Sân sau bị "xâm lấn"
Trong khi những nước đi của Nga tại Ukraine hay Syria đã được truyền thông đưa tin rộng khắp, thì theo ông DeLuca, ảnh hưởng của Moscow đã mở rộng tới tận khu vực Mỹ Latin, nơi từ lâu vẫn được coi là sân sau của Mỹ.
Tận dụng sự thờ ơ trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi liên tục rút quân đội cũng như các nguồn lực kinh tế ra khỏi khu vực, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tích cực vươn tầm với sang Argentina, Brazil, Venezuela, Nicaragua, Cuba...
Hiện nay, Nga đang có quan hệ rất tốt với các nước thành viên Liên minh Bolivar cho các Dân tộc châu Mỹ (ALBA), một tổ chức liên chính phủ vì mục tiêu hội nhập kinh tế, chính trị và xã hội của các quốc gia Mỹ Latin và vùng Caribbe.
Tổ chức này được thành lập như một đối trọng cho hiệp định FTA do Mỹ thành lập. Theo ông DeLuca, nhiều quốc gia Mỹ Latin và Caribbe vẫn coi hiệp định này như một hình thức thâu tóm khu vực qua kinh tế của Washington.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang cung cấp một lượng lớn vũ khí nhiều chủng loại cho các nước thành viên ALBA, hỗ trợ huấn luyện quân đội và cảnh sát, chia sẻ thông tin tình báo, và nhận hỗ trợ tài chính cho các quốc gia này.
Từ năm 2008 đến năm 2011, Nga đã bán hơn 3.000 tên lửa đất-đối-không cho các nước Mỹ Latin, trong đó Venezuela là bạn hàng lớn nhất, điều mà theo ông DeLuca, không nhằm mục đích nào khác ngoài việc chế ngự sức ép từ Mỹ.
Trong khi đó, tại Argentina, cựu Tổng thống Cristina Kirchner là một trong những lãnh đạo thế giới hiếm hoi ủng hộ quyết định sáp nhập Crimea của Nga. Đáp lại, Moscow đã hỗ trợ Buenos Aires hoàn thiện lò phản ứng thứ ba trong công tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Bà Kirchner và ông Putin có một mối quan hệ khá tốt. Ảnh: AFP
Ông Putin cũng đã tham gia tập trận quân sự trên biển với Venezuela và Nicaragua, miễn nhiều khoản nợ cho Cuba từ thời Liên Xô, cũng như bán vũ khí cho cả 3 quốc gia này.
Với Nicaragua, Nga đã xây dựng một trung tâm phòng chống ma túy quy mô mà nhiều chuyên gia cho rằng tương lai có triển vọng sẽ nâng tầm Nga không kém cạnh so với quyết tâm của Mỹ trong công cuộc loại bỏ ma túy ra khỏi khu vực.
Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn, cựu Cố vấn các vấn đề Latin tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (UAID), ông Jose Cardenas, nhận định, xét trên bình diện địa chính trị tại Mỹ Latin, rõ ràng phe thân Mỹ và các đồng minh NATO vẫn vượt trội so với phe Putin đang cố kéo về phía mình.
Song, theo ông Cardenas, sự thật là hiện nay Nga, cũng như Trung Quốc hay thậm chí cả Iran, đang nhận ra một lỗ hổng quyền lực tại Mỹ Latin do Mỹ để lại từ hệ quả của chính sách đối ngoại quá thờ ơ với chính sân sau của mình.
Cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nghị sĩ gốc Cuba Ileana Ros-Lehtinen, cũng bày tỏ sự lo ngại với các động thái mới đây của Nga tại khu vực Mỹ Latin.
"Trong chuyến công du năm ngoái, Putin đã gặp mặt anh em nhà Castro, xóa một phần nợ cho Cuba, kí hiệp ước hạt nhân với Argentina, và tái khẳng định mong muốn hợp tác kinh tế với Nicaragua.
Có thể thấy, Nga đã và đang tìm cách gây ảnh hưởng tiêu cực tới các mục tiêu đối ngoại của Mỹ trên toàn cầu, và sự hiện diện của Nga tại Tây bán cầu, như một cách để trêu tức Mỹ, sẽ khiến tình hình khu vực trở nên bất ổn" - bà phát biểu.
Chia sẻ quan điểm của hai chuyên gia nêu trên, Tiến sĩ Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu chuyên ngành Latin Học tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Chiến tranh Mỹ, cũng bày tỏ quan ngại trước những hợp tác quân sự Nga đã và đang tiến hành tại Mỹ Latin.
Theo ông Ellis, giá trị số vũ khí Nga bán cho khu vực này đã lên tới 14,5 tỉ USD chỉ trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2013, và 11 tỉ USD trong số đó là chi tiêu của Venezuela. Phần còn lại do Peru và Brazil chiếm đa số.
Xe tăng T-72B1 tham gia duyệt binh tại Venezuela là một sản phẩm của Nga. Ảnh: ArmyRecognition.com
Nga được gì?
Đổi lấy những hỗ trợ về kinh tế và quân sự, Nga muốn các nước Mỹ Latin mở đường cho máy bay và tàu chiến nước này neo đậu tại các cảng và sân bay trong khu vực. Ngoài ra, lá phiếu tại LHQ của họ cũng sẽ giúp Nga trong các vấn đề quốc tế.
Trong số 11 quốc gia bỏ phiếu chống đối với nghị quyết LHQ về việc lên án Nga sáp nhập Crimea năm 2014, 4 thuộc về các nước Mỹ Latin. Đó là Bolivia, Venezuela, Cuba, và Nicaragua. Ngoài ra, Argentina, Brazil, Uruguay, và Ecuador cũng bỏ phiếu trắng.
Theo ông DeLuca, có thể nói, dù chưa thể thay đổi hoàn toàn hình ảnh "sân sau" của Mỹ, nhưng những Trung Quốc, Iran, và đặc biệt là Nga đã và đang tận dụng tối đa sự thờ ơ của Washington đối với Mỹ Latin để dần biến khu vực này trở thành một sân chơi chung.