Nga điều "Gấu bay" Tu-95 lượn lờ quanh đảo Nhật Bản để làm gì?

Đức Huy |

Theo phân tích của The Diplomat, việc Nga liên tục điều động máy bay tới áp sát không phận Nhật Bản cho thấy quan hệ giữa hai nước vẫn khá "lạnh".

Đợt "tuần tra" của bộ đôi Tu-95

Hôm 26/1 vừa qua, bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Lực lượng Tự vệ trên Không Nhật Bản đã phải điều tiêm kích xuất trận sau khi phát hiện 2 chiếc Tu-95MS của Nga đang bay ngay sát không phận Nhật.

Theo hình ảnh radar ghi lại do chính phủ Tokyo cung cấp, 2 máy bay ném bom chiến lược của Nga xuất phát từ tỉnh Primorsky, qua Biển Nhật Bản, và bay xung quanh không phận 4 đảo Honshu, Kyushu, Shikoku, và Hokkaido, trước khi trở về Nga.

Theo The Diplomat, vụ việc này không phải lần đầu tiên máy bay ném bom chiến lược của Nga "lượn lờ" quanh không phận Nhật Bản. Moscow thường xuyên làm như vậy trong thời gian qua, buộc Tokyo phải đáp trả để đảm bảo không phận Nhật không bị vi phạm.

Hình ảnh đường bay của 2 chiếc Tu-95 do Bộ Quốc phòng Nhật Bản cung cấp.
Hình ảnh đường bay của 2 chiếc Tu-95 do Bộ Quốc phòng Nhật Bản cung cấp.

Tuy nhiên, đáng nói là đường bay của 2 chiếc Tu-95 lần này có tính gây hấn hơn hẳn những lần trước.

Thông thường, máy bay ném bom Nga sẽ bay theo đường dài. Cụ thể, Tu-95 thường bay hết dọc dãy đảo Ryukyu trước khi trở về Nga. Tháng 3/2015, Nhật Bản đã từng đánh chặn và bám đuôi một chiếc Tu-95 của Nga qua Eo biển Triều Tiên giữa Hàn Quốc và Kyushu.

Năm 2014, không lâu sau khi Nga sáp nhập Crimea và chịu sự cô lập của phương Tây, trong đó có việc bị "đá" khỏi nhóm G8 mà Nhật Bản là một thành viên, tần suất các đợt "tuần tra" của Tu-95 đã tăng lên đáng kể tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Khi đó, Tư lệnh Không lực Mỹ tại Thái Bình Dương, tướng Herbert Carlisle, có nói rằng, Washington đã phát hiện máy bay ném bom Nga áp sát không phận bang California, sau đó bay xung quanh đảo Guam, một hành trình có nhiều nét tương đồng với vụ việc hôm 26/1 vừa qua ở Nhật.

Dù Nga khẳng định đây chỉ là những đợt bay tuần tra thông thường với mục đích giữ "thể trạng" cho Tu-95, một lý do không phải không có cơ sở, song theo The Diplomat, những vụ việc tại California năm ngoái hay ở Nhật mới đây thực chất mang một thông điệp địa chính trị.

Nhưng trước khi phân tích thông điệp nói trên là gì, hãy cùng nhìn lại quan hệ Nga-Nhật trong thời gian qua.

Quan hệ Nga-Nhật: Đợt "không khí lạnh" kéo dài

Cuối năm 2015, các quan chức Nhật Bản đã liên tục công khai thể hiện sự lo ngại trước các hành động mà họ cho là gây hấn từ phía Nga. Quan hệ Nhật-Nga thì đã xuống dốc từ vụ Crimea, dù trước đó mối thân tình giữa hai lãnh đạo Vladmir Putin và Shinzo Abe tương đối "ấm".

Tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Kuril giữa Moscow và Tokyo từ sau Thế Chiến II đã trở thành rào cản đối với quan hệ hai nước. Nhiều dấu hiệu cho thấy đôi bên đã đi đến hòa giải, song từ khi quan hệ xấu đi năm ngoái, Kuril lại trở thành "điểm nóng".

Nga đã không ngần ngại thách thức Nhật Bản với việc tuyên bố sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự trên Kuril. Thậm chí, Moscow còn tổ chức tập trận tại quần đảo này.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới thị sát quần đảo Kuril hồi tháng 8/2015. Ảnh: AFP
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới thị sát quần đảo Kuril hồi tháng 8/2015. Ảnh: AFP

Hai nước khép lại một năm 2015 "lạnh lẽo" trong ngoại giao với tuyên bố hoãn vô thời hạn chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Putin tới Tokyo.

Theo The Diplomat, với bối cảnh quan hệ song phương đầy hục hặc như vậy, có thể thấy vụ việc hôm 26/1 vừa rồi là bước tiến tiếp theo trong một dây chuyền hàng loạt các hành động mang tính thách thức của Nga nhắm tới Nhật trong thời gian qua.

Đáng chú ý là đợt "tuần tra" của Tu-95 xảy ra chỉ vài ngày sau khi ông Abe, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Nikkei, bày tỏ ý muốn hợp tác với Nga. Nhật Bản hiện đang là Chủ tịch luân phiên G7, và ông Abe muốn nhân đó đẩy mạnh "hợp tác mang tính xây dựng" với Moscow.

The Diplomat nhận định, chính sách đối ngoại của Nhật với các láng giềng xung quanh vẫn còn tương đối phức tạp, và rõ ràng ông Abe không hề muốn Tokyo phải hứng chịu những hậu quả của việc phương Tây cô lập Nga.

Một chi tiết thú vị khác là tháng trước, sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, Nga đã chỉ trích gay gắt động thái của Bình Nhưỡng. Điều này cũng có thể mở đường cho hợp tác Nga-Nhật trong vấn đề Triều Tiên vì cả hai đều là thành viên của Đàm phán 6 bên.

Kể từ khi bị phương Tây cô lập, Nga đã có những động thái lôi kéo Triều Tiên, trong đó có việc mời Kim Jong Un tới Moscow dự đại lễ kỉ niệm 70 năm Ngày Chiến Thắng. Tháng 11/2015, một phái đoàn quân đội Nga cũng tới thăm Bình Nhưỡng.

Qua phản ứng của Nga với Triều Tiên cũng như phát biểu mang tính hòa giải của ông Abe, các chuyên gia đã thấy được triển vọng từ những luồng gió mới có khả năng làm "ấm" lại quan hệ Nga-Nhật.

Tuy nhiên, với đợt "tuần tra" đầy tính gây hấn vừa qua của bộ đôi Tu-95, thì theo The Diplomat, đợt "không khí lạnh" làm đóng băng quan hệ song phương Moscow-Tokyo trong suốt năm 2015 vừa qua sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại