Tờ New York Times (Mỹ) cho hay, trong cuộc hội đàm Kerry-Vương Nghị, phía Trung Quốc đã đồng ý biện pháp trừng phạt mới mà Liên Hợp Quốc áp đặt với Triều Tiên.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ giấu tên nói với tờ này, tuyên bố của Bắc Kinh và việc tiến hành biện pháp trừng phạt có thể khiến Bình Nhưỡng "thực sự ngấm đòn" là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Quan chức trên cho hay, một dự thảo lệnh cấm vận với Triều Tiên đã được phía Mỹ gửi tới Bắc Kinh khoảng 10 ngày trước chuyến công du của ông John Kerry, nhưng cuối cùng Washington cũng không nhận được câu trả lời thực chất từ Trung Quốc.
Theo NYT, sau vụ Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom khinh khí hôm 6/1, Bắc Kinh luôn phản đối và cản trở việc trừng phạt nước này trên diện rộng, bất chấp các tuyên bố đầy gay gắt của Bộ ngoại giao Trung Quốc.
Quan chức người Mỹ nói, Trung Quốc chỉ thúc giục áp đặt trừng phạt đối với cá nhân/tổ chức trực tiếp liên quan tới dự án thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên.
Hôm 28/1, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân, hồ sơ nhân quyền và các hoạt động trên không gian mạng của Bình Nhưỡng.
Đồng thời, Hạ viện Mỹ gần đây cũng thông qua một dự luật nhằm trừng phạt các tổ chức Trung Quốc hỗ trợ các dự án quân sự hay các hoạt động bị Mỹ cho là "rửa tiền" của Triều Tiên.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Mỹ John Kerry tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm ngày 27/1 tại Bắc Kinh
NYT cho biết, trong nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh, Ngoại trưởng John Kerry đã viện dẫn thành công của thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng dường như quan điểm của ông không được phía Trung Quốc hưởng ứng.
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình trên thực tế đã có quyết định của mình về vấn đề Triều Tiên từ... năm ngoái.
Ông Trương Bạc Hối, chuyên gia Hồng Kông nghiên cứu các vấn đề an ninh, đánh giá: "Đối với Trung Quốc mà nói, cục diện tồi tệ nhất chính là dồn ép, biến Triều Tiên thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và đối đầu Bắc Kinh.
Tôi nhận định, Trung Quốc đã quyết định nhẫn nhịn việc Triều Tiên trở thành một nước sở hữu hạt nhân."
Theo ông, Tập Cận Bình gần như đã xác định một Triều Tiên "hữu nghị với Trung Quốc và sở hữu vũ khí hạt nhân" còn hơn là điều ngược lại, bởi việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng dường như đã vượt tầm kiểm soát của Bắc Kinh.
Trương Bạc Hối bình luận, Trung Quốc vẫn sẽ duy trì lập trường ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng vụ thử hạt nhân hôm 6/1 là thông điệp của Bình Nhưỡng, rằng Trung Quốc không còn "ra lệnh" cho họ về mặt ngoại giao được nữa.