Chờ Nga "tự nhận ra sai lầm" tại Syria, Mỹ đang lạc quan quá đà?

Đức Huy |

Theo Bloomberg, trong giới ngoại giao hiện tại, có lẽ chỉ có Mỹ mới nghĩ rằng đến một lúc nào đó Nga sẽ "tự nhận ra sai lầm" và gây áp lực bắt Bashar al-Assad phải từ chức.

Tuần trước, đại diện tất cả các bên liên quan tới cuộc khủng hoảng Syria đã có 9 giờ đồng hồ đàm phán tại Vienna (Áo). Sau cuộc họp, các bên dù đã ra tuyên bố chung nhưng chưa thể đi đến một thỏa thuận về vấn đề chính, tức vận mệnh của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.

Phát biểu hôm 31/10 vừa qua trong khuôn khổ phiên Đối thoại Manama của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) diễn ra tại Bahrain, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken cho biết Washington tin rằng việc Nga nhận ra sai lầm của mình "chỉ là vấn đề thời gian".

Ông Blinken nhấn mạnh, Nga sẽ không thể kéo dài chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria, và không sớm thì muộn những cái giá mà Moscow phải trả về mặt kinh tế, chính trị, cũng như an ninh, sẽ buộc Nga phải nhìn nhận lại chính sách của mình tại Syria.


Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken. Ảnh: AP

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken. Ảnh: AP

"Nga sẽ bị kéo vào vũng lầy tại Syria... Chúng tôi tin rằng đến một lúc nào đó, Nga sẽ nhận ra rằng để có thể giải quyết vấn đề tại quốc gia Trung Đông này, họ sẽ phải đồng ý để Assad ra đi" - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phát biểu.

Thường thì trong các vấn đề liên quan tới Nga Nga, các nước phương Tây luôn có chung quan điểm với Mỹ. Nhưng lần này là ngoại lệ.

Không ai lạc quan như Mỹ

Sau bài phát biểu của ông Blinken, một loạt các quan chức và chuyên gia đồng minh của Mỹ trong vấn đề Syria đều công khai bày tỏ sự không đồng tình với suy nghĩ rằng sẽ có một ngày Nga có chung quan điểm với phương Tây về tương lai của Assad.

Trong số đó, nổi bật là Ngoại trưởng Anh Philip Hammond.

"Mỹ nghĩ rằng khi Nga ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng Syria, nước này sẽ ngày càng muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị để dứt điểm vấn đề. Nhưng Chính phủ Anh không có chung quan điểm này" - ông nói thẳng.

Ngoại trưởng Anh cho biết ông đã trao đổi với người đồng cấp bên phía Nga, Sergei Lavrov, ngay sau khi đàm phán tại Vienna khép lại. Ngoại trưởng Nga khi đó đã nói với ông Hammond rằng Nga cương quyết sẽ không để Assad bị ép phải từ chức.

"Quan điểm của Nga về Assad lúc này không khác gì so với 3 năm trước, và cũng không có khả năng sẽ thay đổi. Nga nói rằng Assad đã lên nắm quyền từ một cuộc bầu cử, do đó chỉ khi một ứng viên khác thắng cử thì Assad mới có thể bị thay thế" - ông cho biết.

Về phần mình, bộ Ngoại giao Nga chưa có phát biểu chính thức nào về việc này. Tuy vậy, bản thân ông Lavrov đã nhiều lần nhấn mạnh vận mệnh của Assad chỉ có thể được định đoạt bởi người dân Syria, và Nga sẽ không can dự vào việc đàm phán để ép ông phải từ chức.


Ông Lavrov: Vận mệnh của Assad chỉ có thể được định đoạt bởi người dân Syria. Ảnh: TASS

Ông Lavrov: "Vận mệnh của Assad chỉ có thể được định đoạt bởi người dân Syria". Ảnh: TASS

Ông Francois Heisbourg, Viện trưởng IISS và từng là một quan chức cấp cao trong bộ Ngoại giao Pháp, thẳng thừng phản đối suy nghĩ của ông Blinken rằng Nga sẽ phải chịu áp lực từ chiến dịch can thiệp quân sự của họ tại Syria.

"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Nga không thể duy trì chiến dịch quân sự tại Syria, chí ít là sau cuộc bầu cử tại Mỹ vào tháng 11 năm sau" - ông phát biểu. Nói cách khác, ông Heisbourg cho rằng Nga vẫn sẽ còn gây áp lực với ông Obama, và đợi đến khi Mỹ có Tổng thống mới rồi tính tiếp.

Maxim Shepovalenko, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phân tích Chính trị và Công nghệ (CAST) có trụ sở tại Moscow, nhận định, chính phủ Nga hiện nay tin rằng chiến dịch can thiệp quân sự của họ sẽ thành công, và Assad có thể tại vị.

Nhưng dù kết cục có ra sao, thì theo ông Shepovalenko, "không đời nào" Nga chịu đàm phán ép ông Assad từ chức.

"Chúng tôi tin rằng người Syria sẽ tự quyết định được số phận của mình, và nếu chiến dịch quân sự lần này thành công, Assad đương nhiên sẽ là ứng viên hàng đầu" - ông phát biểu.

Cũng tại phiên đối thoại của IISS, nhiều nhà ngoại giao châu Âu đã nói với phóng viên Bloomberg rằng họ lo ngại động thái điều đặc nhiệm tới Syria của Mỹ nhiều khả năng chỉ là "cho có", cốt chỉ để ông Obama vin vào và nói rằng Washington thực sự cam kết giải quyết vấn đề Syria.

Họ cũng nói rằng, các đồng minh của Mỹ không muốn đổ công sức vào một tiến trình không khả thi mà họ cho rằng bản thân Mỹ cũng không thực sự quá mặn mà.

Do đó, khi ông Blinken bày tỏ sự tự tin rằng đến một lúc nào đó Nga sẽ "thay lòng đổi dạ", chẳng mấy ai chia sẻ cùng ông sự lạc quan ấy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại