LHQ: Putin "kiềm chế" sau 10 năm vắng bóng, Ukraine phản ứng mạnh

My Lan |

Trong lần xuất hiện đáng mong chờ này tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Nga Putin đã dành phần lớn thời gian để nói về nội chiến ở Syria và chỉ "lướt qua" vấn đề ở Ukraine.

Đại biểu Ukraine bỏ ra ngoài

Một vài đại biểu người Ukraine đã đứng lên, cầm quốc kỳ Ukraine rách tả tơi mang về từ "nồi hầm" Ilovaisk hồi tháng 8/2014, nơi quân đội Ukraine đã buộc phải rút quân khỏi vòng vây của ly khai sau khi thiệt hại nặng nề.

Kế đó, phái đoàn Ukraine đã đồng loạt rời khỏi phiên họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 70 trong khi Tổng thống Nga đang phát biểu - hành động được là cho nhằm bày tỏ sự phản đối với Moscow.

Hành động tương tự cũng xảy ra ngày hôm qua, khi toàn bộ thành viên phái đoàn Nga, chỉ trừ một quan chức ngoại giao, nhất loạt đứng dậy rời khỏi hội trường trong lúc Tổng thống Petro Poroshenko phát biểu về vấn đề phát triển bền vững.

Một quan chức ngoại giao Nga giải thích rằng, họ làm vậy để bày tỏ sự phản đối, bởi những gì ông Poroshenko đề cập hoàn toàn lạc đề và "bị chính trị hóa".


Nhóm đại biểu Ukraine giơ lên lá quốc kỳ rách tả tơi trong khi Tổng thống Putin phát biểu.

Nhóm đại biểu Ukraine giơ lên lá quốc kỳ rách tả tơi trong khi Tổng thống Putin phát biểu.

Nhà báo Luke Harding của báo Anh The Guardian nhận định, ông Putin đã khá kiềm chế trong bài phát biểu của mình, thậm chí còn không "chỉ thẳng" tên Mỹ mà chỉ trích.

Những gì mà ông Putin đề cấp trong bài phát biểu của mình, từ vấn đề trọng tâm là Syria, tới vấn đề phụ là Ukraine, đều đã nằm trong dự đoán.

"Tình hình còn hơn cả nguy hiểm"

Lần đầu tiên xuất hiện tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ sau 10 năm vắng bóng, ông Putin cho rằng, năm nay là thời cơ tốt để nhìn lại lịch sử và nói về tương lai. "Sứ mệnh của LHQ chưa bao giờ là tìm kiếm sự nhất trí, mà là đạt được thỏa hiệp".

Ngay từ đầu bài phát biểu, ông Putin đã ngầm chỉ trích Mỹ khi nói rằng, sau Chiến tranh Lạnh, "một trung tâm quyền lực thống trị duy nhất đã xuất hiện trên thế giới" và không hề quan tâm tới LHQ.

"Họ nghĩ rằng họ hiểu biết hơn và rằng họ không cần phải bận tâm tới LHQ mỗi khi hợp pháp hóa quyết định của mình. Tất nhiên, thế giới đang thay đổi. LHQ phải thích nghi với sự chuyển đổi tự nhiên này. Nga thì đã sẵn sàng".

Tổng thống Nga khẳng định rằng, Moscow luôn sẵn lòng bắt tay với các đối tác trên cơ sở đồng thuận, và rằng, mọi điều khoản trong hợp tác quốc tế cần rõ ràng, minh bạch, được hiểu theo một cách thống nhất.

"Chúng ta đều khác biệt và chúng ta nên tôn trọng điều đó. Không ai cần phải tuân theo chỉ một mô hình phát triển".

Tổng thống Nga
Vladimir Putin
Mọi nỗ lực nhằm làm suy yếu LHQ là điều vô cùng nguy hiểm. Chúng ta sẽ có một thế giới bị thống trị bởi sự ích kỉ, hơn là sự phối hợp chung của tập thể. Các quốc gia độc lập sẽ bị thay thế bởi chế độ bảo hộ và các vùng lãnh thổ bị kiểm soát từ bên ngoài.

Ông Putin cũng lên tiếng chỉ trích việc xuất khẩu "cái gọi là cuộc cách mạng dân chủ", bởi nó dẫn tới bạo lực, nghèo đói và thảm họa xã hội.

"Thay vì rút kinh nghiệm từ sai lầm của người khác, chúng ta lại cứ tái phạm chúng. Chỉ nhìn vào Trung Đông, Bắc Phi là đủ thấy".

Nhà lãnh đạo Nga nhận định, khoảng trống quyền lực ở Trung Đông mà Mỹ và đồng minh bỏ lại "đã bắt đầu được lấp đầy bằng những kẻ khủng bố".

"Thật là một sai lầm lớn khi không hợp tác với chính phủ Syria và lực lượng vũ trang của họ. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng không ai, ngoại trừ Assad và lực lượng dân quân của ông ta, đang thực sự chiến đấu chống IS trên lãnh thổ Syria".

Giờ đây, IS đang lây lan mạnh mẽ sang các khu vực khác, huấn luyện tân binh tới từ khắp các quốc gia, kể cả Nga và châu Âu, khiến "tình hình còn hơn cả nguy hiểm".

Trái ngược với quan điểm của Tổng thống Obama về Syria, ông chủ Điện Kremlin vẫn khẳng định Nga sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và cung cấp trang thiết bị quân sự cho Syria.

Ông thậm chí còn kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế rộng lớn để chống lại khủng bố, tương tự như liên minh chống Hitler trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Tổng thống Putin tiết lộ, Nga sẽ sớm triệu tập một cuộc họp bộ trưởng để tiến hành phân tích các mối đe dọa ở Trung Đông.

Theo ông này, cần có sự phối hợp giữa các lực lượng chống IS, dựa trên các nguyên tắc của LHQ và nếu nó trở thành hiện thực, thì sẽ không còn cần tới các trại tị nạn nữa.

Nhà lãnh đạo Nga Putin chỉ dành chút ít thời gian để đề cập tới vấn đề ở Ukraine với các luận điểm không mới: cáo buộc đảo chính quân sự, cùng với các lực lượng bên ngoài, gây nội chiến, kêu gọi các nước tuân thủ thỏa thuận Minsk, lên án lệnh trừng phạt lên Nga...

Tổng thống Nga
Vladimir Putin
Các biện pháp trừng phạt đơn phương đã trở nên gần như rất phổ biến trong việc theo đuổi các mục tiêu chính trị. Những quy tắc của trò chơi đang liên tục bị viết lại bởi một nhóm nhỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại