Báo này cho biết, tất cả các lực lượng tình nguyện của Ukraine đang tham chiến tại Donbass từ giờ sẽ là một phần của quân đội Ukraine hoặc Vệ binh quốc gia.
Điều này đã được bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak tuyên bố cách đây không lâu. Ông Poltorak cũng thông báo rằng tại nơi diễn giao tranh không còn “các lực lượng tình nguyện hoặc có vũ trang khác”.
Theo nhận xét của Die Zeit, chính phủ Ukraine muốn chứng tỏ rằng họ đã giải quyết được vấn đề liên quan tới những tiểu đoàn "ngựa chứng" này, điều mà trước đây họ chưa làm được và từng phải gánh chịu rất nhiều lời chỉ trích.
Vẫn đau đầu vì lính tình nguyện
Về hình thức thì ông Poltorak hoàn toàn đúng. Từ khi thủ lĩnh đảng Cực Hữu (Правий сектор) Dmitri Yarosh được bổ nhiệm làm cố vấn cho tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, toàn bộ thành viên của tổ chức này cũng đã gia nhập quân đội Ukraine.
Do đó, nơi diễn ra giao tranh ở Donbass giờ không còn các tiểu đoàn mà không chịu sự quản lý trực tiếp của chính phủ Kiev.
Nhưng theo Die Zeit, thực tế lại hoàn toàn khác với những cam kết của Bộ Quốc phòng Ukraine. Điều này được chứng minh bằng các sự kiện diễn ra tại khu vực giao tranh chỉ vài ngày sau khi đảng Cực Hữu rút quân.
Trên lý thuyết, tại "điểm nóng" Shirokino đáng lẽ sẽ phải diễn ra hoạt động phi quân sự hóa theo đề nghị của chính phủ Ukraine và OSCE. Mục tiêu của hoạt động phi quân sự hóa là bảo vệ dân thường.
Nhưng đề nghị này ngay lập tức tạo nên làn sóng phản đối từ phía các tiểu đoàn quân tình nguyện Ukraine đang tham gia vào những hành động quân sự tại đây. Trong đó, tiểu đoàn Azov đã thẳng thừng từ chối rời khỏi Shirokino.
Theo phân tích của Die Zeit, dù các tiểu đoàn Azov và Donbass đã thuộc biên chế Vệ binh Quốc gia Ukraine một thời gian dài, nhưng không dễ gì kiểm soát được họ vì chỉ huy của những đơn vị này đánh giá tình hình chiến sự theo cách khác với Bộ Quốc phòng Ukraine.
Nghiêm trọng hơn, họ không chỉ chống đối việc thực hiện các mệnh lệnh mà còn công khai chỉ trích. Điều này cho thấy quyền lực của chính phủ Kiev trước những đơn vị tình nguyện vẫn còn hạn chế, và điều này tiềm ẩn trong nó một mối nguy hiểm.
Sự khó uốn nắn vào khuôn khổ của các tiểu đoàn quân tình nguyện có thể trở thành mục tiêu lý tưởng để phía Nga tiến hành tuyên truyền nhằm làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn.
Đối với Mariupol, sự bướng bỉnh của các tiểu đoàn quân tình nguyện Azov và Donbass tại Shirokino mang theo một rủi ro lớn, bởi vì đã từ lâu họ chờ sẵn cuộc tấn công của quân ly khai. Mariupol nằm trên bờ biển Azov và là cứ điểm chiến lược quan trọng.
Kiev phải tăng cường kiểm soát các tiểu đoàn
Các tiểu đoàn quân tình nguyện này còn mang theo một số vấn đề khác. Một bộ phận binh sĩ thuộc tiểu đoàn Azov trong quá khứ từng theo các tổ chức tân phát xít. Binh lính của tiểu đoàn Aidar thì từng bị cáo buộc cướp bóc của dân thường.
Có thể nói, hình ảnh của các tiểu đoàn lính tình nguyện, giờ đây cũng đồng nghĩa với hình ảnh của chính phủ Ukraine, không hề đẹp đẽ chút nào.
Cuộc xung đột cách đây không lâu giữa Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko với nhà tài phiệt Igor Koloimoisky cho thấy giới đại gia có tầm ảnh hưởng rất lớn tới các tiểu đoàn quân tình nguyện.
Ông Kolomoisky, cựu tỉnh trưởng Dnepropetrovsk, theo quan điểm của chính phủ, có được vị thế của mình là nhờ việc tài trợ cho các tiểu đoàn lính tình nguyện chiến đấu tại khu vực miền đông Ukraine.
Khi cuộc chiến giành quyền lực với ông Poroshenko lên đến đỉnh điểm thì các lực lượng có vũ trang đã chiếm tòa nhà tập đoàn dầu khí quốc gia tại Kiev. Từ đó cho thấy các tiểu đoàn lính tình nguyện hoàn toàn có thể biến thành mối đe dọa đối với chính phủ.
Chính phủ Ukraine khó xử
Theo Die Zeit, Kiev khó có thể thực hiện các hành động cứng rắn đối với những tiểu đoàn này. Đối với nhiều người dân Ukraine, hình ảnh những lính tình nguyện luôn chói sáng như các anh hùng.
Ngoài ra, áp đặt quá mức có thể phản tác dụng và biến thành cú “hồi mã thương” đối với chính phủ Ukraine. Các chính khách theo trường phái cực đoan của Ukraine như ông Oleg Lyashko đã lợi dụng vấn đề này.
Họ nói rằng chính phủ hành động thiếu cương quyết chối lại Nga và không muốn chiến đấu vì hòa bình mà muốn đầu hàng. Theo ý kiến của họ, đó chính là sự phản bội lại dân tộc nếu không nghe theo ý kiến của những lính tình nguyện.
Nói cách khác, Die Zeit cho rằng Kiev phải giữ vị trí trung lập. Vừa phải kiểm soát những tiểu đoàn này, vừa không hướng họ quay đầu chống lại chính phủ, nếu không điều đó sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng tới sự thống nhất đất nước.