Trả lời phỏng vấn tờ Jerusalem Post từ thủ đô Baku, ông Ali Hasanov, cố vấn cấp cao của Thủ tướng Azerbaijan chia sẻ:
"Điều chúng tôi mong chờ từ Israel... là quốc gia này có thể tham gia vào những gì đang diễn ra ở đây, bởi Israel có thể yêu cầu Armenia dừng bắn phá và tham gia đàm phán.
Chúng tôi xem Israel là một đối tác chiến lược, và hi vọng nước này lên tiếng.
Azerbaijan đã đề nghị đối tác chiến chiến lược của mình - Nhà nước Israel - bày tỏ thái độ đối với những diễn biến mới nhất liên quan tới các hành động khiêu khích quân sự của Armenia tại biên giới vùng lãnh thổ do Azerbaijan kiểm soát".
Khi được nhắc về việc, Israel có quan hệ ngoại giao nhưng không khăng khít với Armenia - đồng nghĩa Tel Aviv có rất ít tầm ảnh hưởng, ông Hasanov vẫn tin rằng, mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, Nga, Pháp sẽ giúp Israel thúc giục các nước này đưa Armenia tới bàn đám phán.
Vị cố vấn cấp cao này chỉ ra, vùng Nam Caucasus rất gần với Trung Đông và có thể ảnh hưởng tới các diễn biến tại khu vực đang rất bất ổn này - một điều hoàn toàn bất lợi cho Israel.
Trong khi đó, Tel Aviv vẫn đang im lặng, chưa vội dính dáng tới cuộc đối đầu giữa Azerbaijan với Armenia, dù rằng nước này coi Azerbaijan là "đối tác chiến lược" của mình ở nhiều lĩnh vực, bao gồm dầu mỏ và vũ khí, khí tài quân sự.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel Emmanuel Nachshon cho hay, Bộ này "đang theo dõi diến biến ở Nagorno Karabakh và mối quan hệ Azerbaijan - Armenia dưới góc nhìn lợi ích lớn", song "ở thời điểm hiện tại", không có bình luận gì thêm.
Tờ Jerusalem Post cho rằng, lý do Israel "án binh bất động" là bởi, với vị trí láng giềng của Iran, Azerbaijan có vai trò quan trọng chiến lược với Israel, nhưng Armenia lại nhận được hậu thuẫn lớn từ Nga - quốc gia có tầm quan trọng chiến lược không kém.
Rõ ràng là Israel không đời nào muốn làm phật lòng Nga, đặc biệt là trong bối cảnh ở Syria hiện nay.
Báo Israel Haaretz thậm chí còn nhận định, xung đột giữa Armenia và Azerbaijan là diễn biến mà chẳng có ai, kể cả Israel, muốn nhúng tay vào giải quyết.