Phần 1: IS thật sự muốn gì? 2 hiểu nhầm cơ bản về Nhà nước Hồi giáo tự xưng
Phần 2: IS thật sự muốn gì? Lòng sùng đạo và Ngày Tận thế
Nếu muốn tìm một "điểm sáng" trong tư tưởng sùng đạo của IS, thì theo nhà báo Wood, đó là việc phương Tây có thể dựa vào đó mà phán đoán được phần nào đường đi nước bước của tổ chức này.
Khi còn cầm đầu al-Qaeda, Bin Laden gần như không bao giờ để "lộ bài". Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của mình trên truyền hình (trước vụ 11/9), phóng viên đã hỏi Bin Laden về kế hoạch tương lai của hắn. Trùm khủng bố đáp lại: "Sau này anh xem truyền hình hay đọc báo sẽ biết..."
Ngược lại, IS không hề giấu giếm ý đồ của mình. Tất nhiên không phải kế hoạch nào tổ chức này cũng công khai, nhưng đủ để tình báo phương Tây nắm bắt được cách thức hoạt động của IS, đương nhiên là nếu họ hiểu được những thông điệp ẩn trong đó, như đã nói ở phần 2 của loạt bài.
Với IS, việc tuyên chiến để mở rộng nhà nước Hồi giáo là nhiệm vụ cơ bản của caliph, tức Baghdadi. Luật lệ Hồi giáo chỉ cho phép hiệp ước hòa bình kéo dài không quá 1 thập kỉ. Tương tự, chấp nhận chia đường biên giới bị coi là điều cấm kị.
Một caliph sẽ bị quy tội nếu chấp nhận hòa bình lâu dài hoặc đường biên giới cố định. Hiệp ước hòa bình có thể được tái lập sau khi hết hạn 1 thập kỉ, nhưng không được phép áp dụng với mọi kẻ địch cùng một lúc. Caliph phải khởi xướng phong trào thánh chiến ít nhất 1 lần mỗi năm.
"Caliph không được phép lơi là, nếu không ông ta sẽ phạm tội (sin)" - nhà báo Wood viết.
Một số tổ chức cực đoan khác như Anh em Hồi giáo (Ai Cập) hay Hamas (Palestine) đã phải thay đổi hướng đi để phù hợp với xu thế chính trị thế giới, với mục tiêu hướng tới một ghế tại Liên Hiệp Quốc. Ngay cả Taliban cũng đã tìm đến những biện pháp ngoại giao như trao đổi đại sứ quán với Saudi Arabia, Pakistan, hay UAE.
Nhưng trong mắt IS, tất cả những điều trên không phải là lựa chọn, mà là những hành vi phản giáo.
Những sai lầm của Mỹ
Theo ông Wood, Mỹ và đồng minh đã phản ứng quá chậm trước cơn khủng hoảng mang tên IS. Tổ chức này đã nhen nhóm ý định và công khai đường lối dự kiến của mình trên mạng xã hội từ năm 2011. Khi đó, phát ngôn viên IS Adnani đã nói với những tín đồ đầu tiên của phong trào rằng: "Mục tiêu của IS là tái sinh vương quốc Hồi giáo; Tận thế đã đến rất gần".
Tháng 4/2013, Adnani tuyên bố phong trào đã "sẵn sàng kéo thế giới trở lại đường lối của Nhà tiên tri". 4 tháng sau, hắn nói: "mục tiêu của chúng ta là thiết lập một nhà nước Hồi giáo không công nhận biên giới các nước, mà chỉ công nhận đường lối của Nhà tiên tri".
Bấy giờ, IS đã chiếm được Raqqa, một thành phố với khoảng 500.000 người, và đã "tẩy não" được rất nhiều phần tử cực đoan từ nước ngoài về đầu quân. Nhưng Mỹ và phương Tây gần như vẫn chưa có phản ứng gì.
Theo ông Wood, nếu Mỹ xác định được ý đồ của IS sớm hơn, và nhận ra rằng khoảng trống quyền lực tại Syria và Iraq sẽ là nơi "nuôi dưỡng" mầm mống khủng bố, thì có lẽ Washington đã có thể thúc đẩy Iraq thắt chặt biên giới với Syria hoặc thỏa thuận trước với người Sunni ở nước này.
Làm như vậy thì chí ít ra Mỹ đã có thể kiểm soát phần nào cỗ máy tuyên truyền của IS sau khi tổ chức này tuyên bố thành lập vương quốc Hồi giáo và thanh thế của chúng sau khi chiếm được Mosul. Vậy nhưng khi đó, Tổng thống Obama, với một giọng điệu coi thường mà có lẽ bây giờ ông đang hối hận, vẫn gọi IS là "đàn em của al-Qaeda".
Việc cứng đầu không thừa nhận sự khác biệt giữa IS với các tổ chức cực đoan khác như al-Qaeda đã dẫn tới những quyết sách sai lầm nguy hiểm. Ví dụ như năm ngoái, chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch cứu sống Peter Kassig*, và thất bại thảm hại.
Theo kế hoạch, Mỹ đã mượn tay "bộ não" của al-Qaeda là Maqdisi** để tiếp cận Turki al-Binali, nhà tư tưởng số một của IS và cũng là học trò khi xưa của Maqdisi, qua đó nhờ Binali can thiệp ngăn cản vụ hành hình ông Kassig.
Khi đó, Maqdisi đang sống ở Jordan, nhưng bị chính phủ nước này kiểm soát liên lạc nghiêm ngặt. Sau khi Jordan cho phép Mỹ sử dụng Maqdisi làm trung gian, tên này đã được Mỹ cấp cho một chiếc điện thoại để trao đổi với Binali trong một vài ngày.
Nhưng sau đó, chính phủ Jordan lại sử dụng những đoạn hội thoại giữa hai "thầy trò" này làm bằng chứng để... bỏ tù Maqdisi, còn Kassig thì bị hành hình.
Trên thực tế, điều này cũng không có gì ngạc nhiên. Maqdisi thường xuyên bị các phần tử ủng hộ IS chế giễu trên mạng xã hội Twitter, còn al-Qaeda cũng chịu chung số phận vì không chịu thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Hồi giáo.
Cole Bunzel, một học giả nghiên cứu tư tưởng Hồi giáo, thậm chí còn cho rằng việc "được" Maqdisi can thiệp xin tha có lẽ còn khiến tù nhân... chết nhanh hơn. "Nếu tôi mà bị IS bắt giữ và Maqdisi lên tiếng xin tha cho tôi, thì coi như đời tôi tàn rồi" - ông nói.
Cái chết của Kassig quả thực là một thảm kịch, nhưng sự thật là nếu ông được cứu sống với kế hoạch của Mỹ, thì có lẽ một thảm kịch lớn hơn đã xảy ra. Vì nếu Maqdisi và Binali tìm được tiếng nói chung, điều đó cũng đồng nghĩa với việc al-Qaeda và IS, hai tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới, đã xích lại gần nhau.
Theo nhà báo Wood, cũng có khả năng chính phủ Mỹ muốn tận dụng cơ hội này để lấy tin tình báo từ Binali, hay thậm chí thủ tiêu tên này, còn việc giải cứu Kassig chỉ là nhiệm vụ bên lề.
Nhưng dù thế nào đi nữa, thì quyết định của Mỹ suýt chút nữa đã mở đường cho hai tổ chức khủng bố lớn nhất hành tinh hòa giải với nhau. Điều này cho thấy sự thiển cận một cách đáng kinh ngạc của Washington.
Vậy phải làm gì với IS?
Ông Wood nhận định, một cách để dập tắt IS là tổng tấn công vào các địa phận ở Syria và Iraq mà tổ chức này đang chiếm đóng. Rất khó để loại bỏ hoàn toàn al-Qaeda vì tổ chức này không có lãnh địa cố định mà gieo rắc mầm mống trên toàn cầu.
Nhưng IS thì khác, một Nhà nước không thể tồn tại nếu mất đi lãnh thổ của mình, nó không thể hoạt động ngầm như al-Qaeda. Các phong trào nhỏ lẻ vẫn có thể xuất hiện đâu đây, nhưng hình thức tuyên truyền về sự tái sinh của vương quốc Hồi giáo sẽ trở nên vô hiệu khi IS không còn sở hữu bất kì một mảnh đất nào.
Như đã nói trong phần 2 của bài viết, IS luôn "ngày đêm ngóng chờ" trận chiến sinh tử tại Dabiq. Qua đó có thể hiểu rằng tổ chức này tập trung rất nhiều nguồn lực tại đây. Nếu các nước phương Tây có thể đánh dẹp IS tại thành phố này, Nhà nước Hồi giáo nhiều khả năng sẽ không bao giờ có thể gượng dậy được.
Tuy vậy, những rủi ro leo thang đi kèm với một chiến dịch tổng lực là vô cùng to lớn. Đơn giản bởi vì phe ủng hộ Mỹ đổ bộ tới Iraq và Syria nhất chính là... IS. Những đoạn video man rợ rõ ràng được làm ra với mục đích gây hấn để dụ Mỹ lấn sâu vào cuộc chiến.
Nếu Mỹ tiến đánh IS, đây sẽ là một chiến thắng về mặt tuyên truyền cho tổ chức này. Chúng sẽ gọi đây là một cuộc thập tự chinh phiên bản hiện đại, và lợi dụng điều đó để kêu gọi các phần tử Hồi giáo cực đoan trên toàn cầu về đầu quân.
Thêm vào đó, thất bại trong những chiến dịch can thiệp quân sự quy mô lớn trước đây của Mỹ tại Trung Đông, cộng với sự thật rằng sự trỗi dậy của IS một phần chính là do Mỹ đã để lại khoảng trống quyền lực tại Iraq, cũng khiến Washington không khỏi "sởn gai ốc" khi nghĩ đến hậu quả của một thất bại nữa tại đây.
