Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria - "lịch sử được lập lại"

Vĩnh Thụy |

Theo hãng Reuters, chiến dịch quân sự Nga đang tiến hành ở Syria là sự tiếp diễn có tính hệ thống về vai trò của Nga ở Trung Đông, là lịch sử được lặp lại.

Sự liên quan của Nga từng giảm đi, sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Nga cạn ngân sách và bị rối loạn một thời gian. Nhưng nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin phục hồi lại sự liên quan của Nga ở Trung Đông.

Ông Pogos Akopov, một cựu quan chức ngoại giao Nga, từng làm việc ở Sứ quán Nga tại Ai Cập, Libya và Kuwait, nói: “Chúng tôi từng ngưng không ủng hộ người Ả Rập. Đấy chỉ là tạm thời. Nay ông Putin đang chỉnh sửa”.

Theo Reuters, chính phủ các nước phương Tây có quan điểm khác, cho rằng sự can thiệp của Nga là một nỗ lực để ông Putin tranh thủ cơ hội, gieo ảnh hưởng, xây dựng thêm uy tín tại Nga, như là người sẵn sàng chọc tức Mỹ.

Trên thực tế, trong hàng chục năm trước khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô từng có tầm ảnh hưởng lớn ở thế giới Ả Rập.

Họ tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng, như đập Aswan ở Ai Cập, cũng như cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho nhiều quốc gia.

Cựu lãnh đạo Syria, ông Hafez Assad từng học ở một trường không quân Liên Xô, là cha của đương kim tổng thống Syria Bashar Assad.

Lính Liên Xô từng sát cánh với quân Syria

Những mối quan hệ như vậy đã khiến Liên Xô đưa quân đến Syria nhưng không bao giờ công khai bởi Điện Kremlin không muốn là một bên chính thức trong các cuộc xung đột vũ trang của Trung Đông, theo Reuters.

Hãng tin này nêu chiến dịch quân sự Nga đang tiến hành ở Syria là lịch sử lập lại, vì 32 năm trước, quân Liên Xô từng bí mật xuống tàu rời khỏi biển Đen.

Họ để tóc dài để giả làm khách du lịch và đặt chân xuống một hải cảng Syria, rồi tìm đến các đơn vị quân chính phủ.

Câu chuyện cũ ấy diễn ra với Valery Anisimov cùng các quân nhân Nga. Chuyến đi Syria của nhóm quân này vào tháng 1.1983.

Trong cuộc phỏng vấn, Anisimov kể với Reuters lúc đó anh ta là lính nghĩa vụ quân sự ở vùng Moscow, thuộc một đơn vị phòng không.

Khi ấy, quân Israel xâm lược Lebanon, chiếm nhiều vùng đất phía nam, trong khi quân Syria chiếm phía bắc Lebanon.

Quân Syria tổn thất nặng trước các đợt không kích của máy bay Israel, nên lãnh đạo Liên Xô quyết hỗ trợ đồng minh Syria.

Anisimov được đưa đến cảng Nikolayev (thuộc Ukraine, nay là cảng Nykolaiv). Anh cùng 1.000 lính khác nhận lệnh sơn màu sa mạc ngụy trang lên các phương tiện.

Tại cảng biển Đen này, nhóm quân Liên Xô lên tàu khách Ukraine, bắt đầu hải trình. Họ không được biết điểm đến.

Ngày xuất phát, một báo địa phương đưa tin tàu đưa các sinh viên chiến thắng một cuộc tranh giải đi du lịch Địa Trung Hải.

Khi lên tàu, nhóm quân được lệnh mặc thường phục, để tóc dài. Theo Anisimov, mỗi khi cần thông báo qua loa, nhóm quân đều được gọi là “các đồng chí du khách”.

Trong lúc vượt tuyến đường biển Dardanelles nối biển Đen - Địa Trung Hải, tàu khách Ukraine đi ngang qua một tàu chiến Mỹ.

Anisimov kể có nhiều xuồng tiếp cận chiếc Ukraine, trong khi thiết bị dò được Mỹ chĩa về chiếc này: “Chúng tôi bị nhốt trong cabin, được lệnh cấm nói chuyện”.

Vài ngày sau, chiếc tàu Ukraine cập cảng Tartus, nơi Nga có một cơ sở hải quân để chuyển khí tài quân sự đến Syria.

Anisimov kể: “Cấp trên bảo rằng các đồng chí đến Syria, họ sẽ đưa vũ khí cho chúng ta. Chúng tôi không được gọi nhau là đồng chí thiếu úy hoặc đồng chí đại tá. Chúng tôi gọi nhau bằng tên, để không ai biết chúng tôi là quân nhân Liên Xô”.

Tiểu đoàn phòng không 220 là đơn vị mới của Anisimov, trang bị tên lửa phòng không S-200, với nhiệm vụ đề phòng máy bay Israel bay vào Syria và nếu cần thì bắn hạ chúng.

Lệnh bắn hạ này chưa bao giờ được áp dụng, nhưng Anisimov nói sự hiện diện của tên lửa Nga đã giúp ngăn chặn không quân Israel.

10 năm sau, ngay cả khi Liên Xô sụp đổ, quân nhân Nga vẫn còn hoạt động ngầm ở Syria, ở một mức độ nhỏ.

Oleg Popikov, 53 tuổi, nay là giám đốc một nhà máy quốc phòng ở Bishkek (thủ đô Kyrgyzstan) từng là đại úy quân đội Liên Xô. Năm 1990, ông là người đầu tiên được đưa đến Syria.

Trong 4 năm, ông là cố vấn quân sự cho quân đội Syria ở thành phố Deraa (tây nam Syria).

Ông cho biết vai trò của ông là huấn luyện một đơn vị tên lửa phòng thủ Syria được trang bị tên lửa Nga. Popikov được trao tặng một huy chương quân sự Syria, nhưng ông không hề chứng kiến chuyện chiến sự.

Tại LX, nhiệm vụ của ông không được công khai thừa nhận, chỉ được mô tả là “nhiệm vụ đặc biệt”. Popikov, về hưu với hàm đại tá, nói: “Nhưng tôi không giận chuyện đó. Vả lại, lương tôi lĩnh không tệ”.

Ông nói dân thường Syria xem các đơn vị quân Nga là người bảo vệ họ khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài: “Nếu bạn vào một tiệm tạp hóa, họ cho không rau quả, chẳng lấy tiền, để cảm ơn chúng tôi”.

Popikov nói ông vẫn giữ liên lạc với bạn bè kết giao ở Deraa (Syria), trong đó có 2 người mà ông nghe tin đã chết hồi tháng 10 này, khi họ đánh nhau với quân khủng bố Hồi giáo IS.

Chủ trương cũ hồi sinh

Cựu quan chức ngoại giao Akopov nói chủ trương hợp tác chặt chẽ với các nước Ả Rập của Liên Xô là một cách phản ứng với Mỹ trong cuộc Chiến tranh lạnh.

Lúc đó, Liên Xô không thể làm ăn với phương Tây nên phải tìm các đối tác thương mại ở Trung Đông. Và Điện Kremlin cung cấp vũ khí cho các chính phủ Ả Rập, để thuyết phục họ đừng cho các nước phương Tây đặt căn cứ quân sự, theo ông Akopov.

Chủ trương ấy được hủy khi Tổng thống Nga Boris Yeltsin nắm quyền lực, Moscow nhận định thời đối đầu với Mỹ đã kết thúc.

Nhưng ông Akopov nói chủ trương cũ nay sống lại, vì căng thẳng thời Chiến tranh lạnh lại diễn ra, Nga lại bị quốc tế cô lập.

Ông nói: “Ông Putin biết chuyện này. Ông ấy không muốn đối đầu với phương Tây, nhưng ông ấy tin tưởng Nga phải mạnh mẽ để người ta phải biết đến Nga”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ Liên Xô với các nước Ả Rập giảm, ông Akopov có ra tờ báo Bil-Amal (tiếng Ả Rập nghĩa là “Với Hy vọng”).

Ông nói cái tên này nhằm đề cập niềm hy vọng, rằng sẽ có ngày, quan hệ Nga - khối Ả Rập được tái lập. Ông bảo: “Nay niềm hy vọng ấy đã thành hiện thực, vì chúng tôi đã trở lại”.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT

TIN NỔI BẬT SOHA

AI "giá rẻ" của Trung Quốc làm Thung lũng Silicon chao đảo: Đòn khắc chế Bắc Kinh của Mỹ vô hiệu?

AI "giá rẻ" của Trung Quốc làm Thung lũng Silicon chao đảo: Đòn khắc chế Bắc Kinh của Mỹ vô hiệu?

27/01/2025 12:15

Theo WSJ, điều này cho thấy những hạn chế xuất khẩu của Mỹ đang gặp khó khăn trong việc ngăn chặn những tiến bộ nhanh chóng ở Trung Quốc.

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top