Sau khi chính thức thông qua bộ luật an ninh mới, Ủy ban Thường trực Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức họp báo cùng ngày tại Đại lễ đường Nhân dân để trả lời các câu hỏi liên quan.
Theo ghi nhận của phóng viên South China Morning Post (SCMP), bộ luật này đang gây nhiều tranh cãi trong nội bộ Trung Quốc vì một số nội dung của nó vượt khá xa ra ngoài lĩnh vực an ninh quốc gia.
Cụ thể, bộ luật này bao gồm một số điều khoản liên quan tới tài chính, chính trị, tư tưởng, hay tôn giáo, khiến nhiều người dân Trung Quốc lo ngại sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới tự do ngôn luận cũng như quyền công dân của họ.
Theo Tân Hoa Xã, bộ luật này nhấn mạnh tầm quan trọng của đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc thiết lập một "hệ thống an ninh quốc gia với quyền lực tập trung và làm việc hiệu quả".
Tuy nhiên, bộ luật này không nhắc đến vai trò của Ủy ban An ninh Quốc gia (NSC) mới được thành lập năm 2013, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng đầu.
7 thành viên đứng đầu trong bộ máy chính trị Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trước đó, ông Tập từng nhấn mạnh an ninh quốc gia cần phải bao quát nhiều lĩnh vực, trong đó có chính trị, quân đội, kinh tế, khoa học kĩ thuật, môi trường, và văn hóa.
Nội dung
Trong một văn bản chính thức được cơ quan lập pháp Trung Quốc phát hành cho công chúng hồi tháng 5, "an ninh quốc gia" được định nghĩa là phải đảm bảo được sự ổn định chính trị, đoàn kết dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, quyền lợi của người dân, và phát triển kinh tế xã hội.
Ngoài những mục đích rõ ràng nêu trên, "an ninh quốc gia" theo như bộ luật mới này cũng phải đảm bảo rằng "các lợi ích quốc gia quan trọng" sẽ "không phải đứng trước các mối đe dọa từ bên trong cũng như bên ngoài".
Bộ luật này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh an ninh mạng, phòng chống khủng bố, kiểm soát hoạt động của các giáo phái cực đoan, và sự hạn chế sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.
Phản ứng chuyên gia
Trả lời phỏng vấn SCMP, Giáo sư Fu Hualing thuộc khoa Luật, Đại học Hong Kong cho biết, ông không hiểu tại sao Ủy ban An ninh Quốc gia (NSC) lại không được nhắc tới trong bộ luật.
Điều này, theo ông Fu, khiến cho chức năng của NSC trở nên mập mờ, và không rõ vai trò của Ủy ban này nằm ở đâu trong luật pháp.
Trong khi đó, Tiến sĩ Eva Pils thuộc Đại học London (Anh), nhận định, với việc không trực tiếp đề cập tới NSC, bộ luật này để ngỏ việc cơ quan nào sẽ đứng đầu an ninh quốc gia.
"Điều này đồng nghĩa với việc đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn nắm quyền lớn nhất trong hệ thống an ninh quốc gia, hơn cả chính phủ" - bà Pils cho biết.
Ngoài ra, bà cũng phân tích rằng với cách định nghĩa nói trên, gần như bất kì lĩnh vực kinh tế xã hội nào cũng sẽ "dính líu" tới an ninh quốc gia. Nói cách khác, bộ luật này sẽ cho đảng Cộng sản Trung Quốc quyền can thiệp vào mọi khía cạnh của cuộc sống.
Nhận định về bộ luật này, nhà nghiên cứu Trung Quốc William Nee thuộc Amnesty International cho biết, bộ luật này đi ngược với những động thái trong hàng chục năm gần đây của Bắc Kinh.
"Hơn 30 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã và đang cho người dân nhiều quyền tự do hơn trong các lĩnh vực mà họ cho là 'không nhạy cảm'.
Tuy nhiên, bộ luật này dường như là một nước cờ của Tập Cận Bình nhằm tái khẳng định sự kiểm soát của bộ máy lãnh đạo Bắc Kinh đối với nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của người dân Trung Quốc bằng cách 'mượn tay' an ninh quốc gia" - ông Nee phân tích.