Với tư cách thành viên thường trực của Liên Hợp Quốc (LHQ), đại sứ Vladimir Voronkov đã mô tả vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Triều Tiên là hành động rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh quốc gia.
Sau đó, Đô đốc Vladimir Komoyedov, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Duma quốc gia Nga còn nhấn mạnh vụ thử hạt nhân hôm 6/1 là điều “kinh khủng” và hối thúc cộng đồng quốc tế có biện pháp kiềm chế năng lực hạt nhân ngày càng lớn mạnh của Bình Nhưỡng.
Thậm chí, Moscow còn không loại trừ khả năng ủng hộ các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế với chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Phản ứng gay gắt của Nga với Triều Tiên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước vốn được xây đắp từ các cuộc tập trận chung, chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Vladimir Putin tới Bình Nhưỡng và tuyên bố chung về năm hữu nghị giữa hai nước.
Trên tạp chí The Diplomat, chuyên gia nghiên cứu về Nga và Đông Âu tại Đại học Oxford, ông Samuel Ramani nhận định có 2 nguyên nhân giải thích cho động thái Nga lên tiếng chỉ trích vụ thử bom nhiệt hạch hôm 6/1 của Triều Tiên.
Thứ nhất, Moscow muốn phá bỏ mối quan hệ đóng băng với Nhật Bản để giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Thứ hai, Nga tin rằng khi đóng vai trò trung gian hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, vị thế của quốc gia này trên trường quốc tế sẽ ngày càng được củng cố.
Xoay trục sang Nhật Bản
Mặc dù giới phân tích phương Tây thường xuyên mô tả mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Nga và Triều Tiên là sự tái sinh của liên minh Liên Xô cũ nhưng trên thực tế, quan hệ hợp tác giữa hai nước đang ngày càng bị giới hạn.
Trong đó, quyết định tiến lại gần Triều Tiên của Tổng thống Putin xuất phát lệnh trừng phạt của phương Tây.
Để đối phó với tình thế bị cô lập, Nga đã chuyển sang đẩy mạnh quan hệ với các nước châu Á – Thái Bình Dương cũng như thiết lập liên minh với những chính phủ mang tư tưởng chống phương Tây.
Xét trên phương diện chính trị, chính sách thắt chặt quan hệ với Triều Tiên của Nga được xem như đã giành thắng lợi nhưng quan hệ kinh tế giữa hai nước lại rất yếu.
Theo chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu Triều Tiên, ông Andrei Lankov, việc Moscow cam kết mở rộng quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng lên con số 1 tỷ USD vào năm 2020 chỉ mang tính biểu tượng bởi Nga hoàn toàn thiếu các nguồn tài chính để cạnh tranh với tầm ảnh hưởng đầu tư từ Trung Quốc vào Triều Tiên.
Đây là lý do khi Bình Nhưỡng có những hành động mang tính khiêu khích làm ảnh hưởng tới chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương, Tổng thống Putin đã ngay lập tức xoay chuyển trọng tâm.
Cụ thể, Nga vẫn muốn tránh tình trạng quá lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc để ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Viễn Đông đồng thời tận dụng sự hung hăng của Triều Tiên để khôi phục quan hệ với Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Moscow và Tokyo nhiều lần rơi vào vòng xoáy căng thẳng khi Nhật Bản đồng tình cùng các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với Nga liên quan tới cáo buộc can thiệp vào chiến sự ở miền đông Ukraine và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước tại quần đảo Kuril.
Quan hệ lạnh nhạt cũng đã khiến hoạt động thương mại Nga – Nhật sụt giảm 30% vào năm 2015.
Và chính những tuyên bố mạnh miệng chỉ trích Bình Nhưỡng đã phần nào đem lại hy vọng trong tiến trình hòa giải quan hệ Nga – Nhật.
Điển hình, chỉ sau khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch hôm 6/1, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) của Nhật Bản là ông Masashiko Komura đã tới thăm Moscow.
Sau phiên thảo luận với giới chức Nga, ông Komura đã kêu gọi hai nước mở rộng quan hệ kinh tế và phối hợp chặt chẽ để cùng Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra các biện pháp trừng phạt tăng cường nhằm ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân.
Thậm chí, Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng bóng gió về việc Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tới thăm Nga trong thời gian tới.
Đây được xem là bước ngoặt lớn trên chính trường Nga – Nhật kể từ sau chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Dmitry Medvedev tới quần đảo Kuril hồi tháng 8/2015.
Về phần mình trong bài phát biểu hôm 12/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh cả Moscow và Tokyo đều mong muốn tình hình trên bán đảo Triều Tiên được ổn định bởi hòa bình sẽ giúp "quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư đơm hoa kết trái”.
Dù Nhật Bản không có ý định gỡ bỏ những lệnh trừng phạt áp đặt với Nga liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine song những tín hiệu cải thiện quan hệ giữa hai nước trong thời gian gần đây đang mở ra cơ hội về một thỏa thuận chính thức mang tính lịch sử nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng giữa Moscow – Tokyo kể từ sau Thế chiến thứ Hai và giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Kuril.
Trung gian hòa giải
Tương tự như những năm trước, sau sự kiện Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, Trung Quốc được kỳ vọng là nước tiên phong làm trung gian hòa giải gỡ bỏ tình trạng căng thẳng.
Trên thực tế, mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc trong việc duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên là ngăn chặn cơn khủng hoảng di cư giữa biên giới Trung – Triều cũng như hạn chế tầm ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản làm cản trở phạm vi hành động của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, vai trò trung gian của Trung Quốc trong thỏa thuận hạt nhân giữa Triều Tiên với cộng đồng quốc tế vẫn chưa có gì làm đảm bảo.
Bởi lâu nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn luôn có những tuyên bố và hành động để chứng minh với người dân Triều Tiên rằng Bình Nhưỡng hoàn toàn độc lập với Bắc Kinh dù nền kinh tế bị phụ thuộc.
Đây chính là thời cơ để Nga, đối tác chiến lược quan trọng thứ hai của Triều Tiên, nắm lấy cơ hội làm trung gian hòa giải.
Trong khi Trung Quốc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc là do Triều Tiên đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn thì Nga lại từng bước đóng vai trò cân bằng quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
Điều đáng nói dù Nga mở rộng hợp tác quân sự với Triều Tiên sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine hồi tháng 3/2014, Hàn Quốc vẫn từ chối tham gia cùng phương Tây trừng phạt Moscow.
Thậm chí, Seoul còn duy trì thảo thuận miễn thị thực ký kết với Moscow hồi tháng 11/2013 cũng như mở rộng hợp tác với Nga trong lĩnh vực công nghiệp nặng và hàng không vũ trụ.
Hãng tin TASS của Nga cho hay sau tuyên bố về các cuộc đối thoại song phương giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga – Hàn, giới chuyên gia Hàn Quốc tin rằng Moscow sẽ nắm vai trò tiên phong trong tiến trình đưa ra các biện pháp mới trừng phạt Triều Tiên.
Ngoài những lời chỉ trích hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, Nga cũng đang mở rộng vai trò làm trung gian kết nối kinh tế giữa hai miền Triều Tiên.
Sau khi xóa 90% khoản nợ cho Triều Tiên hồi năm 2012, Nga đã ra tuyên bố mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm xây dựng hệ thống đường dẫn khí đốt tự nhiên lớn nối Sakhalin tới Hàn Quốc.
Trước đề xuất này, giới doanh nghiệp Hàn Quốc đã mạnh dạn tham gia vào dự án đường sắt Rajin – Khasan, buộc phải đi qua một thành phố cảng của Triều Tiên.
Có thể thấy, so với Trung Quốc, Nga ít chú trọng tới việc duy trì mối quan hệ với Triều Tiên. Nhưng khi mất đi đồng minh là Nga, Triều Tiên có thể mất luôn mối quan hệ với Ấn Độ, quốc gia hiện đang sát lại gần với Moscow.
Bằng cách cho Bình Nhưỡng thấy cái giá phải trả từ sự cô lập của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Putin có thể khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un suy nghĩ lại về những hành động hung hăng, khiêu khích trên bán đảo Triều Tiên.
Theo ông Ramani, việc lên tiếng chỉ trích Triều Tiên được xem là một quyết định mang tính chiến thuật và ngắn hạn của Nga nhằm mục đích cải thiện quan hệ với Nhật Bản và tăng vị thế của Moscow trên chính trường.
Và khi trở thành một nhân tố không thể thiếu giúp bình ổn an ninh châu Á, Tổng thống Putin sẽ đưa Nga trở thành đối tác ngang bằng với Trung Quốc và phương Tây.