JoongAng: Hàn Quốc có "loại trừ" Kim Jong Un cũng vô nghĩa

Hải Võ |

Trong giai đoạn quan hệ Hàn-Triều căng thẳng năm 2015, giới chức quân đội Hàn Quốc từng tính đến phương án tiến hành chiến dịch "loại trừ" nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Hàn Quốc muốn "thanh trừng" Kim Jong Un?

Tờ JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) ngày 26/2 cho hay, chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye khi mới lên nắm quyền 3 năm trước từng đề ra "lộ trình tin tưởng bán đảo" nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên.

Tuy nhiên, cho đến nay giả thuyết "Triều Tiên sụp đổ" đang lấn át lộ trình tin tưởng và trở thành nền tảng cốt lõi trong chính sách của chính phủ Hàn Quốc đối với Bình Nhưỡng.

"Thuyết Triều Tiên sụp đổ" của Tổng thống Park đã có nhiều thay đổi nhanh chóng chỉ trong một năm qua, từ "Triều Tiên sẽ sụp đổ" diễn biến thành "ép Triều Tiên đến sự sụp đổ".

Theo JoongAng, đây là lần thứ 4 dự đoán về sự kết thúc của Triều Tiên được đưa ra, sau sự kiện Liên Xô tan rã 1991, lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành qua đời năm 1994 và Mùa xuân Arab 2010-2011.

Hơn nữa, tờ này chỉ ra, trong 3 lần trước đó chính phủ Hàn Quốc chỉ thể hiện "kỳ vọng" rằng Triều Tiên sẽ tan rã chứ chưa từng nhúng tay để thúc đẩy giả thuyết đó thành sự thật.

Nhưng thái độ của Seoul đã hoàn toàn khác sau vụ Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom khinh khí hôm 6/1 và phóng tên lửa tầm xa ngày 7/2 vừa qua.

Bên cạnh quyết định đóng cửa khu công nghiệp Kaesong và sẵn sàng thảo luận với Mỹ việc bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, bà Park tuyên bố trong bài diễn văn trước Quốc hội Hàn Quốc ngày 16/2 rằng sẽ thúc đẩy chính quyền Triều Tiên sụp đổ.

"[Chính quyền Seoul] sẽ dốc sức để Triều Tiên phải đau đớn nhân ra rằng, phát triển hạt nhân chẳng những không giúp duy trì chính quyền, mà ngược lại sẽ làm tăng tốc quá trình tan rã," Tổng thống Hàn Quốc nói.

Tuyên bố cứng rắn này đánh dấu sự thất bại của sáng kiến "thống nhất đại lợi" mà bà Park nêu ra đầu năm 2014, cũng như phương châm "thông qua tiếp xúc thúc đẩy thay đổi" mà bà nói tại Dresden, Đức tháng 3 cùng năm.

Khi quan hệ Hàn-Triều căng thẳng trở lại trong năm 2015, đỉnh điểm là vụ đấu pháo ở biên giới ngày 20/8, Bộ quốc phòng Hàn Quốc thậm chí từng tính đến phương án "chiến dịch chặt đầu" nhằm loại bỏ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - JoongAng cho hay.

Đây là phương án mô phỏng chiến dịch tấn công Iraq năm 2003 của Washington. Quân đội Mỹ khi đó căn cứ theo chỉ dẫn "tập trung hỏa lực nhằm vào trung tâm sức mạnh đối thủ" của Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld và loại trừ Tổng thống Saddam Hussein.

Đáp trả tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Park Geun Hye, tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên - ngày 21.2 đã gọi bà là “con quỷ giết người” và “một bà lão suy nhược” định lật đổ chính quyền Triều Tiên.


Hàn Quốc khó đánh bại Triều Tiên chỉ bằng chiến thuật đánh đổ Kim Jong Un. (Ảnh minh họa)

Hàn Quốc khó đánh bại Triều Tiên chỉ bằng chiến thuật "đánh đổ Kim Jong Un". (Ảnh minh họa)

Khả năng "thuyết Triều Tiên sụp đổ" xảy ra?

JoongAng Ilbo cho rằng, chính phủ Hàn Quốc muốn "đặt dấu chấm hết" cho chính quyền Bình Nhưỡng thì cần phải tạo ra các cuộc biểu tình tương tự Mùa xuân Arab 2010-2011 ở các quốc gia Trung Đông.

Song tờ này thừa nhận, tình hình hiện nay ở Triều Tiên không tồn tại các điều kiện cần để làm nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn của đám đông.

Số lượng điện thoại di động được sử dụng ở Triều Tiên cần phải tăng từ 3.700.000 chiếc như hiện nay lên ít nhất 10.000.000 chiếc thì Hàn Quốc mới "có khả năng thúc đẩy sự kiện như trên".

Ngoài ra, chính Mỹ và Hàn Quốc phải thừa nhận việc quân hàm của các tướng lĩnh lãnh đạo quân đội Triều Tiên "lên xuống thất thường", trong khi các vụ thanh trừng quan chức cấp cao thi thoảng xảy ra bất ngờ khiến phương Tây khó hy vọng vào sự lung lay quyền lực của ông Kim Jong Un.

Hàn Quốc muốn ra tay "đẩy Triều Tiên đến sụp đổ" có khả thi?

Tờ báo Hàn Quốc bình luận, trừ trường hợp Seoul phát động chiến tranh trở lại, quốc gia này không có cách nào khác để đạt được mục đích như bà Park Geun Hye đã nói.

Nhưng giải pháp chiến tranh không chỉ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân Hàn Quốc, mà đồng minh không thể thiếu của Seoul trong cuộc chiến là Mỹ càng không có được sự ủng hộ trong nước về việc tái can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Trung Quốc là nhân tố buộc phải tính đến - JoongAng Ilbo nêu ra.

Mặc dù trên lý thuyết, chiến tranh hiện đại có thể khiến gia tộc họ Kim mất đi quyền lực ở Triều Tiên, nhưng nếu điều này dẫn đến hệ quả là Hàn Quốc "thu dọn tàn cuộc" để thống nhất bán đảo thì Bắc Kinh sẽ không khoanh tay đứng nhìn.

Đối với Trung Quốc mà nói, Triều Tiên - với vai trò "vùng đệm" không thể thiếu trong cơ cấu đối đầu Mỹ-Trung - mang giá trị chiến lược hết sức to lớn.

Do đó, dù "thuyết Triều Tiên sụp đổ" được chính phủ Hàn Quốc diễn biến theo xu hướng can thiệp hay không thì nó cũng không có được cơ sở thực tế.

"Việc 'loại bỏ' ông Kim Jong Un không có nghĩa là CHDCND Triều Tiên sẽ tự động tan rã, ngay cả khi chính quyền Triều Tiên sụp đổ thì điều có cũng không đồng nghĩa Hàn Quốc có thể một tay thực hiện thống nhất.

Khi đó vẫn còn vấn đề với sự can thiệp của Liên Hợp Quốc," JoongAng viết.


Trung Quốc là bên duy nhất có khả năng chặn đường sống của nền kinh tế Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tại Đại lễ dường nhân dân Bắc Kinh ngày 2/9/2015)

Trung Quốc là bên duy nhất có khả năng "chặn đường sống" của nền kinh tế Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tại Đại lễ dường nhân dân Bắc Kinh ngày 2/9/2015)

Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đi đến nhận thức chung trong cuộc hội đàm tại Washington D.C. về nghị quyết trừng phạt "nghiêm khắc nhất trong lịch sử" đối với Bình Nhưỡng.

Các biện pháp trừng phạt được quyết định sẽ hạn chế mậu dịch đối ngoại của Triều Tiên như xuất khẩu khoáng sản, đồng thời cấm cung cấp cho nước này các nhiên liệu có thể dùng cho máy bay quân sự.

Theo đánh giá của các chuyên gia Hàn Quốc, thỏa thuận Mỹ-Trung cho thấy "số phận" Triều Tiên vốn không nằm trong tay Seoul mà phụ thuộc vào thái độ của Bắc Kinh và Washington.

Mậu dịch với Trung Quốc chiếm đến 90% quy mô thương mại của Triều Tiên, trong đó tài nguyên khoáng sản là mặt hàng xuất khẩu quan trọng hàng đầu.

Nếu Bắc Kinh hành động đúng theo những gì thỏa thuận với Mỹ và triển khai cấm vận Bình Nhưỡng ở lĩnh vực này thì đây có thể coi là "đòn chí mạng" đối với chính quyền của ông Kim Jong Un, buộc phải trở lại bàn đàm phán.

Do đó, JoongAng phân tích, thay vì loay hoay tìm cách hiện thực hóa "thuyết Triều Tiên sụp đổ", chính phủ của Tổng thống Park Geun Hye nên đặt trọng tâm chiến lược vào việc hỗ trợ Mỹ và Trung Quốc duy trì hợp tác trong chiến lược đối với Triều Tiên.

Nếu Seoul thay đổi theo hướng này thì đây sẽ là thắng lợi chiến lược của Bắc Kinh trước Mỹ-Hàn, bởi Trung Quốc vẫn tuyên bố trừng phạt chỉ là công cụ để theo đuổi mục tiêu đưa Triều Tiên trở lại Đàm phán 6 bên, vốn là sáng kiến của nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại