Làm thế nào để hóa giải "bước đi nguy hiểm" của TQ ở Biển Đông?

Hải Võ |

Bài phân tích trên The Diplomat nhận định, Bắc Kinh chỉ mới bắt đầu kế hoạch bành trướng của mình ở Biển Đông, và hành động của nước này cần phải nhận được phản ứng tương xứng.

Hôm 30/6, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành việc xây dựng ở một số đảo nhân tạo (trái phép-PV) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chuyên gia Prashanth Parameswaran viết trên The Diplomat rằng, ý nghĩa thực sự đằng sau những tuyên bố gần đây của Bắc Kinh "đúng như nghi ngờ", rằng Trung Quốc đã chuyển trọng tâm từ xây đảo nhân tạo phi pháp sang xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên đó.

Hành động nguy hiểm này hiển nhiên đã đưa Trung Quốc đi xa hơn trong việc phá hoại hòa bình, ổn định khu vực cũng như quan hệ với Mỹ.

Trung Quốc đang làm gì?

Theo The Diplomat, những ảnh chụp vệ tinh được công bố mới nhất đã xác định một điều "được biết từ lâu", đó là Bắc Kinh đang xây dựng trang thiết bị quân sự trái phép trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Những trang bị này được cho là có thể phục vụ mục đích tấn công chống lại các quốc gia trong khu vực và cả Mỹ.

Các cơ sở hạ tầng quân sự đáng kể bao gồm đường băng, quân đội đồn trú, vũ khí đối khống, đối đất, hệ thống radar và thông tin liên lạc... cho phép Bắc Kinh dễ dàng hơn trong việc bành trướng trên biển cũng như chống lại nỗ lực ngăn cản của quốc tế.

Theo ông Parameswaran, việc Trung Quốc quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo là hành vi gây bất ổn và vi phạm thỏa thuận của nước này với các nước láng giềng, điển hình là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002.

Ảnh vệ tinh cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.

Ảnh vệ tinh cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.

Những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông cũng tạo thành mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Washington muốn duy trì châu Á là một khu vực tự do, hòa bình và ổn định. Mỹ đã thực hiện điều này khá thành công với trật tự quốc tế mà họ xây dựng và bảo vệ kể từ sau Thế chiến II.

Sau nhiều thập kỷ hưởng lợi từ trật tự quốc tế này và trở nên lớn mạnh, Bắc Kinh đã quay trở lại đe dọa sự ổn định bằng những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Parameswaran đánh giá, việc xây dựng cơ sở quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực quan ngại, dẫn đến các quốc gia này cũng tăng cường sức mạnh và tạo thành cục diện bế tắc về an ninh.

"Đây không phải là điều mà Washington cũng như các đồng minh, đối tác của Mỹ muốn thấy ở châu Á" - chuyên gia này cho biết.

Trong năm 2015, Mỹ và Philippines đã có cuộc tập trận chung lớn nhất kể từ 15 năm qua như 1 phản ứng trước các động thái bành trướng ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Trong năm 2015, Mỹ và Philippines đã có cuộc tập trận chung "lớn nhất kể từ 15 năm qua" như 1 phản ứng trước các động thái bành trướng ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ảnh: Reuters.

"Khắc chế" Trung Quốc như thế nào?

Đối phó với Trung Quốc không chỉ là kiềm chế hay ngăn chặn hành vi xây dựng quân sự phi pháp của nước này ở Biển Đông.

Học giả Parameswaran nhận định, quốc tế cần ngăn chặn những hành động gây bất ổn mà Bắc Kinh có thể leo thang với những cơ sở quân sự mới, đồng thời kiểm soát được thế bế tắc về an ninh có khả năng đưa tới quân sự hóa khu vực.

Điều này đòi hỏi một chuỗi hành động thống nhất: Buộc Trung Quốc phải "ê mặt" bằng cách tiết lộ trước trên truyền thông các động thái tiếp theo của Bắc Kinh để buộc họ phải dừng tay.

Mặt khác, theo The Diplomat, các quốc gia trong khu vực cần khắc phục chênh lệch về sức mạnh quân sự bằng cách thúc đẩy trao đổi, hợp tác đa phương.

Các quan chức Mỹ cũng đã tiến hành một số biện pháp theo hướng này, nhưng Washington cần đẩy nhanh tốc độ hơn nữa, trước thực tế là vùng biển châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi chóng mặt so với những dự đoán chỉ 1 năm trước đây.

Đồng thời, Mỹ và đồng minh chỉ nên xem động thái quân sự của Trung Quốc ở đảo nhân tạo là "bước đi mới nhất trong chiến lược bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông" chứ chưa phải bước cuối cùng.

Parameswaran bình luận: "Không nên quá chú ý đến sự chuyển đổi chiến lược của Trung Quốc mà lơi là khỏi thực tế cốt lõi rằng các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trên Biển Đông là phi pháp.

Hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc hoàn toàn vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và dư luận quốc tế cần không ngừng nhấn mạnh điều này thông qua các tuyên bố ngoại giao, các hành động hợp pháp..."

Tương tự, chuyên gia này cho rằng sự chú ý dành cho các cơ sở quân sự của Trung Quốc không nên tách rời khỏi mục tiêu chính: Phản ứng có kế hoạch đối với "bước đi tiềm năng tiếp theo" của Bắc Kinh.

"Bước đi mới" này có thể bao gồm nguy cơ Trung Quốc tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

"Duy trì góc nhìn toàn cục là điều quan trọng, cho phép các quốc gia không chỉ phản ứng với hành động của Trung Quốc, mà còn dự báo và ngăn chặn trước khả năng xảy ra các hành động mới, buộc Bắc Kinh phải lùi bước" - Parameswaran cho hay.

Cuối cùng, The Diplomat cho biết, cần nhấn mạnh rằng không nên xem tình hình Biển Đông hiện tại là một vấn đề đơn lẻ, mà là một phần trong thách thức lớn hơn của châu Á-Thái Binh Dương đang chuyển mình: Đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là Washington và các bên liên quan cần có tư duy thận trọng về xác định trình tự, điều chỉnh và cân đối trước khi đưa ra các hành động về Biển Đông nói riêng, và đối phó với Trung Quốc nói chung.

Thách thức đối với Mỹ là duy trì quan hệ Mỹ-Trung ổn định trong khi vẫn cứng rắn đối đầu với Bắc Kinh khi nước này có hành động phá hoại ổn định khu vực.

"Thậm chí nếu chính quyền của ông Barack Obama có tiến gần hơn tới một giải pháp cân bằng như vậy, thì mọi chuyện cũng có thể thay đổi khi chính quyền mới được lập nên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016."

Tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập phi pháp lãnh hải Việt Nam ngày 15/5/2014. Vào thời gian này, Bắc Kinh đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển của Việt Nam và bị dư luận quốc tế phản ứng quyết liệt. Ảnh: AP|Hau Dinh.

Tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập phi pháp lãnh hải Việt Nam ngày 15/5/2014. Ảnh: AP.

Đương nhiên Biển Đông không đơn thuần là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi sự hợp tác rộng rãi hơn giữa các nước ASEAN là một sự khởi đầu - dù còn những hạn chế, các biện pháp đấu tranh khác "không liên quan đến tuyên bố chủ quyền" cũng trở nên cần thiết hơn.

"Và chính ASEAN cần hành động 'như một khối thống nhất'." - Parameswaran viết.

Theo The Diplotmat, các nước Đông Nam Á cần nhìn nhận rõ các hành động của Trung Quốc nói lên điều gì về nước này - trong vai trò một thế lực đang lên - và lên kế hoạch phản ứng phù hợp.

Bắc Kinh rõ ràng đang áp dụng chiến lược "2 mặt" với ASEAN khi tìm cách thắt chặt các mối quan hệ kinh tế để lôi kéo các nước gần hơn với quỹ đạo của Bắc Kinh, trong khi vẫn lợi dụng thế mạnh quân sự để duy trì các lợi ích, thậm chí bằng vũ lực.

Ở Biển Đông, Trung Quốc thường áp dụng chiến lược này theo kiểu "vừa đấm vừa xoa" và hy vọng củng cố các "thành quả" - tức các đảo đá nước này chiếm phi pháp - theo thời gian - trong khi duy trì thiệt hại quan hệ ngoại giao khu vực ở mức thấp nhất.

"Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chưa chưa thể hiện gì cho thấy chiến lược của họ thất bại.

Nếu vậy, Bắc Kinh đương nhiên sẽ không sửa chữa những thứ mà họ cho là 'không có vấn đề'.

Điều quan trọng là, liệu các nước Đông Nam Á có phản ứng một cách đầy đủ, kịp thời hay không." - học giả Parameswaran kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại