Ngoài ra, cũng trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Putin cũng chia sẻ về thời gian làm sĩ quan tình báo trước khi trở thành Tổng thống Nga cũng như phản ứng của ông khi bị gọi là Sa hoàng cũng như quan điểm của ông về những vấn đề nóng trên toàn cầu.
Không thể giải quyết tình hình Ukraine bằng “Cách mạng màu”
Liên quan đến vấn đề Ukraine, ông Putin nhấn mạnh: “Việc giải quyết những vấn đề như tình hình tại Ukraine cũng như các nước thuộc Liên Xô cũ bằng cái gọi là “Cách mạng màu” thông qua những biện pháp vi hiến như lật đổ chính quyền tại quốc gia đó là không thể chấp nhận được”.
Ông Putin khẳng định, Nga là láng giềng thân cận nhất của Ukaine và những vấn đề tại quốc gia này luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nga.
“Ukraine là nước thân cận với chúng tôi nhất. Chúng tôi luôn nói rằng, Ukraine là anh em với Nga và điều này hoàn toàn là sự thật. Không chỉ bởi Ukraine cùng dòng giống Slavic với chúng tôi mà ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử và tôn giáo của họ cũng tương đồng với Nga”, ông Putin chia sẻ.
Khi được hỏi liệu ông có tin rằng Mỹ có liên quan đến vụ lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych khiến ông này phải chạy trốn sang Nga, ông Putin khẳng định, ông chắc chắn về điều này và tiết lộ về nguồn cung cấp thông tin này cho ông.
“Chúng tôi có liên lạc với hàng nghìn người sinh sống tại Ukraine và chúng tôi biết rõ những kẻ đã gặp gỡ và hợp tác với những người đã lật đổ ông Yanukovych”, ông Putin nói.
“Chúng tôi biết rõ chúng đã hỗ trợ những kẻ âm mưu lật đổ như thế nào, chúng đã trả bao nhiêu tiền cho việc này cũng như những nước nào bảo trợ cho việc huấn luyện cho cuộc đảo chính đó và ai là kẻ giật dây vụ này”, ông Putin nói thêm.
“Chúng tôi biết mọi thông tin bởi vì các đối tác Mỹ của chúng tôi không biết “giữ mồm giữ miệng”, ông Putin nói.
Tổng thống Nga tuyên bố: “Không bao giờ, dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, Nga lại tìm cách lật đổ chính quyền hợp pháp của một nước khác”.
“Tôn trọng chủ quyền của một quốc gia có nghĩa là phải ngăn ngừa mọi hành động đảo chính hoặc lật đổ chính quyền hợp pháp của quốc gia đó”, ông Putin nói và nhấn mạnh: “Việc chúng tôi điều quân đến sát biên giới của một số nước không phải là hành vi phạm pháp”.
Mỹ áp dụng “tiêu chuẩn kép” khi đưa vũ khí hạt nhân sang Đức
Truyền thông phương Tây đã luôn cáo buộc Nga đưa quân vào Ukraine nhằm xâm chiếm nước này, tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin đã giải thích rõ về điều này bằng chính “ví dụ cụ thể” là sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu.
“Chúng ta đừng quên rằng, các loại vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ đang được đặt tại châu Âu.
Phải chăng điều đó có nghĩa là Mỹ xâm chiếm Đức hoặc Mỹ chưa bao giờ nguôi tham vọng chiếm châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và che đậy việc xâm chiếm này bằng sự hiện diện của quân đội NATO tại đây”, ông Putin nêu câu hỏi.
“Trong khi đó, việc Nga đưa quân đến khu vực biên giới của mình với một số các nước khác lại bị coi là hành vi phạm pháp”, ông Putin lên án.
Nỗi đau chung khiến Nga luôn đoàn kết
Liên quan đến việc người dân Nga luôn ủng hộ mình, ông Putin chia sẻ: “Có một điểm chung khiến người dân Nga và tôi luôn đoàn kết với nhau đó chính là tình yêu đối với Đất mẹ”.
Tổng thống Nga nêu rõ, chính nỗi đau sau Thế chiến thứ 2 là nhân tố gắn kết mọi người dân Nga.
“Trong gia đình tôi và nhiều gia đình khác đều phải chịu mất mát to lớn trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đó là một thực tế. Trong nhà nội tôi, 4 trong 5 bác và cậu của tôi đã hy sinh và ở bên nhà ngoại tôi, mọi chuyện cũng không khác gì lắm”.
“Người Nga đã phải chịu đựng những tổn thất to lớn. Chúng ta không được phép cáo buộc bất kỳ một nước nào hay một người nào về tổn thất này. Thay vì thế, chúng ta phải đảm bảo rằng, những thảm kịch đó sẽ không bao giờ lặp lại”, ông Putin nói.
Liên quan đến việc Liên Xô tan rã, ông Putin chia sẻ: “Nước Nga giờ trở thành quốc gia bị chia rẽ nhiều nhất trên thế giới”.
Khi được hỏi về khả năng xây dựng lại một tầm ảnh hưởng như Liên Xô trước đây, ông Putin cười và trả lời: “Câu hỏi này khiến tôi cảm thấy rất vui. Có những người luôn nghi ngờ về tham vọng của Nga và cố tình diễn dịch sai về nỗ lực vươn lên của Nga”.
“Tôi từng nói rằng, sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm kịch lớn của thế kỷ 20. Bạn có biết tại sao không? Đó là bởi hơn 25 triệu người Nga đột nhiên bị đẩy ra khỏi biên giới của nước Nga”, ông Putin giải thích.
“Họ đã từng sống trong một quốc gia. Liên Xô trước đây còn được gọi là nước Nga Xô viết và đó là một nước Nga vĩ đại. Họ từng sống trong một quốc gia như vậy và đột nhiên trở thành những người xa lạ”, ông Putin nói thêm.
“Điều đó khiến họ phải đối mặt với những vấn đề nhức nhối như: gia đình ly tán cùng với những hệ lụy về kinh tế và xã hội. Danh sách này là vô tận”, ông Putin nói.
“Liệu bạn có cho rằng, việc 25 triệu người Nga đột nhiên phải gánh chịu những điều đó là bình thường không”, ông Putin đặt câu hỏi.
Khi được hỏi ông cảm thấy thế nào khi bị gọi là Sa hoàng, ông Putin cho rằng, biệt danh này không phù hợp với mình và đùa rằng, ông còn bị gán cho nhiều biệt danh khác nữa và ông không quan tâm ai gọi mình như thế nào.
Một thời làm sĩ quan KGB, mãi mãi là người của KGB
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông Putin cũng chia sẻ về quãng thời gian ông làm việc cho cơ quan tình báo Nga (KGB) và cho rằng, bất kỳ một giai đoạn nào trong cuộc đời mỗi người cũng đều ảnh hưởng đến bản thân sau này.
“Dù chúng ta làm nghề gì thì kiến thức, kinh nghiệm về nghề đó sẽ luôn đi theo chúng ta. Chúng ta sẽ sử dụng những kiến thức kinh nghiệm đó theo cách này hay cách khác.
Chính vì thế, không có chuyện rời khỏi KGB là sẽ trở thành cựu sĩ quan KGB. Một thời làm sĩ quan KGB, mãi mãi là người của KGB”.
Khi được người dẫn chương trình trên kênh truyền hình Mỹ PBS Charlie Rose hỏi: “Một người làm ở CIA nói với tôi rằng, việc được huấn luyện để mọi người yêu quý mình là rất quan trọng vì để được yêu quý, bạn sẽ phải tìm cách lừa dối họ”, ông Putin trả lời: “Nếu CIA nói thế, hẳn là họ đúng và họ là chuyên gia trong lĩnh vực này”.
Khi được yêu cầu đánh giá về Tổng thống Mỹ, ông Putin cho rằng, ông không phải là người có quyền làm điều đó mà điều này phải do người dân Mỹ quyết định.
Cuối cùng, Tổng thống Nga Putin chia sẻ điều mà ông cho là quan trọng nhất đối với bản thân: “Điều quan trọng nhất là mọi việc anh làm đều phải vì lợi ích quốc gia nhất là khi anh là người đứng đầu nhà nước”./.