Báo Trung Quốc khuyên Mỹ tập trung chống khủng bố?
Bối cảnh quốc tế thời gian qua chứng kiến hàng loạt vụ khủng bố kinh hoàng nhằm vào máy bay Airbus A321 của Nga làm 224 người thiệt mạng, các vụ tấn công đẫm máu ở Paris hay vụ bắt giữ con tin tại Mali...
Các vụ khủng bố xảy ra khắp nơi, từ Paris cho tới cả châu Âu, rồi sang châu Phi, khiến bầu không khí hoang mang bao trùm thế giới, ảnh hưởng lớn tới các hoạt động hàng không, du lịch...
Trong tình hình đó, học giả Mã Siêu chỉ trích Washington "không giảm bớt thái độ cứng rắn của mình về vấn đề biển Đông".
Theo học giả Hồng Kông, mục tiêu "số 1" của chủ nghĩa khủng bố chính là nước Mỹ, dẫn chứng bằng việc Nhà nước Hồi giáo (IS) tung đoạn video đe dọa đánh bom liều chết nhằm vào thành phố New York.
Đồng thời, IS "tuyên chiến" với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi dọa "tái hiện vụ khủng bố Paris", giết chết ông Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Theo Hoàn Cầu, trước những thách thức và đe dọa trực diện như vậy, Mỹ nên đoàn kết với toàn cầu để tập trung sức mạnh chống khủng bố, "chứ không nên chỉ chú ý vào chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, dùng vấn đề biển Đông kiềm chế Trung Quốc".
Tờ này chỉ trích Washington "không quan tâm đến an toàn của người dân Mỹ".
Trên thực tế, các vụ tấn công khủng bố đã trở nên liều lĩnh và khó lường hơn, biến đây trở thành "kẻ thù chung số 1" của cộng đồng quốc tế thời điểm hiện tại.
Vấn đề khủng bố đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình hòa bình thế giới, trong khi không một quốc gia hay thế lực nào có thể bảo đảm không trở thành mục tiêu khủng bố.
Hoàn Cầu cho rằng, nếu Mỹ còn phân tán sức mạnh và phân hóa các khối liên kết mà họ tham gia thì chỉ khiến liên minh chống khủng bố toàn cầu - vốn có nền tảng tin cậy còn yếu - trở nên dễ dàng bị đổ vỡ hơn, làm rối loạn toàn bộ mặt trận chống khủng bố và để bọn khủng bố có thêm cơ hội.
Trong thời gian qua, một số quốc gia ban đầu chỉ "đi theo" Washington trong cuộc chiến chống Nhà nước hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria đã chuyển biến sang một thái độ can thiệp tích cực hơn.
Sau vụ khủng bố ở Pháp hôm 13/11, Paris đã nỗ lực kết nối với Nga để hợp tác trong các chiến dịch quân sự chống IS.
Quốc hội Anh hôm 2/12 đã bỏ phiếu cho phép quân đội nước này tham gia chiến dịch không kích nhằm vào IS tại Syria. Không quân Anh bắt đầu "dội bom" IS chỉ vài giờ sau đó.
Trong khi đó, các nghị sĩ Đức ngày hôm nay (4/12) sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu về việc thông qua kế hoạch gửi 1.200 binh sĩ, ngoài ra là 6 máy bay trinh sát và 1 tàu khu trục, đến tham chiến chống IS tại Syria.
Không quân Hoàng gia Anh bắt đầu không kích IS tại Syria từ 3/12. Ảnh: Getty Images
Trung Quốc ngụy biện để lấp liếm sự thất thế trên trường quốc tế
Thời báo Hoàn Cầu cáo buộc Washington không có động thái tích cực chống khủng bố chẳng khác nào "2 tay giao nộp các đối tác" cho kẻ địch, và đe dọa Mỹ sẽ mất hết sự ủng hộ từ các đồng minh.
Hoàn Cầu tỏ ra "tốt bụng" khi khuyên Mỹ cần xác định rõ các vấn đề nặng-nhẹ, lớn-nhỏ, chính-phụ trong chiến lược và chiến thuật và khẳng định "cuộc chiến chống khủng bố hết sức gian khó, cần các nước đoàn kết hợp tác trong lúc nước sôi lửa bỏng này".
"Đặc biệt, nếu Mỹ muốn giành lại sự tôn trọng của các nước trong vấn đề chống khủng bố thì trước tiên cần từ bỏ việc gây khó dễ cho chiến lược của Trung Quốc (?)," tờ báo bình luận.
Học giả Mã Siêu thì cho biết: "Mỹ vừa là mục tiêu hàng đầu của khủng bố, vừa gánh vác trọng trách sức mạnh chủ lực của liên minh chống khủng bố.
Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu không thể xa rời khỏi vai trò của Mỹ.Tuy nhiên, Mỹ hoàn toàn không có khả năng vừa chống khủng bố vừa đối đầu Trung Quốc."
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, trang Đa Chiều (Mỹ) cho rằng những đánh giá từ ông Mã hay Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo lớn thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo, không nằm ngoài mục đích tranh thủ cơ hội thế giới tập trung chống khủng bố để gửi đi thông điệp "làm lệch hướng dư luận".
Thời gian vừa qua, bên cạnh các vụ khủng bố thì Bắc Kinh chính là "mục tiêu chỉ trích" của dư luận quốc tế xoay quanh những hoạt động trái phép của họ trên biển Đông.
Hoàn Cầu "hậm hực", về lý thuyết vấn đề biển Đông không phải là nội dung thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh APEC hôm 18-19/11 vừa qua ở Manila, Philippines.
Thế nhưng, việc Mỹ cùng Philippines, Nhật Bản... nhấn mạnh tình hình biển Đông trong các cuộc hội đàm song phương đã khiến Trung Quốc "cứng họng" và bất mãn.
Washington tái khẳng định lập trường cứng rắn và cảnh cáo Trung Quốc cần phải dừng ngay mọi hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông, đồng thời xác nhận sẽ tiếp tục tuần tra biển Đông cũng như tập trận chung với Manila.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 19/11 cũng khẳng định trong cuộc hội đàm với ông Obama rằng sẽ hết sức chú ý các diễn biến ở biển Đông có thể ảnh hưởng tới an ninh nước này và xem xét khả năng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tuần tra biển Đông.
Trong một diễn biến khác, việc dấy lên quan điểm "Mỹ nên tập trung chống khủng bố" cũng được cho là cách để Bắc Kinh kéo sự chú ý của dư luận khỏi các vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Diễn biến vụ kiện bất lợi cho Trung Quốc kể từ cuối tháng 10 khi Tòa thường trực quốc tế (PCA) ở The Hague, Hà Lan tuyên bố có thẩm quyền tiếp nhận và phân xử vụ kiện của Manila chống lại các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.
Trung Quốc nhiều lần tỏ thái độ bất mãn và công khai tuyên bố "sẽ không thừa nhận các phán quyết của PCA".
Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ bình luận: "Trung Quốc giả vờ là có thể phớt lờ một cách dễ dàng (vụ kiện của Philippines-PV), nhưng họ sẽ phải trả một cái giá quốc tế".