Núi lửa Sinabung bắt đầu có dấu hiệu hoạt động trở lại vào năm 2010 và có vẻ “khó chịu” từ hôm 2-6.
Trước năm 2010, ngọn núi lửa này đã ngủ yên suốt hơn 400 năm.
Sự thức tỉnh của nó đã khiến ít nhất 3.000 người sống gần sườn núi phải rời bỏ nhà cửa, trong đó riêng trong ngày 15-6 đã có ít nhất 1.200 người sơ tán.
Các nhà khoa học lo ngại núi lửa Sinabung có thể gây ra nhiều nguy hiểm hơn trong những tuần tới.
Hôm 15-6, ít nhất 28 dòng nham thạch đổ xuống núi với tốc độ cao. Báo giới địa phương mô tả con đường mòn quanh núi biến mất trong dòng chảy dung nham nóng bỏng.
Ông Gede Suantika, một chuyên gia về núi lửa của chính quyền Indonesia, cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy một vòm dung nham đang hình thành trên núi Sinabung. Vòm dung nham là sự tích tụ magma gần miệng núi lửa, chúng đổ vỡ và chảy xuống núi với tốc độ cao.
Giới chức địa phương đã tăng mức cảnh báo nguy hiểm về núi lửa Sinabung lên mức cao nhất hồi đầu hồi đầu tháng, sau khi phát hiện sự gia tăng mạnh trong hoạt động trong lòng núi Sinabung.
Trước đó, ít nhất 14 người thiệt mạng trong vụ phun trào lớn trong tháng 2-2014 tại núi Sinabung.