Liên tục gây chấn động thế giới, khủng bố IS đang toan tính gì?

Phan Sương |

Chỉ chưa đầy một tháng, những kẻ tự xưng là đại diện cho người Hồi giáo đã liên tiếp tiến hành 4 vụ khủng bố gây chấn động toàn cầu. Chúng đang toan tính điều gì?

Gần một tháng qua, 4 vụ khủng bố có tính chất nghiêm trọng ảnh hưởng đến toàn thế giới đã xảy ra. Tất cả những vụ khủng bố này đều được những kẻ danh xưng đại diện cho Hồi giáo dưới cái tên Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành.

Chấn động toàn cầu

Mở đầu là vụ nổ máy bay Nga ở Ai Cập khiến toàn bộ 224 người trên máy bay tử vong hôm 31/10. Sau nhiều ngày điều tra, phía Nga xác nhận có kẻ đã đưa một quả bom tự chế nặng 1,5kg lên thân máy bay và cho nổ tan xác.

Hai ngày sau khi Nga công bố kết quả điều tra, lực lượng IS đã công nhận vụ nổ là do chúng gây ra.


Mảnh vỡ máy bay A320 của Nga rơi ở Ai Cập.

Mảnh vỡ máy bay A320 của Nga rơi ở Ai Cập.

IS công bố hình ảnh quả bom làm nổ tung máy bay, nhưng nói rằng, máy bay Nga không phải là mục tiêu ban đầu.

Thay vào đó, IS muốn hạ gục một máy bay của phương Tây. Lý do thay đổi là vì muốn trả thù các cuộc không kích của Nga tại Syria.

"Sau khi phát hiện cách thức thỏa hiệp với an ninh tại sân bay quốc tế Sharm-el-Sheikh và quyêt tâm bắn hạ một máy bay của một quốc gia trong liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu chống IS, mục tiêu đã được chuyển sang một máy bay Nga" - thông điệp của IS cho biết.

Sau đó chưa đầy 2 tuần, vào ngày 12/11, một vụ đánh bom tự sát tại Beirut, thủ đô của Lebanon (Li-băng) đã xảy ra khiến hơn 40 người thiệt mạng.

Đây không phải là vụ đánh bom liều chết đầu tiên ở vùng đất đầy biến động Trung Đông, tuy nhiên, nó lại nằm trong một chuỗi các vụ khủng bố liên tục xảy ra trên khắp toàn cầu, khiến cho sự kiện trở nên nghiêm trọng đặc biệt.

Một ngày sau, vào 13/11, Paris bị tấn công. Vụ đánh bom liên hoàn nhiều điểm ở thủ đô nước Pháp được ví với sự kiện 11/9 xảy ra năm 2001 ở Mỹ.

Vụ khủng bố trở thành tâm điểm của cả thế giới những ngày qua. Vụ đánh bom khiến 129 người chết và hàng trăm người bị thương.

Nước Pháp đã phải đóng cửa biên giới, đóng cửa trường học trong ngày 14/11 và kêu gọi cả thế giới chung tay tiêu diệt khủng bố. Ngay sau đó, IS nhận trách nhiệm về vụ khủng bố này.

Khi thế giới chưa kịp hết bàng hoàng vì những gì đã xảy ra, ngày 20/11 tại Mali, một đất nước thuộc vùng Tây Phi, bọn khủng bố xưng danh IS đã tấn công khách sạn Radisson Blu ở thủ phủ Bamako, bắt cóc 170 người.

Tính đến ngày 21/11, đã có hơn 20 con tin bị giết chết.

IS đang trả thù?


Nước Pháp tăng cường an ninh tối đa kể từ sau vụ khủng bố ở Paris hôm 13/11.

Nước Pháp tăng cường an ninh tối đa kể từ sau vụ khủng bố ở Paris hôm 13/11.

Có thể khẳng định, những gì IS làm trong gần một tháng qua có mục tiêu đầu tiên chính là để trả thù.

Tấn công máy bay của Nga – trả thù cuộc không kích nhắm vào đầu não của IS ở Syria, tấn công vào Paris – trả thù quyết tâm tiêu diệt IS của Mỹ và phương Tây.

Các chuyên gia nhận định vụ tấn công Paris là nhằm trả thù cho việc Mỹ không kích nhắm mục tiêu vào Mohammed Emwazi – tay đao phủ tàn ác nhất IS có biệt hiệu “John thánh chiến”.

Chính những tuyên bố trên mạng xã hội của lực lượng IS đã công nhận điều này. Trong một tuyên bố chính thức bằng tiếng Pháp, IS nói rằng Pháp là “mục tiêu hàng đầu” của nhóm này.

IS nói nhóm này đã nghiên cứu cẩn thận những địa điểm cho các vụ tấn công, vốn do các tay súng đeo đai tự sát và mang súng máy thực hiện.

IS nói rằng “các binh sĩ của IS” đã tấn công vào “thủ đô của sự xuyên tạc và ghê tởm”.

Với vụ việc máy bay Nga nổ tung, IS đã thực hiện một video clip tuyên bố lý do thực hiện vụ khủng bố. Video đăng tải có hình ảnh 5 phiến quân IS đang ngồi ngoài trời.

Một tên ca ngợi những phiến quân trên bán đảo Sinai, Ai Cập, vì đã bắn hạ phi cơ Airbus A321 của Nga.


Quả bom tự chế đã làm nổ tung máy bay của Nga được IS công khai trên mạng xã hội.

Quả bom tự chế đã làm nổ tung máy bay của Nga được IS công khai trên mạng xã hội.

Tên phiến quân, giống người Slav, nói bằng tiếng Nga và Arab, nhắc đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và cảnh báo ông sẽ phải hối tiếc vì tấn công IS ở Syria.

Hắn cầm dao và dọa tiếp tục bắn hạ máy bay, xâm lược các quốc gia và sát hại người dân để trả thù Nga.

Phô trương thanh thế?

Giới chuyên gia cho rằng với việc hàng loạt tay súng cực đoan nước ngoài tới Syria sau đó trở về quê hương cùng với một lượng lớn những tên khủng bố thuộc tổ chức IS tự xưng IS đang sinh sôi và phát triển ngay trên lãnh thổ các quốc gia châu Âu, IS hoàn toàn dễ dàng nhận được sự hỗ trợ nếu muốn tổ chức các vụ tấn công như ở Paris vào đêm 13/11.


IS đang tiến hành các cuộc khủng bố khắp thế giới nhằm phô trương thanh thế.

IS đang tiến hành các cuộc khủng bố khắp thế giới nhằm phô trương thanh thế.

“Nước Pháp đang tràn ngập những đối tượng nằm trong diện kiểm soát của chính phủ. Pháp đã điều tra được lý lịch của hơn 5.000 phần tử hồi giáo cực đoan sinh sống trên lãnh thổ nước này.

Ngoài ra, hơn một ngàn công dân Pháp cũng đang di chuyển tới Syria và Iraq.

Trong số những người này, giới chức Pháp cho hay đã có 250 người quay trở về nước”, chuyên gia phân tích khủng bố của hãng tin CNN, ông Paul Cruickshank nói.

Cũng theo ông Cruickshank, một vụ tấn công khủng bố đã được ngăn chặn kịp thời ở Bỉ hồi tháng Một khi lực lượng an ninh phát hiện một kho giấu vũ khí quy mô lớn cùng các bộ đồng phục của cảnh sát.

Số tang vật này cho thấy những kẻ khủng bố đã lên kế hoạch tấn công vào một trong những khu vực nhạy cảm chính trị ở Bỉ.

“IS đang đẩy mạnh hoạt động khủng bố trên toàn cầu.

Những sự kiện trong các tuần gần đây đã chứng minh điều đó như vụ tấn công ở Ankara khiến hơn 100 người thiệt mạng, vụ tấn công vào Beirut cướp đi sinh mạng của 40 – 50 người và thậm chí IS còn được xem là thủ phạm đặt bom khiến chiếc Airbus A321 của hãng hàng không Metrojet của Nga rơi ở bán đảo Sinai, Ai Cập.

Tất cả chứng minh, IS đang hướng tới chiến dịch khủng bố toàn cầu”, ông Cruickshank nhấn mạnh.

IS nổi tiếng với cách tuyển dụng những phần tử cực đoan trên toàn thế giới.

Với công nghệ thông tin ngày càng hiện đại như hiện nay, chỉ thông qua một số website, một số tài khoản mạng xã hội, việc chiêu mộ trở nên dễ dàng.

Kể cả các kế hoạch tấn công khủng bố cũng được chúng truyền đạt xuyên biên giới, với những phần tử cực đoan sẵn sàng giúp chúng thực hiện mà không hề cần gặp gỡ và “truyền giáo” như cách thức cũ.

Hàng loạt vụ khủng bố ở khắp nơi trên thế giới trong một thời gian ngắn, vượt qua các rào cản an ninh nghiêm ngặt của các nước phương Tây là một cách để IS nói với toàn cầu rằng: Chúng sẽ luôn tồn tại và đe dọa đến cuộc sống của tất cả mọi  người.

Che giấu sự sợ hãi?

Việc IS tỏ ra mình vẫn rất hùng mạnh bất chấp các cuộc không kích của các cường quốc trên thế giới nhắm vào “lãnh địa” của chúng ở Syria như đang muốn che giấu một sự sợ hãi nhất định.

Kể từ sau khi Nga tham gia vào cuộc không kích tấn công IS ở Syria, hỗ trợ quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phản công dành lại các vùng đất đã bị IS chiếm đóng, lực lượng IS đã suy yếu rất nhiều.

Nguồn lực tài chính dồi dào từ dầu mỏ đang bị thu hẹp, thiệt hại về nhân lực, liên tiếp các thủ lĩnh đầu não thiệt mạng đã khiến IS rơi vào hỗn loạn.

Trong một thời gian ngắn, IS liên tiếp tiến hành các vụ khủng bố có tính chấn động toàn cầu nhằm trấn an cho chiến binh của chúng trên khắp thế giới rằng, bất chấp sự tấn công của các cuộc không kích, IS không hề dễ dàng bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, chỉ riêng với các cuộc không kích của Nga, IS sẽ không thể nào bình thản được.

Theo báo cáo từ Bộ Quốc phòng Nga, với hơn 100 lần xuất kích, Không quân Nga đã tiêu diệt 190 mục tiêu khủng bố bao gồm: 58 trung tâm chỉ huy, 41 kho đạn dược, 17 đồn lũy kiên cố và 74 điểm tập trung của các chiến binh. 

600 tên khủng bố thuộc "Nhà nước Hồi giáo" IS ở Syria đã bị các đòn tấn công bằng tên lửa hành trình của các tàu chiến thuộc Hạm đội Caspian tiêu diệt.

Thế giới đang ngày càng tỏ ra phẫn nộ với lực lượng khủng bố mượn danh đại diện cho người Hồi giáo.

Ngay cả những người theo đạo Hồi cũng trở nên tức giận trước các cuộc tấn công man rợ của IS và cùng nhau đứng về phía các quốc gia bị hại.

Nước Pháp thề sẽ trả thù IS, nước Nga cũng không đứng ngoài cuộc. Các quốc gia đang trở nên đoàn kết trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Tại châu Á, nơi các nhóm cực đoan Hồi giáo vẫn chỉ mới bắt đầu manh nha thành lập, lãnh đạo các quốc gia cũng đã bắt tay nhau cùng ngăn chặn sự bành trướng của IS.

Mới đây nhất, trong Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á, tất cả các nhà lãnh đạo khu vực đã đồng nhất đưa mục tiêu tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố thành một trong những nội dung tâm điểm của chương trình nghị sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại