Không thể cứ "đu dây" mãi, Serbia sẽ theo Nga hay về NATO?

Đức Huy |

Hiện nay Serbia vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng ảnh hưởng từ Nga và NATO, nhưng liệu màn "đu dây" của quốc gia đông Âu này sẽ kéo dài được bao lâu?

Tạp chí Balkan Insight cho biết, trong chuyến thăm mới đây tới Moscow, Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic đã đạt được một thỏa thuận mua vũ khí Nga mới. Cùng lúc đó, quân đội Serbia cũng đang sẵn sàng để chuẩn bị tham gia cuộc tập trận của NATO tại Đức.

Theo các nhà phân tích, việc hợp tác quân sự với Nga sẽ không ảnh hưởng tới tầm nhìn hướng về EU của Serbia, nhưng cũng cảnh báo rằng việc "đu dây" giữa Moscow và phương Tây không thể được áp dụng như một chiến lược lâu dài.

Trả lời phỏng vấn Balkan Insight, giáo sư an ninh học Zoran Dragisic nhấn mạnh, các quan chức Serbia hiện nay vẫn coi việc trở thành thành viên EU là ưu tiên hàng đầu, và việc Belgrade mua vũ khí Nga không có ảnh hưởng gì đáng kể đối với EU.

"Tuy nhiên, Serbia hiện nay vẫn chưa phải là thành viên EU, mà lại tìm cách 'một lúc ngồi hai ghế'. Điều này về lâu dài sẽ không khả thi" - ông nói thêm.

Quân đội Serbia duyệt binh. Ảnh: InSerbia.info
Quân đội Serbia duyệt binh. Ảnh: InSerbia.info

Chia sẻ quan điểm với giáo sư Dragisic, nhà nghiên cứu quân sự Aleksandar Radic cũng cho rằng việc Serbia mua vũ khí của Nga sẽ không làm xấu đi quan hệ của nước này với phương Tây.

"Chẳng có lý do gì để nghĩ rằng điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ với EU, vì Serbia hợp tác với NATO nhiều hơn hẳn so với Nga trong lĩnh vực huấn luyện cũng như trang thiết bị quân sự" - ông phát biểu.

Theo Thủ tướng Serbia Alexsandar Vucic, mục đích của nước này trong việc mua vũ khí và trang thiết bị từ Nga là để "cân bằng cán cân an ninh" trong khu vực, sau khi nước láng giềng Croatia cũng vừa "sắm sửa" thêm vũ khí.

Tuy nhiên, ông Vucic nhấn mạnh Serbia không mua vũ khí tấn công.

"Chúng tôi chỉ mang về những loại vũ khí sẽ giúp chúng tôi bảo vệ lãnh thổ" - Thủ tướng Serbia phát biểu.

Theo báo Kommersant, trong chuyến công du mới đây của ông Vucic tới Moscow, các quan chức Nga và Serbia đã kí kết một biên bản ghi nhớ hợp tác, trong đó Nga sẽ đẩy mạnh cung cấp vũ khí cho chính phủ Belgrade.

Cùng lúc đó, khoảng 100 bộ binh Serbia đã sẵn sàng tham gia vào cuộc tập trận của NATO tại Đức, với sự tham gia của binh sĩ nhiều nước láng giềng khác như Albania, Bulgaria, Romania, Montenegro, và Slovenia.

Bắt buộc phải lựa chọn?

Theo Balkan Insight, không phải ai cũng cho rằng việc kí kết các hiệp ước hợp tác mua vũ khí từ Nga là một bước đi đúng đắn đối với Serbia ở thời điểm hiện tại.

Các chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu châu Âu - Đại Tây Dương (CEAS) có trụ sở tại Belgrade đã kêu gọi Serbia không kí kết hiệp ước với Nga, vì điều đó có thể phạm vào các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, qua đó ảnh hưởng tới tiến trình xin gia nhập EU của Belgrade.

Tuy nhiên, giáo sư Dragisic phản bác rằng, hiện nay có không ít các thành viên NATO thuộc Khối Hiệp ước Warsaw trước đây vẫn sử dụng vũ khí của Nga.

"Để có thể thay đổi hoàn toàn hệ thống vũ khí đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc. Bulgaria, Hungary, và CH Séc vẫn chưa làm được điều đó, do vậy không nên đòi hỏi quá ở Serbia" - ông phát biểu.

Tháng 12/2007, Serbia tuyên bố họ theo đuổi chính sách trung lập trong quân sự, và chính phủ Belgrade hiện nay cũng chưa có động thái nào cho thấy họ sẽ thay đổi đường lối đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Bratislav Gasic nhấn mạnh, quân đội nước này vẫn đang dung hòa giữa chính sách quân sự và hợp tác quốc tế.

"Chúng tôi từng tập trận chung với cả Nga lẫn NATO, và binh sĩ Serbia đã được huấn luyện ở cả Nga lẫn Mỹ" - ông Gasic cho biết.

Tuy nhiên, giáo sư Dragisic nói rằng chính phủ Belgrade cũng thừa hiểu rằng đây sẽ không thể là một chính sách có thể được áp dụng về lâu về dài.

"Chúng ta sẽ sớm bị đặt vào tình thế bắt buộc phải lựa chọn" - ông phát biểu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại