Khi xưa, Israel từng có nhiều năm thái độ thù địch đối với Liên Xô, bởi khi đó Liên Xô cung cấp cho quân đội các nước Arab, trong đó có Syria, rất nhiều tàu chiến, máy bay, vũ khí, đạn dược, và trang thiết bị quân sự. Syria cũng nhận được hỗ trợ kinh tế và phụ thuộc rất nhiều vào Liên Xô.
Hiện tại, quan hệ Nga-Israel đã cải thiện đáng kể dù hai bên có quan điểm hoàn toàn trái ngược về Iran. Nga nhiều khả năng sẽ cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho Iran, gây khó dễ cho Israel nếu nước này có ý định không kích kho lưu trữ hạt nhân của Tehran.
Nay, với việc Nga bắt đầu tiến hành không kích tại Syria sau khi Vladimir Putin và Benjamin Netanyahu đã có một cuộc gặp mặt trực tiếp tại Moscow, giới chức Israel đang cho thấy những động thái muốn hợp tác với Nga trong chiến dịch của điện Kremlin tại Trung Đông.
Nhà nước Do Thái có nhiều lý do để làm như vậy.
Vì sao Israel muốn hợp tác?
Về mặt chính trị, Nga và Iran đều ủng hộ Bashar al-Assad chống lại IS. Israel cũng không ưa gì al-Assad, nhưng rõ ràng họ không muốn al-Assad bị lật đổ để rồi IS hoành hành tại Syria. Nga và Israel thì đều muốn tiêu diệt hoàn toàn hoặc chí ít là làm suy yếu IS.
Kẻ thù của kẻ thù là bạn, do đó Israel nhận thấy họ hoàn toàn có thể hợp tác với Nga chống "thù chung" IS, mặt khác tránh va chạm không đáng có giữa quân đội hai nước tại Syria.
Tất nhiên, ông Netanyahu cũng phải nói trước với Nga rằng quân đội Israel sẽ tiếp tục hoạt động tại Syria, đặc biệt là trong các nhiệm vụ cắt nguồn viện trợ vũ khí cho Hezbollah.
Theo các nguồn tin từ Israel, dù Nga vẫn hợp tác với Hezbollah và Iran trong việc bảo trợ chính phủ al-Assad, ông Netanyahu tỏ ra hài lòng với việc sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria sẽ không góp phần tăng cường sức mạnh cho Hezbollah.
Theo phân tích của tờ Times of Israel, Nhà nước Do Thái đang thu về những lợi ích quý giá từ mối quan hệ "lâu dài và khéo léo" với Nga.
Cụ thể, lãnh đạo Israel đã từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine và Gruzia dù nhiều lần đồng minh Mỹ kêu gọi, thậm chí là gây áp lực. Ngoài ra, Israel cũng để yên cho Nga hoạt động tại biên giới, trong đó có việc tu dưỡng căn cứ tình báo GRU trên cao nguyên Golan.
Vào thời điểm này, Mỹ vẫn là đồng minh số một của Israel, dù quan hệ giữa ông Netanyahu và Tổng thống Barack Obama chẳng lấy gì làm mặn mà. Nhưng Nhà nước Do Thái thừa hiểu rằng, họ cần đa dạng hóa các mối quan hệ của mình.
Ngoài việc thân thiết hơn với Nga, Israel cũng đã cải thiện quan hệ với các thế lực trong khu vực như Ai Cập và Saudi Arabia, và xa hơn nữa là bắt tay với Ấn Độ và Nhật Bản. Khi mà tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông đang giảm từng ngày, những gì Israel đang làm là hết sức cần thiết.
Israel có thể giúp gì cho Nga, và ngược lại?
Dù chắc chắn hai bên sẽ không thiết lập một liên minh quân sự, nhưng điều đó không có nghĩa Israel không thể giúp ích gì cho Nga trong chiến dịch của điện Kremlin.
Điển hình là Israel có thể cung cấp cho Nga thông tin tình báo về các nhóm vũ trang Syria có khả năng sẽ tấn công căn cứ của Nga. Dù Nga cũng tương đối "quen" với Syria, nhưng họ không thể nắm được địa hình tại đây tốt bằng một "thổ địa" như Israel.
Đổi lại, Israel có thể nhờ Nga dùng tầm ảnh hưởng của mình để ngăn cản việc al-Assad chuyển vũ khí cho Hezbollah tại Lebanon, cũng như ngăn cản Iran và Hezbollah công kích Israel trên cao nguyên Golan.
Vì tất cả những lý do trên, khả năng Israel đóng vai "kì đà cản mũi" đối với Nga tại Syria nói riêng hay Trung Đông nói chung là gần như không thể xảy ra.