Trong một nỗ lực được xem là mạnh mẽ nhất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư, Liên minh châu Âu (EU) hôm 25/2 đặt ra thời hạn 10 ngày để kiểm soát dòng người di cư từ .
Sau thời hạn này, tức là tới ngày 7/3, một kịch bản không thể tránh khỏi là đóng cửa một loạt biên giới quốc gia.
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ 28 nước thành viên Liên minh châu Âu ở thủ đô Brussels, Bỉ, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere tuyên bố, Liên minh châu Âu sẽ cho Thổ Nhĩ Kỳ 10 ngày để chứng minh “thiện chí” kiểm soát dòng người tị nạn và di cư vào châu Âu qua biển Aegean.
Nếu không, châu Âu sẽ không thể tránh được quyết định phải đóng cửa một loạt biên giới quốc gia.
"Tới ngày 7/3, chúng tôi muốn nhìn thấy sự cắt giảm đáng kể số người tị nạn tại biên giới Thỗ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức. Bởi một thực tế hiện nay là những nghĩa vụ tại châu Âu và ý chí của các quốc gia là chưa đủ để đạt được mục tiêu này".
Đây được xem là tối hậu thư không chỉ gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ, mà cả các nước thành viên Liên minh châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp.
Bởi một khi các đường biên giới tại châu Âu đồng loạt đóng cửa, thì đây cũng có thể xem là một gọng kìm siết chặt Hy Lạp.
Là một trong những quốc gia cửa ngõ vào châu Âu, nước này có nguy cơ sớm trở thành điểm dừng chân cuối cùng của những người nhập cư.
Tại cuộc họp ngày hôm qua, Hy Lạp đã bày tỏ lo ngại nguy cơ “bị nhấn chìm” trong khủng hoảng và chỉ trích mạnh mẽ sự thiếu đoàn kết của Liên minh châu Âu trong việc chia sẻ gánh nặng nhập cư.
Như một sự khẳng định đối với quyết tâm đóng cửa toàn bộ các khu vực biên giới, Liên minh châu Âu một lần nữa nhấn mạnh, điều Hy Lạp cần làm lúc này là buộc những người nhập cư phải quay lại Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì hướng họ về phía Bắc như vẫn làm tới nay.
Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl- Leitner nói: “Chúng ta cần phải khôi phục khả năng hành động của mình và điều này chỉ có thể làm được một khi các biên giới bên ngoài được bảo vệ.
Nếu Hy Lạp cho rằng họ không thể bảo vệ biên giới phía Đông của mình thì liệu biên giới Schengen có được bảo vệ hay không?".
10 ngày không phải là thời hạn ngẫu nhiên. Bởi ngày 7/3 tới cũng là ngày diễn ra Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu - Thổ Nhĩ Kỳ để đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận đạt được hồi cuối năm ngoái, cũng như đưa ra những cam kết mới.
Theo thỏa thuận khi đó, Liên minh châu Âu cam kết hỗ trợ 3 tỷ euro cho để nước này hạn chế số lượng người tị nạn vượt biển vào Hi Lạp để từ đó vào những nước châu Âu giàu có hơn, đổi lại khối này sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán xin gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, tới nay việc thực thi văn kiện đã khiến cả hai bên thất vọng. Sau khi giảm rõ rệt vào giai đoạn đầu, số lượng người di cư đổ vào Hy Lạp lại tăng vọt, với tần suất 20.000 người mỗi tuần, gần bằng mức kỷ lục hồi mùa thu năm ngoái.
Trong khi những giải pháp quy mô châu Âu được kỳ vọng sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng vẫn chưa đạt kết quả mong muốn, thì các nước thành viên cũng phải đối mặt với những sức ép riêng ở trong nước.
Tại Đức đó là các cuộc bầu cử địa phương đang tới gần và giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư sẽ là một yếu tố mang tính quyết định.
Còn tại các nước thành viên khác, những hệ lụy về kinh tế, chính trị và xã hội đã buộc các nhà lãnh đạo phải đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, có phần vượt quá các quy định chung của khối để kiềm chế luồng người di cư.
Đây cũng chính là điều đẩy Liên minh châu Âu tới một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi ra đời cách đây 50 năm. Nó không chỉ đe dọa sự gắn kết tại các xã hội châu Âu, mà còn đe dọa sự toàn vẹn của khối.
Theo các nhà phân tích, nếu thời hạn 7/3 không được đáp ứng thì điều này cũng đồng nghĩa với một kịch bản tồi tệ nhất sẽ xảy ra với châu Âu.
Khi đó, Đức sẽ áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với người nhập cư tại nước này, đi ngược lại với chính sách “bao dung” đưa cách đây gần 1 năm.
Và cũng gần như là đồng thời, các đường biên giới trên khắp châu Âu sẽ đóng cửa. Đối với Không gian tự do Schengen thì đây là dấu hiệu của sự chấm hết./.