Thông tin trên được cư dân địa phương và các nhóm nổi dậy cho biết hôm 9-2.
Nhóm thánh chiến IS gần đây đã thất bại liên tục trước lực lượng người Kurd và quân đội chính phủ Syria và buộc phải rút về những ngôi làng phía đông bắc Aleppo.
Và tới nay chúng cũng rút khỏi những ngôi làng này.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết lực lượng IS rút từ Aleppo đã gia nhập lực lượng ở khu vực xa hơn về phía đông và tiếp tục chống trả lực lượng người Kurd và các nhóm nổi dậy khác ở Syria.
Trong khi đó, ít nhất 29 tay súng nhóm Takfiri thuộc IS ở tỉnh Anbar (Iraq) đã bị tiêu diệt trong cuộc giao tranh với quân đội Iraq hôm 9-2 tại khu vực ngoại ô thành phố Baiji ở phía Bắc thủ đô Baghdad.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Iraq Saleh al-Mutlaq lên tiếng khẳng định những đóng góp của liên quân do Mỹ cầm đầu đang giúp Baghdad đẩy lui IS nhưng chưa đủ để đối phó với mối đe dọa do những phần tử cực đoan này gây ra.
Theo tiết lộ của Reuters, Nhà Trắng vào ngày 11-2 sẽ đề nghị Quốc hội trao quyền mới để sử dụng lực lượng chống lại IS.
Hiện Mỹ đang dẫn đầu liên minh quân sự chống IS và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mở chiến dịch không kích từ tháng 8-2014 nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq và Syria.
Tuy nhiên, đề xuất gởi tới Quốc hội vào ngày 11-2 tới là lần đầu tiên chính quyền Obama yêu cầu sự ủy quyền chính thức để sử dụng lực lượng quân sự trong cuộc chiến này.
Sự “chậm trễ” này đã khiến một số thành viên quốc hội lo ngại rằng chiến dịch chống IS đã đi quá giới hạn thẩm quyền của tổng thống.
Tuy nhiên, chính quyền Obama khẳng định chiến dịch đó hoàn toàn hợp pháp, dựa trên quyền đã được thông qua dưới thời Tổng thống George W. Bush về chiến tranh Iraq và cuộc chiến chống al-Qaeda và các nhóm có liên hệ với tổ chức khủng bố này.