng như hiệu quả hoạt động của nội các cũ thời gian qua.

Đối với LDP, 5 thành viên cấp cao trong ban chấp hành tiếp tục giữ nguyên cương vị, trong đó Tổng Thư ký Sadakazu Tanigaki đảm trách nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với thủ tướng để điều hành LDP, đặc biệt là chiến dịch của đảng chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện năm 2016; Phó Chủ tịch Masahiko Komura tập trung vào một trong những vấn đề gai góc nhất là nâng cao sự hiểu biết của người dân về luật an ninh mới; Chủ tịch Hội nghiên cứu chính sách Tomomi Inada phối hợp với các bộ, các nghị sĩ để soạn thảo các chính sách tài chính và kinh tế.

Theo tuyên bố trước khi cải tổ, nhiệm vụ hàng đầu của nội các mới là khôi phục kinh tế và cải cách hệ thống an sinh xã hội.

Đối với kinh tế, thách thức đầu tiên là khôi phục sức mạnh tài chính của Nhật Bản, vốn đang bị đánh giá là yếu nhất trong số các nước phát triển và tìm ra biện pháp đột phá để đưa nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn giảm phát kéo dài.

Đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với nội các mới vì cho đến nay chiến lược tăng trưởng của Abenomics giai đoạn một vẫn bị đánh giá là chưa thu được thành quả lớn và những số liệu kinh tế mới nhất trong quý III/2015 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, với việc tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc, chính phủ của Thủ tướng Abe đang kỳ vọng rằng thành công này, vốn được xem là một công cụ chủ lực của Abenomics, sẽ nhanh chóng giúp kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đối với vấn đề an sinh xã hội, việc giải quyết tình trạng dân số giảm và tỷ lệ sinh thấp, tăng số nhà dưỡng lão là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng Shinzo Abe đã thành lập thêm một cơ quan phụ trách vấn đề này.

Tuy nhiên, cũng có dư luận quan ngại rằng việc hình thành bộ mới phụ trách cải cách an sinh xã hội sẽ khiến cho nhiệm vụ giữa bộ mới chồng chéo với Bộ Phúc lợi xã hội và Bộ Kinh tế.

Ngoài ra, việc tăng hệ thống nhà dưỡng lão và phúc lợi xã hội đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn. Đây chính là trở ngại mà nội các mới phải đối mặt.

Lĩnh vực mà ông Abe hy vọng có thể gặt hái thành công là đối ngoại.

Với sự ủng hộ của Mỹ sau khi Nhật Bản thông qua luật an ninh, cuộc gặp ba bên Mỹ - Nhật - Hàn trong tháng 10 này là cơ hội để Nhật Bản và Hàn Quốc “hâm nóng” mối quan hệ.

Đối với vấn đề chủ quyền các vùng lãnh thổ phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Kuril), Tokyo hy vọng sẽ khai thông được bế tắc với Moskva trong bối cảnh Nga đang cần nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản để phát triển kinh tế vùng Viễn Đông.

Về mặt chính trị, việc Thủ tướng Abe tái đắc cử Chủ tịch LDP mà không có ứng cử viên nào cạnh tranh đã chứng tỏ vị trí vững vàng của ông trong nội bộ đảng.

Sau khi LDP giành chiến thắng liên tiếp trong các kỳ bầu cử, ông Abe đã xây dựng được kết cấu chính trị “một đảng mạnh chiếm ưu thế và nhiều đảng nhỏ” làm nền tảng vững chắc cho LDP trong việc điều hành đất nước.

Chính vì vậy, việc giành chiến thắng trong kỳ bầu cử Thượng viện sắp tới là một nhiệm vụ quan trọng của ban lãnh đạo LDP.

Mục tiêu của Thủ tướng Abe là giành được 2/3 số ghế trong Thượng viện vào mùa hè năm 2016 để có thể tiến hành những sửa đổi Hiến pháp theo dự định.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các đảng đối lập đang rơi vào khủng hoảng, không tìm được ứng cử viên đủ mạnh để cạnh tranh với Thủ tướng Abe, nội bộ không đoàn kết, uy tín sụt giảm…, nhiều khả năng với kinh nghiệm của bộ máy lãnh đạo hiện nay, LDP sẽ tiếp tục chiếm thế thượng phong trên chính trường Nhật Bản.

Một mũi tên trúng hai đích.

Với thành phần nội các mới và LDP sau cải tổ, rõ ràng, Thủ tướng Abe đã thực hiện được hai mục tiêu: dành những vị trí xứng đáng cho các thành viên LDP đã hỗ trợ ông tái cử Chủ tịch đảng, đồng thời giữ lại những thành viên nòng cốt của êkíp làm việc cũ nhằm đảm bảo sự vận hành thuận lợi của nội các mới ngay từ những ngày đầu tiên.

Đó chính là tiền đề quan trọng cho cả nội các mới lẫn LDP trong nỗ lực đạt được những mục tiêu của mình trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại