Kế hoạch mới của Mỹ tại Syria làm gia tăng lo ngại

TTK |

Kế hoạch của Tổng thống Barack Obama nhằm vũ trang trực tiếp cho phe nổi dậy chiến đấu trong lãnh thổ Syria đang làm dấy lên nhiều quan ngại trong Quốc hội và giới chức tình báo về việc liệu nó có bao gồm đủ các biện pháp bảo đảm cần thiết để ngăn chặn vũ khí rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Cách tiếp cận mới này thay thế nỗ lực gần như đã thất bại của Lầu Năm Góc nhằm huấn luyện phe nổi dậy bên ngoài Syria và chuyển họ về chiến trường sau quy trình điều tra lý lịch gắt gao để đảm bảo rằng họ không có liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Ngày 17/10, người phát ngôn quân đội nói rằng chỉ khoảng 180 tay súng nổi dậy đã được huấn luyện, trong đó 145 tay súng đang hoạt động thực sự và khoảng 95 trong số đó hoạt động trong lãnh thổ Syria.

Kế hoạch sửa đổi nhằm chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía Bắc Syria được triển khai hôm 11/10, khi đó các máy bay chở hàng C-17 của Lực lượng Không quân Mỹ đã tiến hành cái mà Lầu Năm Góc miêu tả là sự tiếp viện thành công đạn súng máy, lựu đạn và súng phóng lựu cho các tay súng Arập ở Syria.

Quan ngại mới đây bắt nguồn từ thực tế rằng theo chương trình mới này, chỉ có các chỉ huy của phe nổi dậy - chứ không phải tất cả các tay súng - sẽ được kiểm tra lý lịch, cũng như nguy cơ của việc thả đồ tiếp viện xuống nhầm khu vực được kiểm soát bởi nhiều nhóm vũ trang.

Nhiều ý kiến nói rằng họ gần như không tin tưởng vào tính hiệu quả của quy trình điều tra lý lịch của Lầu Năm Góc.

Các quan chức đó cho rằng các cơ quan của Mỹ thường không thể thu thập đủ thông tin để thẩm tra lý lịch, độ tin cậy và lòng trung thành của phe nổi dậy.

Một nguồn tin thân cận yêu cầu giấu tên cho biết trong phiên điều trần kín của Quốc hội Mỹ về những thay đổi đối với chương trình quy mô 580 triệu USD này, giới chức chính phủ không đưa ra các câu trả lời chi tiết thỏa đáng về việc làm cách nào để quá trình thẩm tra lý lịch được tiến hành hiệu quả.

Nguồn tin này cho rằng quy trình thẩm tra dường như vẫn có lỗ hổng.

Phát ngôn viên của ủy ban tình báo và quân đội của Quốc hội đã không đưa ra bình luận nào.

Adam Schiff, nghị sĩ Dân chủ cấp cao trong ủy ban tình báo của Hạ viện và là người ủng hộ kế hoạch, nói rằng lợi thế của kế hoạch đó là tập trung vào các nhóm chiến đấu kiên cường mà Washington đã biết rõ.

Sự thay đổi trong kế hoạch này được cho là sự thay đổi quan điểm của ông Obama, người trong nhiều năm qua luôn nghi ngờ về hiệu quả việc rót thêm nhiều vũ khí vào cuộc nội chiến Syria.

Các cố vấn của ông Obama nói rằng theo chương trình sửa đổi của Lầu Năm Góc, thủ lĩnh các nhóm Syria nổi dậy được tiếp nhận vũ khí sẽ được thẩm tra rất gắt gao, và rằng các cán bộ quân đội Mỹ đang liên lạc với các thủ lĩnh này trên mặt trận.

Lầu Năm Góc nói rằng họ có thể liên lạc trực tiếp với các nhóm này và giám sát các vũ khí được sử dụng như thế nào.

Ngày 13/10, Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu ở Baghdad, nói rằng các vũ khí và trang thiết bị đã được thả xuống cho các thủ lĩnh của Liên minh Arập Syria gồm 10-12 nhóm với khoảng 5.000 tay súng.

Thủ lĩnh các nhóm này trước đó đã được Mỹ huấn luyện bên ngoài lãnh thổ Syria trong vòng một tuần, bao gồm cả về luật chiến tranh trên bộ và việc sử dụng các thiết bị liên lạc.

Sự chỉ trích của các quan chức tình báo Mỹ có thể một phần là do cuộc cạnh tranh giữa các cơ quan Mỹ trong vấn đề Syria: Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng triển khai chương trình bí mật riêng đó là đào tạo và vũ trang cho phe nổi dậy Syria.

Thứ trưởng Quốc phòng Christine Wormouth nói với các phóng viên rằng trước khi công bố thay đổi chính sách hôm 9/10, Lầu Năm Góc đã làm việc với các nhóm trên chiến trường trong nhiều tháng và “đặt lòng tin khá cao ở họ”.

Ông Wormouth cho biết cách khác để Lầu Năm Góc giảm thiểu rủi ro đó là chỉ cung cấp các vũ khí cơ bản, ít nhất là ở giai đoạn đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại