Kim Jong Un ngậm ngùi nhận "chiếu dưới", Bắc Kinh vẫn hững hờ?

Hải Võ |

Khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm Trung Quốc đã rõ nét hơn sau khi quan hệ song phương được cải thiện rõ rệt hồi giữa tháng 10 nhưng vẫn còn thách thức phía trước.

Quan hệ Trung-Triều được cải thiện

Trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, quan hệ Trung-Triều đã cải thiện rõ rệt sau khi Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn tới dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên hôm 10/10 tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 24/10 đánh giá, sự chuyển biến tích cực trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thậm chí còn mở ra cơ hội để nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình tới Trung Quốc.

Theo VOA, tại lễ duyệt binh của Triều Tiên, Lưu Vân Sơn và Kim Jong Un "luôn cười tươi từ đầu tới cuối chương trình" và "thường xuyên quay sang trò chuyện với nhau".

Kết thúc buổi lễ, ông Kim còn nắm tay đặc sứ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hướng về người dân Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, ông Lưu cũng trao tận tay ông Kim "mật thư" của ông Tập, trong khi truyền thông song phương liên tục ca ngợi mối quan hệ bằng hữu tốt đẹp Trung-Triều.

Truyền thông Trung Quốc hôm 25/10 cũng dành nhiều "đất" trên các mặt báo để tỏ thái độ hài lòng trước việc nhiều địa phương ở Triều Tiên tổ chức hoạt động kỷ niệm 65 năm quân tình nguyện Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên.

Trong bối cảnh như vậy, khả năng thăm Trung Quốc của ông Kim cũng như chuyển biến trong vấn đề bán đảo liên Triều đang được kỳ vọng sẽ xuất hiện đột biến, bất chấp căng thẳng trở lại trên bán đảo khi Hàn Quốc bắn 5 phát súng cảnh cáo tàu tuần tra Triều Tiên hôm 24/10.

Bước ngoặt trong quan hệ Trung-Triều đạt được sau một thời gian dài đôi bên lạnh nhạt với nhau do Bình Nhưỡng quyết bảo vệ chương trình hạt nhân, trong khi Trung Quốc e ngại "người láng giềng" sở hữu công nghệ và loại vũ khí nguy hiểm.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn (trái) tại lễ duyệt binh hôm 10/10 ở Bình Nhưỡng.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn (trái) tại lễ duyệt binh hôm 10/10 ở Bình Nhưỡng.

2 "ải" Kim Jong Un cần vượt nếu muốn tới Trung Quốc

Theo Đa Chiều, nếu Kim Jong Un muốn tiến hành chuyến thăm Trung Quốc cấp nhà nước, ông cần giải quyết 2 vấn đề.

Đầu tiên, sau khi ông Lưu Vân Sơn - nhân vật số 5 trong Bộ chính trị Trung Quốc - đã dự lễ duyệt binh của Bình Nhưỡng, Triều Tiên cần phải cử một quan chức cấp cao thăm chính thức Trung Quốc để "lại mặt".

Đa Chiều cho rằng, Kim Jong Un có thể cử những nhân vật thân cận với mình như Choe Ryong Hae, Kim Yang Gon hay Kim Ki Nam thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời tạo cơ sở cho chuyến thăm về sau của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Thứ hai, nếu Triều Tiên hy vọng tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc, họ buộc phải lựa chọn: Từ bỏ chương trình hạt nhân, hoặc trở lại bàn đàm phán 6 bên.

Nói cách khác, nếu ông Kim Jong Un muốn tìm kiếm sự phát triển trong quan hệ với Bắc Kinh, ông sẽ phải chấp nhận vị thế "chiếu dưới" trong các vấn đề mà Trung Quốc đã tỏ rõ lập trường.

Tuy nhiên, cả hai phương án này dường như vẫn quá khó khăn đối với Bình Nhưỡng.

Mặc dù Triều Tiên đã thể hiện phần nào thiện chí khi gần đây tuyên bố muốn thảo luận về một hiệp ước hòa bình với Mỹ, nhưng đã bị Washington từ chối thẳng thừng.

Giới quan sát Hàn Quốc đánh giá, nguyên nhân căn bản đưa tới sự cải thiện quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên chính là lợi ích của mỗi quốc gia.

Tình hình kinh tế khó khăn và bị cô lập về ngoại giao buộc Triều Tiên không còn cách nào khác ngoài "ngả vào vòng tay Trung Quốc".

Về phía Bắc Kinh, họ bị đe dọa bởi sự liên kết mạnh mẽ của mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật ở khu vực Đông Bắc Á và do đó, nước này bắt đầu nghĩ tới phương án "chơi lại" với Triều Tiên.

Trên thực tế, mỗi khi Trung Quốc chịu sức ép từ Washington hay Tokyo ở phía Đông, giá trị về địa chính trị của Triều Tiên lại được thể hiện rõ nét.

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, phát ngôn viên Bộ thống nhất nước này hôm 12/10 cho biết Seoul cần phải quan sát thêm động thái của Trung-Triều mới có thể phán đoán liệu ông Kim Jong Un có nhận được lời mời thăm Trung Quốc hay không.

Quan chức này cũng chỉ ra, lễ duyệt binh vừa qua của Triều Tiên chủ yếu nhằm ổn định tình hình trong nước và loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại