Một liên minh trên thị trường dầu mỏ thế giới có vẻ đang bắt đầu được hình thành, khi mà các quan chức của công ty đường ống dẫn năng lượng Nga Transneft tuyên bố các mỏ dầu của nước này có thể sẽ giảm sản lượng khoảng 6,4% trong năm nay.
Việc Nga công khai tuyên bố ý định giảm sản lượng được xem là một đề xuất hợp tác với tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ thế giới (OPEC), trong việc vực dậy giá cả loại nhiên liệu này.
Ở thời điểm hiện tại, cả Nga lẫn OPEC đều có những lý do cấp bách để thiết lập một liên minh, hợp tác vực dậy giá dầu.
Nhưng điều đó không có nghĩa là một sự liên kết giữa hai bên sẽ nhanh chóng diễn ra, khi mà kinh tế Nga đang tỏ ra nguy ngập hơn hẳn so với OPEC thì Ả Rập Saudi có quyền... làm cao.
Trái với dự đoán của nhiều nhà phân tích, OPEC có vẻ không mấy hứng thú với đề xuất hợp tác từ phía Nga.
Tổng thư ký OPEC Abdullah al Badri phát biểu tại London, rằng tổ chức này cần phải thiết lập một hội nghị để lấy ý kiến toàn bộ các nước thành viên trước khi quyết định có chấp nhận lời đề xuất cùng vực dậy giá dầu của một số quốc gia hay không.
Hiện ngoài Nga còn có Oman và Azerbaijan cũng có những đề xuất hợp tác tương tự với OPEC để nâng giá dầu lên.
Việc tổng thư ký Badri tuyên bố OPEC sẵn sàng triệu tập một cuộc họp bất thường (theo dự kiến phải đến giữa năm 2016 OPEC mới họp thường niên) để thảo luận về việc có nhận lời đề nghị của các nước ngoài OPEC hay không, là dấu hiệu cho thấy tổ chức dầu mỏ đầy quyền lực này sẵn sàng có động thái nhận lời.
Nhưng quốc gia đứng đầu OPEC là Ả Rập Saudi lại đang chứng tỏ họ không hề có ý định bắt tay với Nga và các nước ngoài OPEC.
Phát biểu sau khi lãnh đạo Transneft tuyên bố Nga sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 6,4% trong năm nay, chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia Aramco của Ả Rập Saudi - ông Khalid al Falih cho biết nước này đang tiếp tục đầu tư mạnh vào khai thác dầu dù đã phải cắt bớt ngân sách tại một số lĩnh vực kinh tế.
Theo đó, Ả Rập Saudi không có ý định hợp tác với quốc gia nào để can thiệp vào giá dầu, thay vào đó sẽ để thị trường tự cân bằng và quyết định giá cả.
Tuyên bố của Ả Rập Saudi có thể xem như một lời từ chối thỏa thuận hợp tác mà Nga và một số nước ngoài OPEC đang đề xuất.
Điều này khiến nhiều người bất ngờ, khi chính Ả Rập Saudi đã là nước ngỏ ý thiết lập một sự hợp tác giữa OPEC và các cường quốc xuất khẩu dầu lửa khác để vực dậy giá dầu trong hội nghị tại Vienna hồi giữa năm 2015.
Trên thực tế, việc liên minh OPEC - Nga hình thành để vực dậy giá dầu cũng đem lại lợi ích lớn cho cả hai bên; cả Nga lẫn khá nhiều nước thành viên OPEC đang rơi vào tình trạng trì trệ nền kinh tế do giá dầu giảm, trong đó có Ả Rập Saudi, Lybia, Venezuela hay Algeria.
Bản thân Saudi cũng đã thâm hụt ngân sách gần 13% trong năm 2015 do giá dầu, và buộc cắt giảm chi tiêu và tăng giá một loạt hàng hóa thiết yếu trong nước để bù đắp.
Tuy nhiên, nếu điểm qua tình hình tại các quốc gia xuất khẩu dầu lửa, có thể hiểu được phần nào việc Ả Rập Saudi đang tỏ ra làm cao.
Kinh tế Nga hiện rơi vào cảnh nguy ngập hơn là Saudi, đồng Rup sau gần 1 năm tương đối ổn định đã lại bắt đầu trượt giá trở lại, đồng nội tệ của Nga đã có phiên rớt giá đỉnh điểm vào thứ Năm tuần trước, ở mức 1 USD đổi 86 Rup, phá vỡ kỷ lục trượt giá được thiết lập trước đó vào tháng 12.2014.
Tổng cộng đồng Rup đã mất giá khoảng một nửa kể từ thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3.2014. Hiện Rup đang là đồng tiền có tốc độ mất giá cao thứ hai trong số 24 đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi, chỉ sau Peso của Argentina.
Việc Rup mất giá mạnh ở thời điểm hiện tại mang lại những tác động rất xấu cho kinh tế Nga.
Nó đẩy lạm phát lên cao trở lại, khiến cho nền kinh tế tiếp tục rơi vào trì trệ, trong khi Ngân hàng Trung ương Nga lại không thể hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng để bù lại do lạm phát hiện nay đã cao hơn gấp 3 lần mục tiêu trung hạn mà nước này đề ra.
Hiện tại lạm phát ở Nga đang đạt mức 12,9%, hạn chế đáng kể sức mua của người dân nước này.
Do giá dầu giảm, ngân sách của Nga đã thâm hụt khoảng 2,6% trong năm 2015, cùng với mức giảm tăng trưởng khoảng 3,8%; hiện mức đóng góp vào ngân sách Nga từ xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga là khoảng 44%.
Để bù đắp sự thâm hụt này, chính phủ Nga phải cắt giảm ngân sách hoạt động và ngân sách liên bang từ 10-18% tùy từng lĩnh vực, tiếp tục khiến kinh tế Nga rơi vào trì trệ.
Tình hình nền kinh tế nguy ngập do giá dầu giảm đang khiến cho tổng thống Vladimir Putin và các cộng sự buộc phải tìm cách giải quyết, mà việc đề xuất hợp tác với OPEC là một ví dụ.
Chỉ còn khoảng 2 năm nữa là cuộc bầu cử ở Nga sẽ diễn ra, nếu nền kinh tế cứ suy thoái như thế này sẽ không đem lại kết quả tốt cho đảng Nước Nga thống nhất của ông Putin.
Có lẽ Ả Rập Saudi hiểu rõ điều đó nên muốn gia tăng sức ép hơn nữa thay vì nhanh chóng chấp nhận lời đề nghị hợp tác từ phía Nga.
Bộ trưởng năng lượng Qatar, một đồng minh thân cận với Saudi, ông Mohammed al-Sada đã phát biểu tại London rằng: “Chúng tôi hy vọng OPEC sẽ vượt qua giai đoạn sụt giảm thậm chí là mạnh hơn nữa của giá dầu.
Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ hồi phục. Thị trường chắc chắn sẽ hồi phục vì giá dầu hiện nay là không bền vững”.
Ả Rập Saudi và OPEC quả thực có lý do để tiếp tục gây sức ép với Nga, khi mà một thành viên quan trọng của tổ chức này là Iran đang chuẩn bị quay lại cuộc chơi với sản lượng có thể đạt 900.000 thùng/ngày vào giữa năm sau khi đã được Mỹ và EU dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế.
Với sự quay trở lại của Iran, Ả Rập Saudi có thể cho phép các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính như Venezuela hay Algeria giảm sản lượng, vốn là điều mà các nước này mong muốn, đồng thời cũng được xem là nguyên nhân gây chia rẽ lớn trong nội bộ OPEC thời gian qua.
Và có vẻ như Nga cũng đã dự đoán trước tình huống này, khi vào tuần trước người đứng đầu quỹ đầu tư trực tiếp của Nga là Kirill Dmitriyev phát biểu sau một cuộc họp tại khu nghỉ mát Swiss Alpine ở Davos, rằng có thể một lúc nào đó Nga sẽ hợp tác với OPEC, nhưng chỉ đến khi thị trường cân bằng.
Dmitriyev cũng dự đoán thời điểm đó sẽ diễn ra sau khoảng 1 năm nữa. Đúng là khi đó vẫn sớm hơn thời điểm diễn ra cuộc bầu cử quốc hội và bầu tổng thống Nga khoảng 1 năm, đủ để tổng thống Putin cải thiện tình hình.
Nhưng vấn đề là, liệu kinh tế Nga có đủ sức để trụ vững thêm một năm nữa hay không?