Với những gì ta đã biết về IS, tiếp tục áp dụng chiến tranh ủy nhiệm và các đợt không kích xem ra là lựa chọn tối ưu trong một mớ những "hạ sách" tại Trung Đông. Người Kurd cũng như người Shiite sẽ không đời nào có thể kiểm soát cả một khu vực Sunni rộng lớn tại Syria và Iraq, và họ cũng chẳng muốn làm vậy.
Nhưng hai phe này có thể góp phần kiểm soát sự bành trướng của IS, và dần dần khi Nhà nước Hồi giáo không thể mở rộng lãnh thổ như những gì chúng tuyên truyền, và phong trào dưới tên Nhà tiên tri Muhammad sẽ ngày một mất đi độ tin cậy.
Đương nhiên, việc để IS tồn tại sẽ có cái giá của nó. Nhưng ngoài vụ khủng bố tại Paris mới đây, mối đe dọa IS đối với Mỹ và phương Tây nhỏ hơn rất nhiều so với những gì al-Qaeda đã làm. Bản chất tư tưởng của IS tập trung vào những kẻ địch gần mình hơn là các nước phương Tây.
Ưu tiên của IS có thể thấy qua lời dặn dò Baghdadi gửi tới các phần tử IS trên lãnh thổ Saudi Arabia năm ngoái: "Hãy xử lý rafida (người Shiite) trước, rồi đến al-Sulul (những người Sunni trong chính phủ Saudi Arabia), sau đó mới đến những kẻ thập tự chinh và căn cứ của chúng".
Theo nhà báo Wood, nếu không thể bành trướng, IS nhiều khả năng sẽ tự đào mồ chôn mình. Tổ chức này không có đồng minh vì tư tưởng siêu cực đoan của chúng. Những mảnh đất mà chúng sở hữu, tuy lớn về diện tích, nhưng tương đối khô cằn và ít tài nguyên.
Nếu cứ giậm chân tại chỗ như vậy, những tuyên bố viển vông về sự hồi sinh của vương quốc Hồi giáo hay tuyền truyền về Ngày Tận thế của chúng sẽ dần mất giá trị, và ngày càng ít người tin vào những "lời hay ý đẹp" của tổ chức này hơn.
Dẫu vậy, "cái chết" của IS khó có thể đến nhanh được, và viễn cảnh khủng khiếp khi IS bắt tay với al-Qaeda, dù khó xảy ra, nhưng vẫn còn hiện hữu. Có điều, một cuộc tấn công tổng lực trên bộ nhắm vào tổ chức này sẽ còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
---
Tóm lại, sẽ thật thiển cận khi nói chung chung rằng IS là "một vấn đề của Hồi giáo". Với một tôn giáo có bề dày lịch sử và hơn 1,5 tỉ tín đồ cùng hàng chục giáo phái khác nhau, Hồi giáo cho phép quá nhiều cách tiếp cận khác nhau, và cách tiếp cận cực đoan mà IS lựa chọn là một trong số đó.
Mặt khác, cũng không thể nói rằng IS "phi Hồi giáo" như nhiều người vẫn nói để tránh gây tranh cãi tôn giáo cũng như để bảo vệ những tín đồ chân chính. Bản chất tư tưởng của tổ chức này thực ra cực nặng lý thuyết Hồi giáo, những hành vi man rợ phi nhân tính mà chúng áp dụng thực chất cũng xuất hiện trong kinh Qur'an, chỉ có điều là khác biệt về mặt thời thế mà thôi.
Nói cách khác, không giống như al-Qaeda, IS không dùng Hồi giáo như một lớp vỏ bọc cho ý đồ chính trị nào cả. Các phần tử khủng bố này thực sự sùng đạo đến mức kinh ngạc, và các lãnh đạo của chúng là những tín đồ bảo thủ với hiểu biết cực kì sâu rộng về Hồi giáo.
Với Mỹ và phương Tây, việc IS quyết tâm coi việc biến những lời tiên tri về sự tái sinh của vương quốc Hồi giáo thành sự thật như một tôn chỉ hoạt động của tổ chức chí ít cũng sẽ giúp họ nắm được phần nào đường đi nước bước của tổ chức này.
Trong công cuộc chống lại IS, các biện pháp tư tưởng có thể sẽ thuyết phục được một vài phần tử "quay đầu là bờ"; những đợt không kích có thể sẽ giúp hạn chế sự bành trướng của chúng.
Còn để loại bỏ hoàn toàn IS lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Nhân loại có lẽ sẽ chưa thể nhìn thấy cái kết này trong ngày một ngày hai, nhưng với một tổ chức sùng đạo vượt qua mọi ranh giới của sự cực đoan như IS, có lẽ thế lực duy nhất có thể tiêu diệt chúng tận gốc, không ai khác, chỉ có thể là bản thân IS mà thôi...
(hết)
*, **: xem lại phần 2