Điều "quá nhạy cảm để tiết lộ" ở hoà đàm Syria

Ngọc Minh |

Về nguyên nhân cho bí mật quan trọng của cuộc hòa đàm về Syria, LHQ chỉ giải thích rất ngắn gọn rằng, nó quá nhạy cảm để tiết lộ.

Câu hỏi không lời đáp

Ngày 26/1 - 3 ngày trước khi diễn ra hòa đàm Syria, Phái viên LHQ Staffan de Mistura đã gửi lời mời các lãnh chúa và chính trị gia đối lập ở Syria tới Geneva dùng trà, cafe và cùng nhau đàm phán.

Những người nhận được lời mời hoàn toàn không biết ngoài mình ra, ai sẽ tới.

Không có thông tin chính thức nào chỉ rõ khách mời là ai, thậm chí, cũng không rõ liệu các bên liên quan có sẵn sàng chấp nhận những điều khoản cần thiết để giảm căng thẳng tại Syria.

Ông de Mistura thì lấp lửng rằng, danh sách chi tiết khách mời "quá nhạy cảm" để có thể công bố, song ông bày tỏ hi vọng sẽ nhận được phản hồi chính thức và những người được mời sẽ tới Thụy Sĩ kịp cuộc đàm phán ngày 29/1.

LHQ đã chuẩn bị trong tòa nhà của mình một vài phòng cho các cuộc đàm phán khác nhau giữa họ với ông de Mistura và nhóm của ông. Chính phủ Thụy Sĩ cũng được cho là đã đặt phòng tại ít nhất 3 khách sạn cho ít nhất là 3 phái đoàn.

New York Times nhận định, với bất cứ cuộc hòa đàm nào, việc bàn bạc về cách tổ chức sự kiện như thế nào luôn khó khăn và gây ra nhiều tranh cãi, song một bước đi về ngoại giao như cách mà LHQ tiến hành lần này thì "đặc biệt kỳ lạ".

Báo Mỹ
New York Times
Kế hoạch của ông de Mistura - đưa khách mời đến các căn phòng riêng biệt rồi tới gặp họ là một dấu hiệu cho thấy tình hình phức tạp tới mức nào.

Ông de Mistura cũng hứa sẽ tìm kiếm sự tư vấn từ các đại diện của xã hội dân sự và nhóm hoạt động vì nữ giới. Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, tới ngày 26/1, dường như không có ai trong số họ nhận được lời mời "bí ẩn" này.

Bà Mouna Ghanem, một chính trị gia trung lập người Syria, điều phối viên Diễn Đàn Phụ nữ vì Hòa bình Syria cho hay:

"Ngay trước thềm Geneva - 3, hầu hết tất cả nam giới đều gấp rút đàm phán cho tương lai của Syria", trong khi đó, sự tham dự của nữ giới là "mờ nhạt và không đáng kể".

"Khó tin ai đó muốn nói chuyện hòa bình"

Việc LHQ giữ bí mật cho tới "phút chót" là cơ hội để các bên tuyên truyền có lợi cho mình - một số người nhanh chóng khẳng định họ được mời, một số khác lại nói họ nghe phong thanh rằng đối thủ của mình sẽ không được tới.

Trong suốt vài tuần trước hòa đàm, các bên liên quan dường như đều lảng tránh vào câu hỏi ai sẽ đại diện cho phe đối lập Syria.

Ả Rập Xê-Út thì chỉ định liên minh gồm nhiều nhóm phiến quân vũ trang và phe đối lập - Ủy ban Đàm phán Cấp cao, tham dự hòa đàm và tự đại diện cho chính mình.

Điều đó không khiến Nga hài lòng. Moscow đã vận động hành lang để các đại diện khác có mặt tại bàn đàm phán, bao gồm những lực lượng mà Ả Rập cho rằng quá thân thiết với chính phủ Assad và cả lực lượng người Kurd vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Ngày 26/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối sự xuất hiện của đảng Liên minh Dân chủ người Kurd tại Geneva. Ông này tuyên bố, nếu lực lượng này được mời, thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ủng hộ đàm phán nữa.

Cùng ngày, Haitham Manaa, một nhân vật đối lập được Nga hậu thuẫn xác nhận đã nhận được lời mời, song từ chối tham dự với tư cách là đại biểu một nhóm hỗn hợp do Nga đề cử.

Cũng trong ngày này, Ủy ban Đàm phán Cấp cao đã ra tuyên bố khẳng định họ nhận được giấy mời, song không xác nhận sẽ tới Geneva nếu quân chính phủ không dừng bao vây và các cuộc không kích không được ngừng lại.

Lực lượng này nói rằng, họ đã gửi thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon "yêu cầu làm rõ" chuyện này.

Dù thế, họ cũng đã nhóm họp tại Riyadh để bầu ra người sẽ đại diện cho mình trong cuộc đàm phán.

Báo Mỹ
New York Times
Dựa vào những gì đang diễn ra ở Syria, thật khó để tin rằng ai đó thực sự muốn nói về hòa bình, thậm chí là ngừng bắn trong thời gian ngắn.

Cái tên duy nhất mà LHQ chính thức khẳng định không được mời - dưới áp lực từ Thổ Nhĩ Kỳ, là đảng Liên minh Dân chủ người Kurd. Một số chuyên gia cho rằng, điều này sẽ là một bước cản đối với tiến trình hòa bình ở Syria.

Giám đốc Mạng lưới thông tin Mỹ-Kurdistan Kani Xulam khẳng định: "Nếu không muốn nội chiến Syria kéo dài, người ta phải mời người Kurd tham gia đàm phán hòa bình về Syria".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại