Iraq: Nước nào gửi quân đến là "gây hấn"

P.Nghĩa |

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 3-12 tuyên bố Baghdad không yêu cầu chi viện binh sĩ từ nước ngoài và nếu bất cứ quốc gia nào triển khai lực lượng tới đây sẽ bị xem là hành động gây hấn.

Tuyên bố trên trang Facebook chính thức của ông Abadi được đưa ra sau khi Đại tá quân đội Mỹ Steve Warren cho biết Washington sẽ bổ sung thêm khoảng 100 đặc nhiệm tới hỗ trợ chiến dịch quân sự chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Tổng thống Barack Obama lưu ý quyết định này không phải là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang lặp lại cuộc xâm lược tương tự năm 2013, vốn dẫn đến một cuộc xung đột và bạo lực kéo dài triền miên.

Ông chủ Nhà Trắng trước đó khẳng định Mỹ sẽ không gửi bộ binh tham chiến nhưng tuần này, Lầu Năm Góc thông báo họ sắp gửi một đội đặc nhiệm tới chống IS ở Iraq và Syria. Số lượng binh sĩ triển khai là 100, tăng so với 50 nhân viên dự kiến.

Tổng thống Obama phát biểu có phần đi ngược lại chủ trương của ông, trong đó nói rằng Mỹ cần thêm một “thành phần quân sự” (chỉ lực lượng mặt đất) để tiêu diệt hoàn toàn IS.

Chính quyền Obama đang phải đối mặt với áp lực hành động mau chóng sau vụ khủng bố liên hoàn ở Paris – Pháp tối 13-11 đe dọa các quốc gia phương Tây, đặc biệt khi Pháp, Anh và Đức đang thúc đẩy vai trò của họ trong liên minh chống IS.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS, ông Obama thừa nhận một mình lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ không thể tiêu diệt các nhóm chiến binh thánh chiến nhưng cho biết họ có thể cung cấp thông tin tình báo bổ sung, làm việc với các lực lượng địa phương và trợ giúp chiến dịch không kích.

“Chúng tôi đang phát triển các quan hệ đối tác với các bộ lạc địa phương và người Sunni – những người sẵn sàng chống IS, mặc dù họ không mạnh như chúng tôi mong đợi” – ông nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại