Đó là khẳng định của Artem Skoropadsky, phát ngôn viên kiêm tùy viên báo chí của tổ chức cực đoan này, trong một bài phỏng vấn trên sóng đài truyền thanh Golos Stolytsi hôm thứ ba (5/5).
Tại đây, Skoropadsky cũng phản bác thông tin trước đó từ Bộ Quốc phòng Ukraine nói rằng lực lượng Cực Hữu sẽ sớm gia nhập hàng ngũ quân đội chính phủ nước này.
Do quan hệ mật thiết với lực lượng vũ trang quốc gia Estonia cũng như Bộ Quốc phòng nước này, phát ngôn viên Cực Hữu cho rằng tổ chức này có quyền tự quản lý kể cả khi đã gia nhập quân đội chính phủ Ukraine.
"Quyết định này phải được chính Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine - PV) đưa ra, chứ không phải Tổng thống [Poroshenko] hay Bộ Tham mưu. Hệ thống Bộ Quốc phòng cũng cần được thay đổi để phù hợp với các lực lượng vũ trang tình nguyện" - Skoropadsky phát biểu.
Phát ngôn viên Cực Hữu cũng giải thích, việc gia nhập quân đội chính phủ Ukraine đối với tổ chức cực đoan này cũng chỉ mang tính thủ tục, còn đường đi nước bước về mặt quân sự của họ sẽ không có gì thay đổi.
Theo Skoropadsky, hơn 10.000 chiến binh Cực Hữu sẽ tiếp tục thực thi nhiệm vụ trinh sát và tiến đánh nhằm mục đích lật đổ [chính quyền tự trị Donetsk].
"Ai đã từng đến chiến trường Donbass cũng đều hiểu Cực Hữu 'làm ăn' ra sao" - Skoropadsky phát biểu.
Trước đó, lãnh đạo tổ chức Cực Hữu Dmitry Yarosh đã được bổ nhiệm làm cố vấn cho tham mưu trưởng quân đội Ukraine, trước sự phản đối kịch liệt từ phía Nga, trong đó nổi bật nhất là Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Theo ghi nhận của Sputnik, tổ chức cực đoan này được biết đến với những hành vi tàn bạo như thiêu sống 48 tù binh tại Odessa, bắt nhốt và "diệt khẩu" nhân chứng cho những tội ác của họ, và là mối đe dọa thường trực phá vỡ hiệp định ngừng bắn Minsk.
Về phần mình, trong một bài phỏng vấn trên Interfax (Ukraine) hôm 4/5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak đã phủ nhận thông tin có xung đột nội bộ giữa quân đội chính phủ và các lực lượng vũ trang tình nguyện, trong đó có Cực Hữu.