Mỹ đang "bịt miệng" truyền thông, che giấu uẩn khúc tại Syria?

Đức Huy |

Trong một bài viết đăng trên trang New Eastern Outlook, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Gordon Duff cho rằng Mỹ đang che giấu nhiều điều tại Syria, với sự trợ giúp của truyền thông.

"Chẳng ở đâu có chiến tranh cả"

Theo cựu binh Duff, hiện nay có rất nhiều những cuộc chiến tranh diễn ra hàng ngày trên khắp lãnh thổ Syria, Yemen, Saudi Arabia, Afghanistan, Libya,..., với độ khốc liệt "chẳng kém gì Thế chiến", nhưng lại không được báo chí Mỹ đả động tới.

"Nếu bạn đọc báo, sẽ chẳng thấy ở đâu có chiến tranh cả, chẳng có IS, cũng không có al-Nusra, không có một hiệp ước Minsk vô hiệu lực, không đánh bom ở Yemen,... không có cuộc chiến nào đang diễn ra hay từng xảy ra cả" - ông Duff "ca thán" trong bài viết của mình.

Những uẩn khúc Mỹ đang che giấu

Cựu binh này cũng nhắc đến một diễn biến không lấy gì làm tự hào cho quân đội Mỹ trong tuần qua, đó là việc 2 chiến đấu cơ nước này đã không kích một nhà máy điện và một trạm biến áp tại Aleppo, khiến 2,5 triệu người dân Syria rơi vào cảnh "sống trong bóng tối".

Điều khó hiểu, theo ông Duff, là cuộc tấn công này không nhắm vào lực lượng khủng bố, mà mục tiêu của máy bay Mỹ lại là cơ sở hạ tầng thiết yếu của thành phố lớn nhất Syria. Màn không kích này đã khiến rất nhiều người dân thường thiệt mạng.

Cựu binh này cũng lên án cái gọi là "thiệt hại đi kèm" trong mỗi đợt không kích của Mỹ. Ông Duff thậm chí còn cho biết, cứ 1 lính phiến quân có vũ trang bị Mỹ tiêu diệt, là lại có 10 sinh mạng của dân thường "đi kèm", dù trong bài viết ông không nói rõ mình lấy số liệu này từ đâu.

"Ai đó sẽ tự hỏi tại sao Mỹ lại chọn đánh bom một nhà máy điện trong khi họ hoàn toàn có thể chọn một đám cưới, một đám ma, hay một lễ tốt nghiệp làm mục tiêu?" - ông Duff chua cay mỉa mai.

Và theo ông Duff, sự kiện này cũng không hề được báo chí Mỹ và phương Tây đả động tới. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không phải đứng ra công khai xin lỗi như những gì ông đã làm 3 tuần trước, khi quân đội Mỹ đánh bom một bệnh viện tại thành phố Kunduz (Afghanistan).


Bệnh viện tại Kunduz chìm trong biển lửa sau khi bị Mỹ không kích. Ảnh: Twitter

Bệnh viện tại Kunduz chìm trong biển lửa sau khi bị Mỹ không kích. Ảnh: Twitter

Còn một uẩn khúc khác mà theo ông Duff cũng không nhận được sự đối xử công bằng từ giới truyền thông. Cựu binh này cho biết một tư lệnh Nga đã phát hiện một "khu vực bí ẩn bị không kích" gần biên giới Syria-Jordan.

"Đây là khu vực mà chưa bên nào 'chính thức' không kích, không phải Mỹ, không phải Nga, không phải chính phủ Syria, nhưng những ngôi làng bị bỏ hoang tại đây đã bị đánh bom, có lẽ đến hàng tá hay thậm chí hàng trăm lần, như thể ai đó không có việc gì làm vậy" - ông viết.

Cựu binh này đặt dấu hỏi, việc tới nay đã có hơn 6.000 đợt ra quân của máy bay Mỹ nhắm vào các mục tiêu IS mà vẫn chưa đạt kết quả phải chăng là do những màn công kích này đều nhắm tới "đồng không mông quạnh"?

Vậy còn các thành viên khác của liên minh chống IS thì sao?

Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia từ lâu đã rút khỏi liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. Hiện nay, thành viên Trung Đông "tích cực" nhất trong liên minh này là Thổ Nhĩ Kỳ, với hơn 6.000 đợt ra quân của riêng mình.

Nhưng ông Duff lại chỉ ra rằng, 90% các đợt không kích mang cái mác "chống IS" của Thổ Nhĩ Kỳ thực chất lại diễn ra ngay trên đất Thổ, và đều nhắm vào người Kurd, trong số đó thậm chí còn có lực lượng tình nguyện YPG, thành viên trong liên minh chống IS của Mỹ.

Và theo ông Duff, cũng giống như các trường hợp nói trên, Washington vẫn "mặc nhiên cho qua". Báo chí Mỹ cũng không hề nhắc đến chi tiết này.

Cựu binh Mỹ
Gordon Duff
Gordon Duff là một lính thủy đánh bộ Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Sau khi xuất ngũ, ông tham gia các công tác bảo vệ quyền lợi cựu chiến binh. Duff là người sáng lập tạp chí Veterans Today, và được biết đến với những bài viết thể hiện quan điểm trái chiều, nhiều khi đến mức cực đoan, về quân đội và chính phủ Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại