Ngoại trưởng Đức mới đây đã nêu ra hai điều kiện để Nga có thể quay trở lại nhóm G8 gồm hợp tác Nga-phương Tây trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và Nga cần nỗ lực giải quyết xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, với tình thế hiện có, Nga chưa chắc đã muốn quay trở lại G8.
Mới đây, trong buổi trả lời phỏng vấn của tờ Bild của Đức, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã nêu ra hai điều kiện Nga cần phải thực hiện nếu như nước này muốn quay trở lại làm thành viên nhóm G8.
Điều kiện thứ nhất là Nga cần phải tiếp tục hợp tác với phương Tây trong quá trình giải quyết cuộc xung đột hiện nay ở Syria và điều kiện thứ hai là Nga cần phải thúc đẩy các điều kiện để giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine.
Theo Ngoại trưởng Đức, cô lập Nga trong thời gian dài không phải là điều phương Tây mong muốn và không đem lại lợi ích cho phương Tây.
“Nếu như trong vấn đề giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine chúng tôi có thể vượt qua được tất cả các trở ngại, và nếu như trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria Nga tiếp tục hợp tác với chúng tôi nhằm tìm ra giải pháp giải quyết thì phương Tây sẽ không và không thể tiếp tục loại Nga ra khỏi các cuộc đàm phán quốc tế giữa các cường quốc hàng đầu của phương Tây” - ông Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh.
Ông Frank-Walter Steinmeier cũng cho rằng Nga không muốn “tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng” ở Syria nên hiện Nga cũng đang cố gắng đi tìm giải pháp thích hợp nhất để giải quyết tình hình Syria.
Do đó, Nga cần tiếp tục tiến hành các hình thức “Đàm phán Vienna” (đàm phán giữa Nga và Mỹ về giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria).
Trong năm 2014, khi Nga đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G8, các nước trong khối đã quyết định tẩy chay hội nghị thượng đỉnh của nhóm này dự định được tổ chức ở Sochi, Nga để phản đối quyết định sáp nhập Crimea của Nga.
Sau đó, lãnh đạo các nước này đã quyết định họp hội nghị thượng đỉnh G7 ở Brussels mà không có sự tham gia của ông Putin, biến G8 quay trở lại thành G7 như trước khi kết nạp Nga vào năm 1998.
Lãnh đạo các nước G7 khi đó tuyên bố rằng không muốn “ngồi chung mâm” với Nga cho đến khi lãnh đạo Nga thay đổi chính sách của mình đối với Crimea (trao trả Crimea cho Ukraine).
Giới lãnh đạo Nga khi đó cũng rất cứng rắn khi cho biết Crimea là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Nga.
G8 hay G7 cũng chỉ là mang tính hình thức vì những quyết định quan trọng chỉ có thể được thảo luận một cách hiệu quả trong khuôn khổ G20.
Lãnh đạo G7 muốn Nga quay lại nhóm?
Đáng chú ý, vị thế của Nga trên trường quốc tế đã có sự thay đổi nhanh chóng sau các cuộc tấn công khủng bố vừa qua ở Pháp và Mali.
Từ chỗ bị cô lập tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2014 và ông Putin phải bỏ về nước trước khi hội nghị kết thúc, vị thế của Nga tại G20 năm 2015 đã thay đổi hoàn toàn.
Lãnh đạo Nga được săn đón, ông Putin đã gặp gỡ song phương với lãnh đạo hầu hết các cường quốc thế giới.
Đáng chú ý là trong các cuộc gặp này, vấn đề Crimea- chủ đề khiến lãnh đạo Nga bị cô lập trong G20 năm 2014 lại không được nhắc đến trong bất cứ cuộc gặp nào có sự tham dự của ông Putin.
Vị thế của Nga ngày càng được nâng cao khi nhiều nhà lãnh đạo phương Tây phải thẳng thắn thừa nhận rằng cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế chỉ có thể có hiệu quả nếu như có sự tham gia của Nga.
Chính vì vậy, theo giới phân tích Nga, việc lãnh đạo châu Âu đặt ra hai điều kiện để Nga có thể quay trở lại G8 có thể hiểu là sự gợi ý của lãnh đạo nhóm này muốn mời Nga quay lại hợp tác.
Tuy nhiên, với vị thế hiện nay, chưa hẳn Nga đã đánh giá sự quay trở lại G8 là vấn đề quan trọng.