Học giả Mỹ: Thông điệp Liên bang 2016 của Obama là nỗi thất vọng

Hải Võ |

Nhà sử học người Mỹ Mark Weber đã đưa ra nhận định hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố tự tin và thái độ lạc quan mà Tổng thống Obama thể hiện trong Thông điệp Liên bang 2016.

Ông Weber cho rằng Thông điệp Liên bang 2016 của Obama là sự "ngầm thừa nhận thất bại" trong cam kết về hy vọng và thay đổi khi ông ra tranh cử Tổng thống.

Vào tối thứ Ba (12/1, giờ Mỹ), Tổng thống Barack Obama đã đọc bản Thông điệp Liên bang thứ 7 trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, nhằm đem lại hy vọng cho một quốc gia đang hoang mang và nhắc nhở người dân Mỹ tỉnh táo trong việc lựa chọn ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng.

Mark Weber nói: "Bất chấp những ngôn từ hùng biện bay bổng và bảo đảm rằng nước Mỹ ngày nay 'mạnh mẽ', Thông điệp Liên bang cuối cùng của Tổng thống Obama thực ra là một sự thừa nhận ngầm rằng ông đã thất bại trong việc thực hiện kỳ vọng của hàng triệu người Mỹ.

Ngoài ra, còn là kỳ vọng của nhiều người hơn nữa trên khắp thế giới đối với ông khi ông bước vào Nhà Trắng 7 năm về trước."

"Với kỳ vọng to lớn rằng nhiệm kỳ Tổng thống sẽ mở ra một thời đại mới đầy kịch tính, thời đại mà nhiều người nói là sẽ 'đầy biến chuyển', ông Obama đã được trao giải thưởng có lẽ là danh giá nhất thế giới - giải Nobel Hòa bình, không phải cho những gì ông thực sự làm được, mà như một biểu hiện của lòng tin vào điều ông có thể đạt được."

Weber chỉ ra, như chính Obama đã nêu trong Thông điệp Liên bang cuối cùng của mình, những hy vọng cao xa đã không được thực hiện, ngay cả trong vấn đề quan hệ sắc tộc.

Đây là vấn đề mà mà nhiều người cho rằng ông sẽ xử lý hết sức thành công, căn cứ vào chính nguồn gốc tổ tiên ông (Obama là người Mỹ gốc Phi và là người da màu đầu tiên đắc cử Tổng thống Mỹ).

"Thực tế là đáng thất vọng," nhà sử học người Mỹ bình luận.

"Các cuộc thăm dò ý kiến không lâu sau khi Obama trở thành Tổng thống năm 2009 cho thấy 2/3 người dân Mỹ tin rằng vấn đề quan hệ sắc tộc nhìn chung là tốt.

Trong khi đó, các khảo sát gần đây thể hiện gần 6/10 người Mỹ, bao gồm số đông người da đen và da trắng, cho rằng tình hình quan hệ sắc tộc hiện nay khá tồi tệ; còn 4/10 người nghĩ rằng tình hình đang diễn biến xấu hơn."

Không công khai ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng "đá xoáy" Donald Trump

Trong Thông điệp Liên bang ngày 12/1, Obama cũng báo cáo thành tích kinh tế của mình và lập luận rằng "bất kỳ ai cho rằng kinh tế Mỹ đang suy thoái chỉ là đang hoang tưởng".

Nói về tầm nhìn cho tương lai nước Mỹ, ông Obama tin rằng cơ hội kinh tế, an ninh và hòa bình đều trong tầm với, song "sẽ chỉ đạt được nếu chúng ta thay đổi cách làm chính trị của mình".

Học giả Weber đánh giá, bất chấp Tổng thống tuyên bố lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ, cũng như lặp lại nhiều lần sự tự tin với tương lai thì các cuộc thăm dò ý kiến đang cho thấy sự mất lòng tin ở mức độ chưa từng có của người dân Mỹ đối với các chính trị gia cả 2 đảng.

"Người dân cũng không còn tín nhiệm giới truyền thông, và đang có một 'chủ nghĩa bi quan' chưa từng thấy trong lịch sử về tương lai của nước Mỹ."


Donald Trump là ứng viên Tổng thống được cư dân mạng trên Twitter nhắc tới nhiều nhất trong thời gian ông Obama đọc Thông điệp Liên bang 2016

Donald Trump là ứng viên Tổng thống được cư dân mạng trên Twitter nhắc tới nhiều nhất trong thời gian ông Obama đọc Thông điệp Liên bang 2016

Theo ông Weber, sự thất vọng và hoang mang trên diện rộng này thể hiện rõ nhất ở độ tín nhiệm tăng vọt của ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump - người mà Obama đã dành thời gian, ít nhất bằng cách "ngụ ý", để chỉ trích trong bài phát biểu của mình.

Tổng thống Obama không hề đề cập tới cái tên Trump, song ông chỉ trích mạnh mẽ ứng viên của đảng Cộng hòa cũng như "những phát ngôn cường điệu gây chia rẽ trong chiến dịch tranh cử".

Obama khẳng định nước Mỹ "cần loại bỏ hoàn toàn thể loại chính trị nhắm vào chủng tộc hay tôn giáo của người khác để công kích".

"Đây không phải vấn đề ý thức chính trị (political correctness), mà chúng ta phải hiểu được những gì tạo nên sự hùng mạnh của nước Mỹ," ông nói.

"Khi sự bất mãn lớn dần, sẽ có những tiếng nói dụ dỗ chúng ta trở lại thời chia rẽ bộ tộc, để đổ hết tội lỗi cho những người đồng hương không cùng màu da, không cầu nguyện theo cách chúng ta, không bỏ phiếu như chúng ta, hay không cùng nguồn gốc với chúng ta," những lời của Tổng thống Mỹ được cho là nhằm vào Donald Trump.

Bài diễn văn Thông điệp Liên bang 2016 đã kết thúc và đương kim Tổng thống Mỹ vẫn còn nguyên 1 năm nữa trong Nhà Trắng.

"Căn cứ vào tình hình hiện nay, Barack Obama gần như chắc chắn sẽ rời cương vị mà không thể đáp ứng được những kỳ vọng lớn lao mà ông đã cố hết sức dấy lên khi lần đầu bước chân vào Nhà Trắng," Weber kết luận.

Giám đốc Viện nghiên cứu đánh giá lịch sử (IHR), Mỹ
Mark Weber
Weber là một nhà sử học, tác giả, nhà diễn thuyết và chuyên gia phân tích thời sự. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của ông là chính sách đối ngoại Mỹ, quan hệ quốc tế, Chiến tranh Thế giới thứ II, rộng hơn là lịch sử Mỹ và châu Âu thế kỷ XX.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại