“Kế hoạch Marshall” cho Ukraine: Thực tế hay ảo vọng?

Đào Cảnh |

Trong thời gian gần đây, giới chức Đức, quốc gia được coi là “đầu tàu” EU liên tục đưa ra những tuyên bố chính trị quan trọng về việc thực hiện một “kế hoạch Marshall” cho Ukraine.

Nếu như kế hoạch này được thực hiện, Ukraine có thể sẽ nhận được những đầu tư rất lớn. Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai thực hiện kế hoạch này vẫn còn gặp nhiều thách thức và hầu như chỉ là “ảo vọng”.

“Kế hoạch Marshall” mới dành cho Ukraine

Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ “Ngày nay”, nghị sỹ Karl-GeorgVelman, Chủ tịch Nhóm hữu nghị Đức - Ukraine trong Quốc hội Đức đã cho biết, Đức đang soạn thảo một kế hoạch có thể gọi là “Kế hoạch Marshall” mới nhằm phát triển Ukraine, hướng tới đưa Ukraine hội nhập vào Liên minh châu Âu (EU).

Trả lời câu hỏi rằng liệu có thể nói châu Âu đang quá mệt mỏi vì các vụ tham nhũng và bê bối chính trị ở Ukraine thời gian gần đây, Karl-GeorgVelman chỉ trả lời ngắn gọn rằng: “Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra”.

Theo Karl-Georg Velman, chính những gì đang xảy ra ở Ukraine khiến Đức quyết định soạn thảo kế hoạch mới để phát triển Ukraine. “Chúng tôi đang làm việc để xây dựng chiến lược mới nhằm cùng với người Ukraine ổn định hóa tình hình Ukraine.

Cùng với đó, các nỗ lực to lớn hơn về kinh tế và chính trị sẽ là các biện pháp bổ sung cho hiệp định gia nhập EU của Ukraine. Chiến lược này hiện vẫn đang trong giai đoạn soạn thảo nên vẫn chưa thể trở thành chính sách chính thức” - Karl-Georg Velman tuyên bố.

Theo Karl-GeorgVelman, nếu như “Kế hoạch Marshall” này đi vào hoạt động thì phía Đức sẽ là bên duy nhất chịu trách nhiệm kiểm soát việc thực hiện kế hoạch này.

“Châu Âu – đó là số phận của Ukraine. Tuy nhiên trước hết, các bạn cần phải làm tốt các công việc của mình như những gì người Ba Lan đã làm trước khi ký kết các hiệp ước gia nhập EU từ hơn 20 năm trước”- Karl-Georg Velman tiết lộ.

Cơ hội thành công không nhiều

Theo giới phân tích, cơ hội của cái gọi là “Kế hoạch Marshall” mà Đức đang soạn thảo dành cho Ukraine nhằm thay đổi những gì thực tế ở Ukraine hiện nay là không nhiều.

“Hiện đã có nhiều người nói về “kế hoạch Marshall” và trên thực tế chúng ta cũng đã tiếp nhận nhiều kế hoạch tương tự.

Trong năm 2014, Ukraine cũng đã thông qua một bản kế hoạch cũng được gọi là “kế hoạch Marshall”, trong đó nhấn mạnh giới doanh nghiệp Ukraine và EU sẽ đoàn kết với nhau.

Chúng ta đã có dự án khôi phục Ukraine, các dự án tiến hành các cuộc cải cách mới. Tuy nhiên trên thực tế, tất cả mới chỉ dừng lại ở dạng băng rôn khẩu hiệu mà chẳng có gì tiến triển”- chuyên gia kinh tế Ukraine Aleksandr Okhrimenko nhấn mạnh.

Giới phân tích đánh giá rằng không loại trừ khả năng trong bối cảnh người dân và giới doanh nghiệp Ukraine đã chán nản về các khả năng liên kết với EU, Berlin đang cố gắng “ép” Ukraine mơ về sự hợp tác và trợ giúp từ EU.

Việc đưa ra những tuyên bố về “Kế hoạch Marshall” mới có thể là động thái thực hiện mục đích này.

Theo Giám đốc Viện Phân tích chính trị và các mối quan hệ quốc tế Ukraine Sergey Tolstov, ý tưởng về kế hoạch trên có thể có những tác động tích cực lên bối cảnh tình hình Ukraine hiện nay.

Tuy nhiên, Tolstov cũng cho rằng việc thực hiện kế hoạch này sẽ vấp phải nhiều cản trở.


Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Ukraine Poroshenko.

Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Ukraine Poroshenko.

Trước hết, chưa chắc kế hoạch kiểu này sẽ được các thành viên Chính phủ Đức ủng hộ. Hơn nữa, thực trạng nạn tham nhũng đang tràn lan trong các cơ quan nhà nước Ukraine sẽ là yếu tố cản trở mạnh mẽ việc thực hiện kế hoạch này.

Tolstov hiện đang nghiêng về khả năng phía Đức đang có dự án chính trị nào đó vì hiện cả EU và Mỹ đều đang rất quan ngại trước sự kiện chính phủ Thủ tướng Yatsenuk vẫn vượt qua được vòng bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội vừa qua, cho dù bị chỉ trích mạnh mẽ về hiệu quả hoạt động.

Chính vì vậy, việc Đức đưa ra các tuyên bố liên quan đến “kế hoạch Marshall” nào đó, theo Tolstov, chỉ là tín hiệu cho Ukraine thấy rằng phía phương Tây dù sao vẫn có kế hoạch trợ giúp Ukraine.

Còn việc triển khai thực hiện kế hoạch này như thế nào thì hiện vẫn chưa có bất cứ cơ sở nào để khẳng định rằng kế hoạch sẽ được triển khai.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ukraine và Belarus thuộc trường Đại học Tổng hợp MGU của Nga - Bogdan Beznalko cho rằng những tuyên bố về “kế hoạch Marshall” nào đó cho Ukraine ở thời điểm này là khá lạ lẫm.

Nguyên nhân là do cả Đức và các quốc gia EU khác đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bất ổn về tài chính. Hơn nữa, ngay trong nội bộ EU cũng có hàng loạt các quốc gia đang cần vào kế hoạch tương tự như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italia, Tây Ban Nha và các quốc gia Đông Âu khác.

“Trong bối cảnh hiện nay rất khó để nói rằng Đức sẽ chi ra một số lượng tiền không nhỏ cho Ukraine. Có thể nghị sỹ Đức chỉ đề cập đến khả năng sẽ mua các trái phiếu của Ukraine và bằng cách này đầu tư tiền vào nền kinh tế Ukraine.

Điều này có thể liên quan đến những tuyên bố mới đây của Thủ tướng Ukraine Yatsenuk về khả năng sẽ bán 1 triệu ha đất của Ukraine. Trên thực tế tôi không thấy có bất cứ cơ sở nào để soạn thảo một “Kế hoạch Marshall” mới cho Ukraine”- Bogdan Beznalko nhấn mạnh.

Ngoài ra, khả năng người Đức sẵn sàng cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD để phát triển nền kinh tế Ukraine trong bối cảnh bản thân đang phải đối mặt với nhiều thách thức là điều khó có thể xảy ra.

Theo Bogdan Beznalko, việc khôi phục kinh tế Ukraine sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu như thay đổi giới lãnh đạo chính trị hiện nay bằng lực lượng có thể cân bằng quan hệ với cả phương Đông và phương Tây.

Được biết, “Kế hoạch Marshall” là tên gọi của kế hoạch do Mỹ áp dụng trong quan hệ với châu Âu hậu chiến tranh. Đây là chương trình trợ giúp có thời hạn trong 4 năm (từ 1948-1951), theo đó Mỹ cung cấp cho các nước châu Âu hơn 13 tỷ USD (tương đương với 125 tỷ USD nếu tính theo tỷ giá năm 2014).

Trong số các nước châu Âu, Anh, Pháp, Italia, Tây Đức và Hà Lan là các quốc gia nhận được nhiều nhất số tiền viện trợ này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại