Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gần đây đã tới thăm Riyadh nhằm cam kết với Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác rằng nước Mỹ vẫn luôn về phe họ. "Không có gì thay đổi" sau thỏa thuận hạt nhân Iran - ông khẳng định.
Nguyên nhân chính đằng sau mối quan hệ lâu năm giữa Washington và Riyadh là dầu mỏ. Từ trước đến nay, Mỹ chưa từng nghĩ tới việc chia sẻ các giá trị văn hóa với Saudi, nơi mà theo ông Bandow, chỉ là "phiên bản văn minh hơn chút ít" của nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Hoàng gia nước này đứng đầu một chế độ chuyên chế, cấm các quan điểm bất đồng về chính trị, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do xã hội. Các vụ hành hình bằng chặt đầu vẫn diễn ra thường xuyên; và phụ nữ gần như không có quyền gì tại vương quốc này.
Trước đây, khi Mỹ còn phụ thuộc phần nhiều vào dầu nhập khẩu, một vài bước nhượng bộ nhỏ về chính sách có lẽ là cần thiết, ông Bandow nhận định trên The National Interest.
Tuy nhiên, đến nay, trong bối cảnh thị trường năng lượng quốc tế đang mở rộng, khó có thể công nhận rằng dầu lửa có thể bảo đảm "mối quan hệ đặc biệt" của Mỹ đối với Saudi. Thậm chí Mỹ còn đang trên đà trở thành nước xuất khẩu dầu.
Ngược lại, hoàng gia Saudi không thể tồn tại nếu thiếu khoản thu từ dầu mỏ và vẫn tiếp tục bơm dầu ra ngoài thị trường dù giá đã giảm mạnh.
Giá dầu giảm khiến hoàng gia Saudi rơi vào cảnh khó khăn. Ảnh: CNNMoney
Trong những năm gần đây, Washington còn coi Riyadh như một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống chính trị chống lại Iran.
Nhưng thực tế, theo ông Bandow "vấn đề Tehran" là do Mỹ gây ra, chính việc Mỹ phá hỏng nền dân chủ của Iran và trao quyền cho Shah, một nhà cải cách lạm quyền và tham nhũng để rồi sau đó bị lật đổ, đã tạo ra một nhà nước Hồi giáo tại Iran.
Mối lo ngại càng tăng cao khi Tehran, cùng với Israel, trực tiếp đối đầu với người hàng xóm dòng Sunni này, đồng thời tiếp tục chương trình hạt nhân Shah.
Cơn ác mộng về một cuộc cách mạng Hồi giáo trong khu vực đã khiến Mỹ phải vội vàng ra tay bao bọc Saudi và các đồng minh khác của quốc gia này.
Tuy nhiên, lập luận về việc ủng hộ Saudi này đã không còn giá trị nữa, chuyên gia về chính sách ngoại giao của Mỹ viết. Theo ông, hoàng gia Saudi chống lại Iran vì những lý do của riêng họ, chứ không liên quan gì đến Mỹ. Hơn nữa, giờ đây Saudi Arabia có thể tự bảo vệ chính mình.
Năm 2014, đất nước này đã đứng ở vị trí thứ 4 thế giới với tổng chi tiêu cho quân sự lên đến 81 tỉ USD, gấp nhiều lần Iran.
Mối đe dọa về đảo chính phản ánh một điểm yếu nằm ngoài tầm với của Washington trong nội bộ Saudi: tình hình đàn áp vẫn tiếp diễn ra tại quốc gia này.
Cộng đồng các tín đồ dòng Shia thiểu số liên tục bị ngược đãi, điển hình nhất là vụ hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr gần đây, một người từng nhiều lần đứng ra phản đối hoàng gia.
Hơn nữa, thỏa thuận hạt nhân tạo ra một cơ hội tốt để Iran thay đổi. Quá trình này sẽ không diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, trái ngược với Saudi, nơi đây vẫn diễn ra bầu cử, tranh luận chính trị, đa dạng tôn giáo, các cuộc phản đối và cả tư tưởng đổi mới.
Theo chuyên gia Doug Bandow, đối với Mỹ hiện nay, Iran là một đồng minh tốt hơn Saudi Arabia. Ảnh: AP
Dù đạt được lợi ích gì từ liên minh với Saudi, Mỹ cũng phải trả giá đắt, chuyên gia Bandow nhận định.
Đầu tiên là chi phí của việc đóng vai vệ sĩ miễn phí cho các ông hoàng Saudi. Vì lí do này, Mỹ đã khởi động chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, và để lại một đơn vị đồn trú trên lãnh thổ Saudi. Đó là chưa kể những gì diễn ra tại Iraq sau đó.
Và như thể nhận được chỉ thị của Saudi, Washington đứng ra hỗ trợ cuộc chiến của nước này tại Yemen và tiếp tục dốc tận lực lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, đối thủ lớn nhất của IS, một lực lượng còn nguy hiểm hơn rất nhiều.
Những hành động chà đạp lên các giá trị mà Mỹ tôn vinh còn diễn ra bên ngoài biên giới Saudi. Ở đất nước láng giềng Bahrain, Riyadh đã can thiệp cùng đàn áp phần đông dân số dòng Shia nơi đây.
Đặc biệt, chính tổ chức được Saudi chu cấp tài chính al-Qaeda và đồng bọn đã gây ra vụ khủng bố 11/9. Và có vẻ như, các hoạt động ngầm "nuôi dưỡng" các phần tử cực đoan bạo lực vẫn tiếp diễn.
Trong vài năm vừa qua, các động thái của Riyadh ngày càng gây hại cho nước Mỹ. Hoàng gia nước này vẫn tiếp tục đòi lật độ Tổng thống Assad mà không hề tính tới những hậu quả có thể xảy ra.
Không dừng lại ở đó, Saudi còn biến tình trạng hỗn loạn nhiều năm của Yemen thành một cuộc mâu thuẫn phe phái khác trong khu vực.
Cảnh tượng đổ nát tại Yemen sau một cuộc tấn công của Saudi Arabia. Ảnh: Reuters
Bằng việc hành quyết giáo sĩ al-Nimr, Saudi đã kích động một làn sóng phản đối phe phái dữ dội tại Bahrain, Iran, Iraq và Lebanon. Riyadh đáp trả bằng việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, ngầm phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria.
Tất nhiên, việc Riyadh gây ra bất ổn trong khu vực không đồng nghĩa với việc Mỹ nên thay đổi bộ máy cai trị ở Riyadh.
Nhưng Washington cũng không nên tiếp tục ủng hộ thái quá hoàng gia Saudi. Đặc biệt, Mỹ nên ngay lập tức rút khỏi trận chiến bất hợp pháp của Saudi tại Yemen, ông Bandow nhận định.
"Hai nước cần một mối quan hệ mới, bình thường hơn. Họ nên hợp tác khi có lợi và phản đối khi cần. Điển hình là việc tiến hành bán vũ khí cho Riyadh mà không cần cam kết bảo đảm an toàn cho hoàng gia nước này.
Và quan trọng hơn, Washington nên tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Tehran. Chính sách ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông cần một sự cân bằng" - chuyên gia này viết trên The National Interest.